Công tác cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị không gian lịch sử văn hóa, truyền thống tại khu vực nội đô lịch sử là vấn đề được đặt ra trong nhiều chính sách, giải pháp của chính quyền các cấp Thủ đô Hà Nội những năm qua. Dù có nhiều cố gắng nhưng đến nay, kết quả chưa được như mong muốn.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, luật sư Nguyễn Hưng Quang, Phó Chủ tịch Hội Luật Quốc tế Việt Nam cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) là tiền đề, bệ phóng để Hà Nội giải quyết những bất cập chưa có lời giải.
Luật sư Nguyễn Hưng Quang - Phó Chủ tịch Hội Luật Quốc tế Việt Nam. Ảnh: PV |
- Hiện nay, tại Hà Nội, việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng không gian công cộng còn nhiều điểm nghẽn. Theo ông, Luật Thủ đô (sửa đổi) khi được triển khai liệu có thể giải quyết được bất cập này?
- Công tác cải tạo, chỉnh trang và tái thiết đô thị là nhiệm vụ quan trọng, được nêu cụ thể trong nhiều văn bản luật. Trong đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có những quy định cụ thể đối với các công việc về cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị. Điển hình, Điều 20 của Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định về công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị xác định mục tiêu “cải tạo, chỉnh trang đô thị trên địa bàn thành phố phải phù hợp quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc, thiết kế đô thị; bảo vệ các di sản văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, kiến trúc cảnh quan của Thủ đô; bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng, phòng cháy, chữa cháy; nâng cao tiện ích đô thị, cải thiện môi trường sống cho dân cư ở khu vực cải tạo, chỉnh trang”. Các hoạt động này được triển khai thông qua hình thức các dự án cụ thể và trường hợp cụ thể.
Điều 20 cũng cho phép chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất tại khu vực đô thị có quyền tự đề xuất thực hiện dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị, UBND thành phố có thể thực hiện việc chỉnh trang trong trường hợp cấp bách mà không lựa chọn được nhà đầu tư và thành lập Quỹ Bảo tồn khu vực nội đô lịch sử để có thêm nguồn kinh phí xã hội thực hiện cho công tác chỉnh trang, tu bổ, phục hồi công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, Luật Thủ đô (sửa đổi) còn có các quy định khác tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị, như Điều 19 “Quản lý, sử dụng không gian ngầm”, Điều 21 “Phát triển văn hóa, thể thao, du lịch”, Điều 29 “Phát triển nhà ở”, Điều 30 “Phát triển hạ tầng kỹ, hạ tầng giao thông”, Điều 31 “Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng”…
Tôi cho rằng, những quy định này tạo ra tính hệ thống trong việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị không chỉ một chuỗi hoạt động đơn lẻ mà có tính gắn kết, bao trùm để còn có thể mang lại đời sống đô thị Hà Nội có tính truyền thống, đậm nét văn hóa riêng biệt.
- Phố cổ Hà Nội từng đứng trước nguy cơ biến thành “phố mới”. Ông đánh giá Luật Thủ đô (sửa đổi) có giải pháp gì đột phá để bảo tồn và phát huy nét đặc trưng kiến trúc các công trình tại khu phố cổ Hà Nội, nhất là khu vực bảo vệ, tôn tạo cấp 1?
- Thành phố Hà Nội đã ban hành quy chế riêng về quản lý xây dựng đối với khu vực này. Trong đó, các công trình xây dựng mới sẽ ưu tiên bảo tồn phần kiến trúc mặt đứng và phù hợp với kiến trúc đặc trưng của khu phố cổ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà không ít công trình đã và đang được xây dựng mới có dấu hiệu không thực hiện theo quy chế này, đe dọa sự thay đổi khó kiểm soát về không gian kiến trúc xây dựng nơi đây.
Như tôi đã nêu, Điều 20 của Luật Thủ đô (sửa đổi) nhấn mạnh sự phù hợp quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc, thiết kế đô thị; bảo vệ các di sản văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, kiến trúc cảnh quan của Thủ đô. Một số giải pháp điểm của Luật Thủ đô (sửa đổi) có thể tạo khả năng đột phá, tháo gỡ điểm nghẽn cho công tác này, đó là Nhà nước chủ động hình thành các dự án chỉnh trang đô thị cho một công trình hoặc một nhóm công trình. Dự án có thể gồm một công trình hoặc một nhóm các công trình xây dựng mới, công trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và bảo vệ, tu bổ. Các chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất tại đô thị có thể góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại đất đai theo quy định pháp luật về đất đai và thống nhất lựa chọn chủ đầu tư cho dự án cải tạo, chỉnh trang của mình nếu người dân có thể góp đất để mở rộng quỹ đất sử dụng vào mục đích công cộng.
Đồ án quy hoạch chi tiết và thông tin phương án cải tạo, chỉnh trang đô thị phải được công bố công khai tại khu vực dự án cải tạo, chỉnh trang, trên phương tiện thông tin đại chúng và chỉ được phê duyệt nếu có từ 75% số chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất tương đương với diện tích khu vực cải tạo, chỉnh trang từ 75% trở lên đồng thuận.
Đối với các công trình kiến trúc có giá trị có nhiều chủ sở hữu, thành phố Hà Nội được sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ kiểm định chất lượng công trình; hỗ trợ cá nhân, tổ chức thực hiện cải tạo, chỉnh trang đô thị… Những biện pháp này vừa cho phép người dân chủ động tham gia công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị dưới sự quản lý của Nhà nước, đồng thời cũng tạo hành lang pháp lý để Nhà nước can thiệp trong trường hợp cần thiết.
- Như ông nêu, Luật Thủ đô (sửa đổi) có một điểm rất mới, đó là sử dụng ngân sách để hỗ trợ người dân chỉnh trang đô thị thông qua Quỹ Bảo tồn khu vực nội đô lịch sử. Ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này?
- Công tác cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị khu vực nội đô lịch sử cần xác định là trách nhiệm của chính quyền, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô. Quỹ Bảo tồn khu vực nội đô lịch sử của Thủ đô được quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi) là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ. Nguồn thu của quỹ được hình thành từ nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện, vốn ủy thác của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; các nguồn tài chính hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước.
Quỹ Bảo tồn khu vực nội đô lịch sử của Thủ đô sẽ làm giảm gánh nặng về đầu tư của ngân sách thành phố cho công tác cải tạo, chỉnh trang và tái thiết khu vực nội đô lịch sử và là cơ sở pháp lý để thành phố kêu gọi các nguồn đóng góp và đầu tư cho các hoạt động bảo tồn, sửa chữa, cải tạo, chỉnh trang các công trình kiến trúc ở khu vực nội đô lịch sử và các công trình kiến trúc khác có giá trị về văn hóa và lịch sử. Những tổ chức, cá nhân được hưởng lợi ích từ sinh hoạt, đầu tư kinh doanh trong khu vực nội đô lịch sử, khu phát triển thương mại văn hóa cũng có thể đóng góp vào quỹ này. Khi các giá trị di sản về công trình kiến trúc được bảo tồn thì sẽ thu hút khách du lịch và phát triển kinh tế - xã hội.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Hà Phong/Hanoimoi.vn
Link gốc: