(Xây dựng) – Năm 2025, Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo và trình 2 dự án luật là Luật Cấp, Thoát nước và Luật Quản lý phát triển đô thị. Theo tiến độ, Dự án Luật Cấp, thoát nước sẽ trình Chính phủ vào tháng 1/2025, thời hạn trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 2/2025. Luật Quản lý phát triển đô thị có thời hạn trình Chính phủ vào tháng 2/2025, thời hạn trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 3/2025.
Ảnh minh họa. |
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 568/QĐ-TTg phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật, pháp lệnh được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
Theo Quyết định, các dự án Luật gồm: Luật Cấp, thoát nước do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo; Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc do Bộ Quốc phòng chủ trì soạn thảo; Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Luật Dẫn độ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo; Luật Tương trợ tư pháp về dân sự do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo có thời hạn trình Chính phủ vào tháng 1/2025, thời hạn trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội là tháng 2/2025.
Cùng với đó, các dự án Luật gồm: Luật Quản lý phát triển đô thị do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo; Luật Đường sắt (sửa đổi) do Bộ Giao thông vận tải chủ trì soạn thảo; Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa do Bộ Khoa học và công nghệ chủ trì soạn thảo có thời hạn trình Chính phủ vào tháng 2/2025, thời hạn trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội là tháng 3/2025.
Quyết định nêu rõ, căn cứ bản phân công, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chủ trì soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh phải trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng các dự án luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng thời, thực hiện rà soát đầy đủ các văn bản có liên quan để phát hiện, xử lý những vấn đề khác nhau giữa quy định của văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và văn bản dự kiến ban hành, tránh để xảy ra mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản; tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; ngăn ngừa tình trạng lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ trong xây dựng pháp luật.
Các Bộ được giao chủ trì soạn thảo các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, gồm: Luật Cấp, Thoát nước; Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; Luật Dẫn độ; Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Luật Đường sắt (sửa đổi); Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa… chủ động xây dựng kế hoạch soạn thảo, hoàn thiện hồ sơ dự án luật trình Chính phủ đúng thời hạn, tiến độ đã được phân công…
Bộ Tư pháp thẩm định kịp thời, đúng thời hạn và nâng cao chất lượng thẩm định; chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; hằng tháng có báo cáo gửi Chính phủ tại phiên họp thường kỳ về tiến độ chuẩn bị các dự án, dự thảo thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; thống kê các dự án, dự thảo chậm tiến độ, không thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục và đề xuất biện pháp xử lý.
Yến Mai
Theo