(Xây dựng) - Tọa đàm Tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng ở Khu kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu Covid-19 do Tạp chí Điện tử Bất động sản Việt Nam (Realtime.vn) diễn ra sáng 9/6 đã có nhiều ý kiến luận bàn, phân tích xu hướng phát triển của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam.
Qua việc thảo luận về cơ hội đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng tại các Khu kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu Covid-19, các đại biểu muốn chia sẻ kinh nghiệm phát triển những sản phẩm bất động sản của các thương hiệu lớn, uy tín, tại các Khu kinh tế đặc biệt trong tương lai như Vân Đồn, Phú Quốc.
Quang cảnh cuộc Tọa đàm. |
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) chia sẻ: “Nhận diện được cơ hội, bất động sản nghỉ dưỡng cần phải làm gì để bật dậy sau “giấc ngủ đông”, và khai thác được tối đa các lợi thế, đón làn sóng khách du lịch và đặc biệt là các đầu tư nước ngoài? Thực tế, thời gian qua, nhiều Tập đoàn bất động sản lớn đã có những chiến lược dài hạn, cho ra mắt những tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp, tạo ra sự khác biệt rõ nét trên thị trường, góp phần nâng cao bộ mặt của ngành Du lịch Việt Nam trong mắt khách du lịch và nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời tạo ra những cơ hội đầu tư sinh lời hiệu quả”.
Tuy nhiên, thị trường cần thêm nhiều sản phẩm đẳng cấp, các điểm đến hấp dẫn, các khu du lịch có thương hiệu mạnh với quy mô, chất lượng và phương thức kinh doanh hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế để níu chân du khách. Chẳng hạn, với các vùng du lịch biển, sẽ không đơn thuần chỉ là các hoạt động ăn uống và tắm biển. Du khách đặc biệt là khách quốc tế cần nhiều những hoạt động giải trí đa dạng. Các nhà đầu tư cũng cần nhiều sản phẩm đa dạng. Trên thế giới, xu hướng sở hữu bất động sản du lịch như “ngôi nhà thứ hai” đang ngày càng được ưa chuộng. Và Việt Nam - điểm đến an toàn là một trong những yếu tố quan trọng để góp phần xây dựng sản phẩm và tạo thương hiệu: Việt Nam – ngôi nhà thứ 2 của khách quốc tế.
Những tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát đã tác động tiêu cực đến sự phát triển của kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã đẩy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng “đóng băng” trong ngắn hạn.
Với những phản ứng nhanh nhạy, kịp thời cùng sự vào cuộc quyết liệt, nhất trí của toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân, Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong phòng chống dịch bệnh, được dư luận quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Với thành quả này, Việt Nam đang trở thành điểm đến an toàn, tin cậy trong mắt bạn bè thế giới.
PGS.TS. Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Tình hình thế giới hiện tại vẫn có tính bất ổn, bất định cao, dịch bệnh Covid-19 chưa được kiểm soát và khả năng lây lan trở lại vẫn còn lớn. Sau câu chuyện dịch bệnh ấy, hệ giá trị, tiêu chuẩn sống đã thay đổi và ảnh hưởng đến bất động sản cũng như bất động sản nghỉ dưỡng. Về bất động sản và bất động sản nghỉ dưỡng, câu hỏi đặt ra là hai lĩnh vực này chuyển sang giai đoạn mới chưa hay vẫn tiếp tục cái cũ, nếu mới thì mới như thế nào? Đô thị hóa hiện nay phải theo kiểu mới? Nhưng kiểu mới như thế nào thì phải định hình ra. Tôi tin chắc rằng đô thị hóa của Việt Nam không thể theo logic cũ, bởi để thay đổi, phát triển bất động sản thì vấn đề đầu tiên phải là đô thị. Tiếp đến, công nghiệp hóa phải kiểu mới, nếu vẫn phát triển theo kiểu cũ. Rất dễ mất đi cơ hội. Nên phát triển gắn với khái niệm kinh tế số, thông minh,…Đặc biệt, muốn phát triển du lịch nghỉ dưỡng kiểu mới, cần có tiêu chuẩn khác, đẳng cấp khác.
Bất động sản nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng cần có câu trả lời nhất định là có chuyển sang giai đoạn mới hay chưa, yêu cầu nội hàm là gì? Không thể ngay lập tức chuyển sang giai đoạn mới, cần phục hồi sau Covid-19 rồi mới chuyển sang giai đoạn mới về cấu trúc.
TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia chia sẻ: Nhu cầu nội địa của Việt Nam ngày càng lớn, đặc biệt với một quốc gia mới phát triển như nước ta thì tốc độ tăng của doanh nghiệp vừa và tầng lớp trung lưu là nhanh nhất. Phân khúc du lịch nghỉ dưỡng cần rất coi trọng nhu cầu nội địa, mà con số này ngày càng tăng. Nhìn nhận một cách thực tế, các khu nghỉ dưỡng hiện đại của Việt Nam hiện nay cũng đang còn ở tầm thấp của du lịch thế giới.
Về tầm vóc các khu nghỉ dưỡng hiện đại Việt Nam, ví dụ như Phú Quốc, nơi được khách châu Âu yêu thích nhất là những khu nghỉ dưỡng được thiết kế gần với thiên nhiên, các chất liệu có thể hoàn toàn bằng tranh tre, lứa lá, gần gũi với thiên nhiên. Người châu Âu thích trải nghiệm, chiêm nghiệm văn hóa ở một vùng miền, họ rất văn minh trong việc thưởng thức, nghỉ dưỡng. Vì vậy chúng ta không chỉ quan tâm đến việc đầu tư các khu du lịch đẳng cấp mà còn cần quan tâm đến yếu tố bản sắc văn hóa, vùng miền. Đặc biệt trong việc phát triển bất động sản, hy vọng rằng trong tương lai sẽ có cơ hội lớn để đầu tư phát triển.
Phát biểu kết thúc Tọa đàm, ông Đỗ Viết Chiến - Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định: Tọa đàm về tiềm năng bất động sản du lịch nghỉ dưỡng ở các Khu kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu Covid-19, đặt ra 3 vấn đề: Một là tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng. Đây là 1 trong 5 khâu đột phá hậu Covid-19 của Chính phủ. Trong đó có phát triển kinh tế tư nhân, đẩy mạnh đầu tư công, thu hút FDI, kích cầu nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu. Trong kích cầu nội địa thì du lịch dịch vụ là một trong những nhóm đột phá. Với 11 ý kiến tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, phân tích khá kỹ về tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng ở Khu kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu Covid-19. Ở khu kinh tế đặc biệt trong tương lai, chúng ta nhắc đến Vân Đồn và Phú Quốc. Đây rõ ràng là 2 vị trí có tiềm năng lợi thế hơn cả.
Đặc biệt, cả 2 nơi này đều có sân bay quốc tế, sau Covid-19 sẽ trở lại hoạt động sôi động hơn. Lợi thế về vị trí, giao thông và các tiềm năng phát triển của nó là những yếu tố mơ ước của ngành du lịch các nước, tạo ra sức hút rất lớn. Đối với du lịch, về hệ thống giao thông phải hết sức thuận lợi. Hệ thống giao thông đường bộ tại Vân Đồn có cao tốc đã tiếp cận đến sân bay và đang làm tiếp đoạn từ Vân Đồn lên cửa khẩu Móng Cái. Gần như trong chiến lược “2 hành lang, 1 vành đai kinh tế”, Vân Đồn nằm ngay trong vành đai kinh tế ven biển của Việt Nam. Đây là một lợi thế lớn. Thêm nữa, điều kiện lịch sử văn hóa, sự khởi sắc về mặt kinh tế xã hội, đặc biệt là hệ thống đầu tư đồng bộ về hạ tầng giao thông là những điểm nổi bật.
Thêm nữa, trong bất động sản du lịch thì nhu cầu nổi lên hàng đầu, có cầu mới có cung. Có thể nói nhu cầu tiềm năng ko chỉ trong bất động sản về nhà ở đã rất lớn rồi, về du lịch thì cơ sở lưu trú còn thiếu rất nhiều. Đây là một dư địa còn rất nhiều cơ hội phát triển được trong giai đoạn tới.
Riêng Phú Quốc và Vân Đồn đang có nhiều thuận lợi hơn so với các khu vực khác về thế mạnh tiềm năng không chỉ về bất động sản nhà ở mà còn về bất động sản nghỉ dưỡng. Dư địa về tiềm năng cơ sở lưu trú nghỉ dưỡng còn nhiều dư địa trong giai đoạn sắp tới.
Lê Mỹ
Theo