(Xây dựng) - Dự án “Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Huế và vùng phụ cận” có tổng mức đầu tư hơn 23 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2019. Nhưng đến nay, công trình vẫn ngổn ngang, “án binh bất động”, nhiều hạng mục hư hỏng, kênh mương bị sập, bong tróc, bạt lót bờ bao và đáy hồ bị rách tơi tả...
Nhiều điểm nứt gãy, sụt lún... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình. |
Hư hỏng nghiêm trọng
Dự án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Huế và vùng phụ cận được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt đầu năm 2016, với tổng mức đầu tư hơn 46 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2 năm kể từ ngày khởi công.
Dự án được xây dựng tại Khu xử lý rác thải tập trung Phú Sơn (xã Phú Sơn, thị xã Hương Thuỷ) do Sở Tài nguyên và Môi trường Thừa Thiên – Huế làm chủ đầu tư và Công ty Cổ phần Xây dựng và chuyển giao công nghệ môi trường thuộc Tổng Công ty Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đảm nhận thi công.
Công trình được phân thành hai giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 được phê duyệt vào tháng 6/2016, với tổng mức đầu tư hơn 23 tỷ đồng. Tháng 8/2017, dự án mới khởi công và dự kiến đến tháng 11/2019 hoàn thành đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai thi công, dự án mới hoàn thành khoảng 65% khối lượng công việc. Tại hiện trường, hai hồ chứa rác ngổn ngang, bạt lót đáy hồ và bờ bao bị lật tung, nhiều điểm hư hỏng và rách tơi tả phơi giữa mặt hồ. Dọc bờ bao cả hai hồ đã bị sụt lún hàng loạt, tuyến đường bê tông giữ bạt lót quanh hồ bị hư hỏng, sụt lún, nứt gãy nhiều đoạn.
Một đoạn kênh mương bị sập |
Tại hệ thống mương thoát nước bằng bê tông hai bên hố bị sập, nhiều đoạn tường kênh mương xuất hiện vết nứt, gãy... có nguy cơ sẽ sập bất cứ lúc nào. Dọc kênh mương không có thanh giằng ngang chống đỡ bằng bê tông, nhà thầu sử dụng các thanh gỗ để chống đỡ tạm thời khiến khi mưa lũ về đất đá từ trên sườn đồi đổ xuống sẽ gây sập, hư hỏng công trình rất cao.
Nhà thầu sử dụng thanh gỗ để chống đỡ thay giằng bê tông. |
Một số đoạn kênh mương đang thi công dở dang khiến nhiều đoạn bị vùi lấp, có đoạn lại lộ ra khung thép chưa được đổ bê tông. Hệ thống đường ống dẫn nước rỉ rác bị đứt gãy, nhiều điểm chưa được đấu nối đã hư hỏng... Nhiều đoạn cốp pha tạo thanh giằng bao quanh hồ chính chưa được đổ bê tông khiến gỗ cốp pha mục nát, hư hỏng, xuống cấp.
Hệ thống đường ống dẫn nước rỉ rác bị đứt gãy. |
Nhìn vào công trình có trị giá hàng chục tỷ đồng trong cảnh dở dang, ngổn ngang, hoang phế... bên cạnh nhiều thiết bị vật tư và vật liệu xây dựng phơi giữa mưa nắng trong một thời gian dài khiến nhiều người dân không khỏi lo lắng về chất lượng công trình “chắp vá” sau khi thi công trở lại.
Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm
Liên quan Dự án “Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt khu vực thành phố Huế và vùng phụ cận”, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức buổi họp để nghe báo cáo về dự án. Ngay sau cuộc họp, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương điểu chỉnh và thực hiện Dự án “Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt khu vực thành phố Huế và vùng phụ cận” đảm bảo hoàn thành đưa vào sử dụng trước tháng 11/2020, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về tiến độ dự án.
Bạt lót đáy hồ xử lý rác bị lật tung, nhiều điểm hư hỏng và rách tơi tả phơi giữa mưa nắng. |
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức rà soát, kiểm tra xử lý, đề xuất báo cáo UBND tỉnh phương án xử lý, không để xảy ra tình trạng ô nhiễm thứ cấp tại các khu xử lý rác; Tổ chức giám sát độc lập khối lượng rác thực tế xử lý hàng ngày tại khu chôn lấp Thủy Phương và khu xử lý của Công ty Tâm Sinh Nghĩa làm cơ sở thương thảo hợp đồng xử lý rác với chủ đầu tư cơ sở xử lý rác phát điện.
Khung thép chưa được đổ bê tông phơi giữa mưa năng gây hoen rỉ. |
Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Dân dụng và Công nghiệp tỉnh rà soát nhu cầu đề xuất bổ sung vốn dự án “Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt tại các khu vực trọng điểm” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế giai đoạn 1, đảm bảo hoàn thành trong tháng 6/2021; thống nhất chủ trương nghiên cứu đầu tư 2 ô chôn lấp còn lại từ nguồn huy động ngoài ngân sách Nhà nước. Phía Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp Sở Tài chính tham mưu bố trí vốn bổ sung trong Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 đảm bảo vốn thực hiện theo tiến độ nêu trên.
Trí Đức
Theo