(Xây dựng) - Ngày 5/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa phát đi công văn ứng phó với bão số 3 (YAGI). Công văn yêu cầu các chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu đang thi công công trình xây dựng kiểm tra đảm bảo an toàn thiết bị và người lao động trước bão số 3 đổ bộ.
Dự án cầu vượt biển Thuận An (thành phố Huế). |
Do ảnh siêu bão số 3, từ đêm 5-7/9, trên vùng biển và vùng biển ngoài khơi tỉnh Thừa Thiên - Huế có mưa rào và dông rải rác. Hoàn lưu siêu bão rất rộng, phạm vi ảnh hưởng về gió mạnh trên biển lớn, rất nguy hiểm cho tàu thuyền hoạt động trên các vùng biển và vùng biển ngoài khơi từ vĩ tuyến 15 độ Vĩ Bắc trở lên. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên vùng biển và vùng biển ngoài khơi của tỉnh trong ngày 6-7/9 đều có nguy cơ cao chịu tác động của mưa dông, gió mạnh, sóng lớn, có thể gây hư hỏng hoặc bị sóng đánh chìm.
Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, các chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu đang thi công công trình xây dựng, thủy lợi, giao thông (cầu cửa Thuận An, đê chắn sóng cảng Chân Mây…) kiểm tra công tác đảm bảo an toàn máy móc, thiết bị, vật tư, phương tiện đề phòng gió mạnh, sóng lớn bảo vệ an toàn tuyệt đối cho công nhân, cán bộ nhân viên, người lao động.
Phương án di dời dân, yêu cầu UBND các huyện, thị xã đã tổ chức rà soát phương án di dời dân ứng phó với bão, nước dâng do bão. Theo phương án khi bão số 3 ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh, sẽ di dời khoảng 13.510 hộ/46.073 khẩu đến nơi an toàn.
Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế chỉ đạo các cơ sở dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, nhà hàng ven biển, ven sông, đầm phá; các khu du lịch cắm trại, dã ngoại ngoài trời, các khu du lịch, bãi tắm suối, thác… có phương án đảm bảo an toàn cho du khách trước khi bão đến và mưa lớn xảy ra.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên – Huế, toàn tỉnh có 1.884 phương tiện/10.685 lao động. Đến 15h ngày 5/9, tổng số phương tiện đang hoạt động trên biển là 8 phương tiện/69 lao động (trong đó có 7 phương tiện/65 lao động hoạt động ở vùng lộng từ Quảng Trị đến Đông Chân Mây Thừa Thiên - Huế và 1 phương tiện/4 lao động đang hoạt động vùng bờ), đang tiếp tục kêu gọi vào bờ. Phương tiện ngoại tỉnh vào neo đậu là 22 phương tiện/126 lao động.
Phương án dự trữ hàng hóa phục vụ phòng chống lụt bão năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mỳ ăn liền. Tại 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới chủ động dự trữ tại chỗ một số mặt hàng thiết yếu như: Mỳ ăn liền, xăng dầu, nước uống đóng chai… để phục vụ nhân dân trên địa bàn và phòng khi bị chia cắt, cô lập. Tại thành phố Huế, các huyện, thị xã tăng cường dự trữ tại chỗ các mặt hàng gạo, mỳ ăn liền, nước uống đóng chai, xăng dầu… theo cơ số tương ứng. Đồng thời, vận động các phường, xã tổ chức dự trữ hàng hóa thiết yếu tại chỗ để kịp thời ứng cứu khi có bão lụt xảy ra.
Trí Đức
Theo