Kể từ Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954), Hà Nội lần lượt trải qua 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính và 7 lần thực hiện điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.
Qua mỗi lần, thành phố lại có thêm những điều kiện thuận lợi để từng bước bồi tụ sức vóc, xứng với vị thế của Thủ đô cả nước. Mùa thu này, thành phố lại háo hức, sẵn sàng đón nhận cả những cơ hội và thách thức khi lịch sử tiếp tục tạo ra những thời cơ, vận hội mới.
Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển cả về diện mạo không gian đô thị, văn hóa, xã hội, thể hiện tốt vai trò trung tâm chính trị - hành chính của cả nước. |
Nhìn từ chặng đầu tiên
Sau năm 1945, Hà Nội đã trải qua 9 năm kháng chiến để có Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954). Cũng từ thời điểm này, không gian đô thị thành phố Hà Nội mới được kiến tạo, dựng xây. Theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Hà Nội khi ấy có diện tích 152 km² gồm 8 quận, huyện, với dân số 37 vạn người ở nội thành và 16 vạn người ngoại thành, đã bước vào thời kỳ khôi phục kinh tế, chuẩn bị dựng xây tầm vóc mới.
Dấu ấn mở rộng Hà Nội lần đầu tiên là tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa II (tháng 4-1961), diện tích Hà Nội được điều chỉnh lên tới 584 km², với dân số 91 vạn người. Bốn khu nội thành là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng và 4 huyện ngoại thành là Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh. Cũng từ năm 1960, thành phố bắt đầu kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm lần thứ nhất, xây dựng một số cụm công nghiệp, một số công trình kiến trúc lớn, như trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, giải quyết về nhu cầu nơi ở cho người dân.
“Trong thời kỳ này, các khu xóm lao động với khoảng 2 vạn người, được chuyển thành các khu tập thể lắp ghép được xây dựng mới như Thượng Đình, Minh Khai... tạo ra một cơ cấu mới cho đô thị, góp phần cải thiện chỗ ở, việc làm cho người lao động. Đặc biệt một số khu nhà ở tập thể như Kim Liên, Nguyễn Công Trứ... được xây dựng với mô hình đồng bộ cả hạ tầng xã hội. Cùng việc xóa nạn mù chữ, nhiều trường đại học lớn ra đời như Tổng hợp, Bách khoa, Sư phạm, Nông - Lâm... Một số bệnh viện cũ đã được cải tạo nâng cấp, một số bệnh viện mới được xây dựng như: Việt Nam - Cu Ba, Y học dân tộc...”, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm nhớ lại.
Đặc biệt, ngay từ năm 1959, Bác Hồ đã căn dặn: "Phải có quy hoạch trước, tránh làm rồi lại phá đi". Theo đó, Nhà nước và thành phố đã khẳng định cần phải sớm có quy hoạch chung Thủ đô để định hướng cho xây dựng và làm cơ sở phát triển kinh tế, xã hội. Với sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc, Ba Lan, thành phố bắt tay lập phương án quy hoạch phát triển Thủ đô. Bộ Chính trị đã xem xét và ra nghị quyết, đoàn chuyên gia Liên Xô đã nghiên cứu lập phương án quy hoạch cải tạo Thủ đô với quy mô 1 triệu dân và khoảng 20.000ha đất với xu hướng phát triển về phía Bắc sông Hồng...
Đến nay, Hà Nội đã trải qua 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính để có được quy mô lớn nhất và 7 lần điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Hà Nội đã có sự phát triển cả về diện mạo không gian đô thị, văn hóa, xã hội. Thành phố vừa thể hiện tốt vai trò của một thành phố đô thị, vừa thực hiện vai trò trung tâm chính trị - hành chính, tiên phong, dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực.
Cơ hội phát triển xứng tầm
Để phát triển Thủ đô Hà Nội lên tầm cao mới, xứng với truyền thống hào hùng và vị thế mới, ngày 5-5-2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, với mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Hà Nội đã xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai Nghị quyết, trong đó thực hiện đồng thời 3 nhiệm vụ quan trọng: Xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), lập Quy hoạch Thủ đô, lập Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô nhằm sắp xếp, kiến tạo và phân bổ không gian phát triển cho Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xa hơn nữa.
Đến nay, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, với nhiều cơ chế, chính sách mang tính đặc thù để Thủ đô bứt phá. Thủ đô Hà Nội được trao trách nhiệm và trao nhiều quyền hơn để quyết định những vấn đề liên quan với những điều kiện đặc thù. Hai đồ án quy hoạch lớn cũng đã được Quốc hội, Bộ Chính trị thông qua và đang hoàn thiện để phê duyệt.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội khẳng định, quá trình lập quy hoạch được tiến hành cẩn trọng, công phu, khoa học và bài bản. Thành phố đã huy động được các lực lượng tư vấn tốt nhất, mạnh nhất, nhiều nhất và thu hút được nhiều chuyên gia, nhà khoa học về quy hoạch hàng đầu của cả nước và nước ngoài.
Quy hoạch có nhiều đổi mới với tư duy hết sức đột phá như các quan điểm định hướng phát triển như: Thành phố quay mặt ra sông, mở rộng các tuyến đường sắt đô thị, phát triển không gian ngầm, giải quyết được các vấn đề về môi trường nước, trong đó, có việc xử lý và làm sạch các dòng sông Nhuệ, Tô Lịch, sông Tích và môi trường không khí của Hà Nội.
Khác biệt so với một số quy hoạch khác, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã chú trọng đến các vấn đề về văn hóa, di sản bởi Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước, là trung tâm đi đầu trong nghiên cứu, sáng tạo và phát huy được các tiềm năng con người, thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, Quy hoạch đã định hướng tổ chức không gian phát triển sông Hồng trở thành không gian sinh thái văn hóa, kinh tế và là nơi thể hiện được các biểu tượng phát triển của Thủ đô. Trong đó, lấy trục sông Hồng trở thành trung tâm hội tụ, là diện mạo và điểm nhấn quan trọng của Vùng Thủ đô, vùng của vùng đô thị hóa đồng bằng sông Hồng.
"Ngoài ra, các xu hướng mới về phát triển xanh hay kinh tế số, kinh tế tuần hoàn đã được tiếp thu từ kinh nghiệm quốc tế để thể hiện trong đồ án, góp phần tạo dựng sự phát triển về các cơ sở hạ tầng mới tại các khu đô thị mở rộng, đô thị vệ tinh, đặc biệt là khu vực Bắc sông Hồng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu.
Nhấn mạnh về nội dung cốt lõi của việc Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, đại diện cơ quan thẩm định đồ án, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chia sẻ, đồ án đã có sự kế thừa và điều chỉnh quy mô cấu trúc đô thị chùm đô thị đa cực, đa trung tâm với 5 vùng đô thị, gồm: Vùng đô thị trung tâm, phía Đông, phía Bắc, phía Tây và phía Nam. Hệ thống các đô thị này phân cách bằng các hành lang xanh, liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai, giao thông hướng tâm. Trước yêu cầu kiểm soát phát triển không gian đô thị và nông thôn, đơn vị lập quy hoạch cũng đã xây dựng hình thái quy hoạch kiến trúc đặc trưng cho Thủ đô Hà Nội, kiểm soát chặt chẽ quy hoạch về chiều cao công trình, mật độ xây dựng của từng khu vực, đặc biệt là khu vực nội đô lịch sử.
“Đồ án cũng đã xác định rõ các chương trình, dự án trọng tâm, đột phá, đặc biệt là phát triển đô thị theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng) để cải tạo, tái thiết, chỉnh trang đô thị; khai thác hạ tầng giao thông công cộng và xác định sông Hồng là trục không gian, biểu tượng phát triển của Thủ đô. Đây là điểm nhấn của quy hoạch chúng ta lần này”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nêu.
Để quy hoạch không dừng lại chỉ là định hướng lớn, mà phải nhanh chóng được triển khai, đưa vào cuộc sống, Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện một cách khả thi nhất, trong đó có các cơ chế, chính sách đi kèm, giải pháp huy động nguồn vốn, tổ chức triển khai với thứ tự ưu tiên, danh mục cụ thể các dự án… Triển khai xây dựng, phát triển đô thị Thủ đô Hà Nội theo quy hoạch, chắc chắn, sẽ có rất nhiều việc lớn, việc khó ở phía trước, song với những hoạch định đúng hướng, với sự quan tâm đặc biệt, sự tin tưởng và kỳ vọng của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, của các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân cả nước, từ dấu mốc lịch sử này, Hà Nội đang tràn đầy tin tưởng sẽ định hình vóc dáng mới, hướng tới một tương lai như chúng ta mong muốn từ hôm nay.
Theo Bảo Hân/hanoimoi.vn
Link gốc: