(Xây dựng) - Nhận được phản ánh của người dân về tình trạng lợi dụng danh nghĩa mở rộng đường giao thông để khai thác đất trái phép tại địa bàn xã Bình Sơn, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa). Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã vào cuộc xác minh và ghi nhận phản ánh trên là đúng sự thật. Tình trạng này mặc dù diễn ra chưa rầm rộ, nhưng có thể trở thành “điểm nóng” nếu không được xử lý nghiêm.
Điểm khai thác trái phép tại thôn Thoy với những dấu vết cho thấy việc khai thác chỉ vừa mới diễn ra. |
Theo ghi nhận của PV, hai điểm khai thác đất trái phép tại Bình Sơn diễn ra tại thôn Bồn Dồn và thôn Thoy, nằm ngay trên con đường trục chính dẫn vào UBND xã.
Quan sát tại hiện trường cho thấy, những ngọn đồi bị đào bới tan hoang, biến dạng để khai thác đất với khối lượng lên đến hàng nghìn m3, chỉ còn lại một phần với những dấu vết để lại từ những vệt bánh xe tải vào ra, những vết mới của gầu múc ngoạm sâu vào vách núi chứng tỏ việc khai thác mới vừa diễn ra.
Thực tế cho thấy, việc khai thác được tiến hành bằng máy xúc, đất được chở đi bằng xe tải diễn ra khá lộ liễu và không phải chỉ trong một, hai ngày, lại chỉ cách UBND xã vài phút chạy xe nhưng không hiểu sao, sự vào cuộc xử lý của chính quyền lại chậm trễ đến vậy?
Làm việc với PV, lãnh đạo UBND xã Bình Sơn xác nhận việc khai thác đất trái phép tại đây là có thật. Cũng theo lãnh đạo xã, thực hiện chủ trương mở rộng đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết số 12-NQ/HU, ngày 22/7/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ Huyện ủy, UBND xã đã ban hành kế hoạch vận động nhân dân hiến đất mở đường và có tờ trình gửi UBND huyện “về việc xin múc đất làm đường giao thông”. Theo đó, đề nghị huyện cho phép được vận chuyển đất ra khỏi địa bàn vì địa phương không thể bố trí được bãi tập kết lượng đất thải trong quá trình san lấp, hạ độ cao tạo mặt bằng đường giao thông. Về đề nghị này, UBND huyện đang trong quá trình xem xét, chưa có văn bản trả lời.
Về việc khai thác đất trái phép, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn Hoàng Văn Giáp cho biết, điểm khai thác tại thôn Thoy thuộc thửa đất gia đình ông Nguyễn Văn Tấn, nằm trong phạm vi mở rộng đường theo Nghị quyết 12, trước đó chủ hộ đã có đơn xin múc đất, hạ độ cao để xây dựng nhà ở. Cũng như hộ ông Tấn, điểm khai thác tại thôn Bồn Dồn gia đình cũng có đơn xin san gạt, hạ độ cao để xây dựng nhà ở và cũng thuộc phạm vi mở rộng đường giao thông theo tiêu chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.
Tuy nhiên, cả hai trường hợp này, xã đều bác đơn vì không đủ điều kiện xây dựng nhà ở. Cùng với đó, sau khi phát hiện việc san gạt, múc đất chuyển đi nơi khác, xã đã tổ chức kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu chủ hộ cùng chủ máy móc, phương tiện khai thác đất dừng ngay hành vi khai thác đất trái phép. Mặc dù cho biết như vậy, nhưng trước đề nghị của PV về việc tiếp cận biên bản ghi nhận sự việc, lãnh đạo xã chỉ đưa ra được một biên bản lập tại điểm khai thác thôn Thoy, biên bản còn lại thì “xin khất vì đang chờ chữ ký của trưởng thôn” nên chưa thể đưa ra?
Điểm khai thác tại thôn Bồn Dồn diễn ra tại hai khu đồi, hình ảnh cho thấy việc khai thác vừa mới xảy ra (ảnh chụp ngày 24/2). |
Sau buổi làm việc trên chỉ vài ngày, khi nhận được thông tin phản ánh của người dân về việc tình trạng khai thác đất lại diễn ra vào ban đêm tại đây, vào ngày cuối tuần qua (24/02), PV đã quay trở lại Bình Sơn và ghi nhận phản ánh trên là có cơ sở bởi những dấu vết khai thác còn mới nguyên như vừa diễn ra, cùng với đó là sự biến dạng, thu hẹp diện tích, hạ độ cao của những quả đồi.
Tuy nhiên, làm việc với PV, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Xuân Linh khẳng định, việc khai thác vẫn đang tạm dừng và trước đó (ngày 23/02), Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện mới về làm việc, lập biên bản hiện trạng sử dụng đất tại hộ ông Nguyễn Văn Tấn. Theo đó “tại thời điểm kiểm tra, ông Tấn đã thuê máy múc đất, làm biến dạng địa hình, hiện trạng, hạ thấp độ cao thửa đất do lấy đất chuyển đi nơi khác, thay đổi độ dốc bề mặt thửa đất trên diện tích 304m2 tại 2 vị trí, vị trí 1 rộng 16m, dài 5m, sâu 6m; vị trí 2 rộng 16m, dài 8m, sâu 14m”.
Biên bản kết luận tóm tắt như sau: Việc làm trên là vi phạm pháp luật, yêu cầu chủ hộ giữ nguyên hiện trạng, nghiêm cấm chuyển đất đi nơi khác, nếu tiếp tục UBND huyện sẽ thu hồi đất theo quy định. Để xảy ra sự việc trên, trách nhiệm trước hết thuộc về Chủ tịch UBND xã, đề nghị UBND xã tăng cường hơn nữa công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn, lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính hộ ông Nguyễn Văn Tấn, báo cáo kết quả kèm hồ sơ xử lý về UBND huyện trong ngày 24/02/2023”.
Như vậy, thực tế cho thấy sự vào cuộc, xử lý hành vi khai thác đất trái phép tại Bình Sơn của chính quyền xã là quá chậm và chưa kiên quyết. Lẽ ra với thẩm quyền của mình, Chủ tịch UBND xã có thể ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và buộc chủ hộ vi phạm phải dừng ngay hành vi vi phạm, hoàn trả lại hiện trạng ban đầu. Thêm nữa, xã chỉ kiểm tra, lập biên bản đối với hành vi khai thác của gia đình ông Tấn tại thôn Thoy, trong khi vụ vi phạm tại thôn Bồn Dồn, theo quan sát của PV lại xảy ra trong thời gian dài hơn (căn cứ trên dấu vết tại hiện trường). Diện tích, khối lượng đất bị đào múc, vận chuyển đi nơi khác lớn hơn do được tiến hành trên hai quả đồi liền nhau, nhưng lại không bị lập biên bản ghi nhận sự việc để làm căn cứ xử lý vi phạm hành chính?
Để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về quản lý tài nguyên, khoáng sản, chấm dứt triệt để tình trạng khai thác đất trái phép trên địa bàn, đề nghị UBND huyện Triệu Sơn chỉ đạo chính quyền xã cùng các phòng, ban chuyên môn xử lý nghiêm vụ khai thác đất trái phép tại Bình Sơn, không để nơi đây thành “điểm nóng” về “đất tặc” như đã từng xảy ra tại một số xã khác trên địa bàn huyện.
Bình Sơn là một xã thuộc khu vực miền núi thấp của huyện Triệu Sơn, có rất nhiều dãy đồi đất đỏ (vật liệu lý tưởng dùng cho đổ nền, san lấp phục vụ các công trình xây dựng, giao thông, nhất là dự án đường cao tốc Bắc – Nam đang thi công tại Thanh Hóa) lại nằm ngay bên con đường chính của xã, nối liền với đường tỉnh lộ và đường Nghi Sơn – Sao Vàng, rất thuận lợi về giao thông. Do đó, nếu không có giải pháp mạnh tay, việc khai thác đất trái phép sẽ như “vệt dầu loang”, bùng phát rầm rộ, những dãy đồi, núi trập trùng sẽ trở thành “miếng mồi ngon” vỗ béo cho “đất tặc”.
Đào Nguyên
Theo