(Xây dựng) - Huyện Tiên Yên thuộc khu vực miền Đông của tỉnh Quảng Ninh đang nổi lên vấn đề thừa trường học nhưng thiếu học trò, khiến dư luận xã hội quan tâm.
Trường THPT Tiên Yên nhiều phòng học vẫn còn là công trình cấp 4 xây dựng từ thế kỷ trước. |
Thực tế không phải Tiên Yên thừa trường thiếu trò ở tất cả các cấp học, mà chỉ riêng ở cấp THPT. Cụ thể, khu vực thị trấn Tiên Yên và xã Tiên Lãng hiện có 3 trường cấp THPT gồm: Trường THPT Tiên Yên, trường THPT Nguyễn Trãi (hệ ngoài công lập), trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS và THPT Tiên Yên và Trung tâm Giáo dục hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện. Xã Đông Hải cách trung tâm thị trấn Tiên Yên 12km còn có trường THPT Hải Đông.
Năm học 2020-2021, số học sinh tốt nghiệp THCS ở huyện Tiên Yên là 683 em. Tuy nhiên, có một số học sinh không theo học tiếp lên cao, phần chuyển trường theo di cư tự nhiên, phần thì trường THPT Chuyên Hạ Long tiếp nhận học sinh học lực tốt để đào tạo nguồn lực mũi nhọn cho tỉnh. Trên địa bàn huyện chỉ còn lại trên 500 học sinh, thì có 5 trường trung học phổ thông đón đợt chiêu sinh.
Trước tình trạng trên, ngày 4/3/2021, UBND huyện Tiên Yên họp thống nhất, đề nghị tỉnh phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2021-2022 cho các trường. Theo đó, trường Trung học phổ thông Tiên Yên đề xuất tuyển 230 học sinh, trường THPT Hải Đông đề xuất tuyển 120 học sinh, trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS và THPT Tiên Yên tuyển 30 học sinh có hộ khẩu tại Tiên Yên, trường THPT Nguyễn Trãi và Trung tâm Giáo dục hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện tuyển số học sinh còn lại. Với chủ trương và chính sách hiện hành thì công tác tuyển sinh của trung tâm Giáo dục hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện có nhiều thuận lợi, công tác tuyển sinh của trường THPT Nguyễn Trãi gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không tuyển được đủ 1 lớp học sinh năm học 2021-2022.
Tiên Yên nhiều trường THPT nhưng ít trò là sự mất cân đối về cơ sở vật chất giáo dục với số lượng học sinh. Vấn đề bất cập này do lịch sử để lại khiến địa phương đang loay hoay tìm cách tháo gỡ. Ví dụ: Trường THPT Nguyễn Trãi với diện tích 3,7ha, quy mô trường là 36 lớp với 1.800 học sinh, hiện có 30 phòng học và 8 phòng chức năng. Khu hiệu bộ, ký túc xá học sinh gồm 25 phòng ở khép kín, 18 phòng nhà ở công vụ cho giáo viên... những năm cao điểm cũng chỉ tuyển được trên 100 học sinh. Năm học 2021-2022 này, nhà trường vô cùng bi đát, dự báo có thể chỉ tuyển được trên 20 học sinh.
Trường THPT Tiên Yên cách trường THPT Nguyễn Trãi khoảng 1km, diện tích sử dụng đất 7.500m2. Cơ sở vật chất gồm: Một khu nhà cấp 4 với 6 phòng học xây dựng từ năm 1990, một khu nhà 2 tầng với 8 phòng học được xây dựng từ năm 1970 (hết hạn sử dụng) và 1 khu nhà công vụ 7 phòng được xây năm 2003... năm học 2021-2022 được tuyển 230 học sinh. Năm 2018, địa phương đã tính sáp nhập trường THPT Tiên Yên với trường THPT Nguyễn Trãi, nhường đất cho trường THCS vốn trước đây là trường liên cấp (II+III), nhưng phụ huynh học sinh không tán thành.
Trường THPT Nguyễn Trãi có cơ sở vật chất khang trang. |
Chủ trương chuyển trường THPT Tiên Yên đến học ở trường THPT Nguyễn Trãi không thành, trường THPT Tiên Yên yên vị với cơ sở vật chất đã xây dựng từ lâu, xuống cấp, thường xuyên phải sửa chữa để sử dụng. Với một địa phương miền núi còn nhiều khó khăn lại thừa trường thiếu trò như vậy, ngân sách phải căn cơ. Còn Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện, năm học này được tuyển 180 học sinh, theo hình thức học nghề kết hợp học văn hóa. Cơ sở vật chất của Trung tâm này là khu nhà cấp 4 chật chội, phòng học không ra phòng học, nhà xưởng không ra nhà xưởng, nhưng học sinh tốt nghiệp THCS vào đây học được hưởng nhiều chế độ ưu đãi, hấp dẫn trong tuyển sinh. Tiên Yên nhiều trường THPT gây mất cân đối quy mô giảng dạy để trường thiếu trò.
Tỉnh Quảng Ninh đã có kinh nghiệm về tinh giảm bộ máy theo Đề án 25, ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh Quảng Ninh và UBND huyện Tiên Yên nên sớm có sự tái cơ cấu lại một cách hợp lý trường sở cấp học THPT. Công trình đáng đầu tư hãy đầu tư, để phát huy hiệu quả ngân sách và các nguồn lực xã hội cho sự nghiệp giáo dục ở địa phương.
Vũ Phong Cầm
Theo