(Xây dựng) - Do ảnh hưởng của mưa lũ kéo dài khiến bờ sông Bù Lu, đoạn qua xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) bị sạt lở kéo dài hàng nghìn km; Nếu không xử lý kịp thời khi mùa mưa bão đến, sẽ tiếp tục sạt lở ăn sâu vào tận nhà dân, tuyến đường ven sông và nhiều diện tích đất sản xuất của các hộ dân trong khu vực.
Bờ sông sạt lở nghiêm trọng, đoạn qua thôn Thủy Cam (xã Lộc Thủy). |
Hàng năm, cứ đến mùa mưa lũ người dân thôn Thủy Yên Thượng, Thủy Yên Hạ, Thủy Cam (xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc) sống trong thấp thỏm lo sợ về tình trạng sạt lở bờ sông Bù Lu. Mỗi năm dòng sông ăn sâu vào đất liền vài mét khiến người dân rất lo sợ và sống trong thấp thỏm lo lắng.
Nhìn về khu vực sạt lở sau nhà, ông Lê Bá Tuân, ở thôn Thủy Cam (xã Lộc Thủy) lo lắng: “Năm nào cũng sạt lở hết, hai năm trở lại đây tình trạng sạt lở nghiêm trọng hơn. Tình trạng sạt lở đã ăn sâu vào móng nhà bếp và nhà vệ sinh gây nứt gãy... hư hỏng toàn bộ công trình. Móng nhà dưới cũng đã xuất hiện nhiều vết nứt, rất nguy hiểm. Nhiều diện tích đất vườn cũng đã bị dòng sông “nuốt” sâu vào từ 4-6m. Gia đình chỉ mong muốn di dời đi nơi khác để có cuộc sống ổn định, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được”.
Theo kết quả kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, UBND huyện Phú Lộc về tình trạng sạt lở ven sông Bù Lu, được đánh giá thuộc cấp độ nguy hiểm, cần được đầu tư khẩn cấp hệ thống kè bê tông để bảo vệ các khu dân cư, đất sản xuất.
Sạt lở nếu không xử lý kịp thời sẽ tiếp tục sạt lở và ảnh hưởng đến nhà cửa, ruộng vườn của các hộ dân sống lân cận. |
Theo thống kê của UBND huyện Phú Lộc: Do mưa lụt đã làm hư hỏng, sạt lở bờ sông Bù Lu, đoạn qua thôn Thủy Yên Thượng, Thủy Cam (xã Lộc Thủy) tiếp tục bị sạt lở nặng gây ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến đường ven sông, nhà cửa và diện tích đất sản xuất nông nghiệp của nhiều hộ dân ven sông. Khu vực sạt lở nghiêm trọng có tổng chiều dài 525m, ăn sâu vào đất liền khoảng 3-5m, gây hư hỏng 01 nhà bếp, nguy cơ sạt lở ảnh hưởng đến rất nhiều hộ dân. Nếu không xử lý kịp thời mùa mưa bảo đến sẽ tiếp tục sạt lở và ảnh hưởng đến nhà cửa, ruộng vườn của các hộ dân sống lân cận.
Ông Nguyễn Văn Hoàng - Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc) cho biết: Những năm gần đây, lượng mưa ở khu vực Lộc Thủy rất lớn, khiến nước từ thượng nguồn đổ về sông Bù Lu rất nhiều và chảy xiết khiến dọc bờ sông xuất hiện nhiều điểm sạt lở, ăn sâu vào nhà dân, nhiều đoạn đường bê tông bị xâm thực và cuốn trôi nhiều diện tích đất nông nghiệp.
Khu nhà vệ sinh của ông Lê Bá Tuân, ở thôn Thủy Cam (xã Lộc Thủy) bị sụp đổ sau nhiều lần sạt lở bờ sông Bù Lu. |
Khu vực đoạn qua thôn Thủy Yên Thượng, Thủy Yên Hạ, Thủy Cam bị sạt lở rất nghiêm trọng, kéo dài khoảng 1.000m. Nhiều hộ dân ở dọc sông bị ảnh hưởng, trong đó có khoảng 40 hộ dân bị ảnh hưởng nặng. Một số hộ dân đã xin di dời đến nơi ở mới nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của họ. Tuy nhiên, qua khảo sát các ngành chức năng, chưa đủ điều kiện để di dời, tái định cư…
Ông Nguyễn Văn Hoàng cho biết: Người dân rất mong muốn nâng cao cốt bờ kè lên từ 1-1,2m ở thôn Thủy Yên Thượng để tránh tình trạng khi nước từ thượng nguồn đổ về quá lớn gây ngập nhà dân. Ngoài ra, mong UBND huyện bố trí nguồn vốn đầu tư thêm bờ kè khoảng 300m đoạn qua Thủy Yên Hạ, Thủy Cam.
Theo UBND huyện Phú Lộc: Trước bức xúc của người dân, UBND tỉnh đã hỗ trợ kinh phí khoảng 4,2 tỷ đồng để xây dựng tuyến kè xử lý khẩn cấp chống sạt lở trên sông Bù Lu (xã Lộc Thủy) với tổng chiều dài khoảng 525m. Theo thiết kế, thân kè đắp đất cấp phối hoặc hỗn hợp cát sỏi, mái kè gia cố bằng đá lát khan trong hệ thống khung giằng bê tông cốt thép. Chân kè được giữ chân bằng rọ đá hoặc lăng thể đá đổ tùy theo mức độ xói lở lòng sông. Cao trình đỉnh kè theo mặt đất tự nhiên và đường dân sinh hiện có, khóa đỉnh kè bằng bê tông rộng 1,0m, bố trí dãy trụ tiêu và rãnh thoát nước mặt dọc kè. Xây dựng các công trình trên tuyến đảm bảo hiệu quả dự án.
Riêng ý kiến người dân xin nâng cao cốt bờ kè lên từ 1-1,2m ở thôn Thủy Yên Thượng để tránh tình trạng nước từ thượng nguồn đổ gây ngập nhà dân, UBND huyện đã khảo sát và sẽ có phương án xử lý khi công trình kè xử lý khẩn cấp chống sạt lở trên sông Bù Lu hoàn thành.
Thanh Ngân
Theo