(Xây dựng) - Kênh thủy lợi dẫn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt dài 26,5km dẫn nguồn nước từ hồ Yên Lập về đảo Hà Nam qua nhiều phường, xã của Quảng Yên đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm gần đây.
Với kiểu xây dựng miệng mương hở có độ rộng hơn chục mét và chiều sâu 5 – 7m, bờ dốc trơn đang là mối hiểm họa từng ngày, từng giờ đối với trẻ em.
Lòng kênh sâu, sườn dốc, trơn… bờ không rào chắn và đồng thời là đường giao thông nên hơn 26km kênh dẫn nước Quảng Yên như “bẫy tử thần” đã gieo đầy ác mộng… |
Vụ việc đau lòng nhất, cướp đi mạng sống của hai em nhỏ và càng thương tâm bởi các em đang mong chờ một cái Tết Nguyên đán vui vầy với gia đình thì không bao giờ còn nữa… Thời khắc đau thương đó vào khoảng 14h ngày 23/1/2020 (tức ngày 29 Tết) hai em là: Phạm Gia Long, sinh năm 2012, trú tại phường Nam Khê, thành phố Uông Bí và em Phạm Quang Vinh, sinh năm 2014, phường Cộng Hòa, thị xã Quảng Yên rủ nhau ra khu vực kênh Yên Lập địa phận phường Cộng Hòa, thị xã Quảng Yên để chơi.
Trong lúc chơi đùa, hai anh em bị trượt chân ngã xuống, do cả 2 không biết bơi nên đã bị đuối nước. Khi người dân phát hiện thì hai em đã tử vong… Trong đó có em sống trong gia đình có hoàn cảnh vô cùng đau thương, chưa một ngày được hạnh phúc đã phải từ giã cõi đời…
Do gia đình lơ là nên các em nhỏ đã vô tư vui đùa trên dòng kênh “ chết chóc”… |
Ước tính, từ đầu năm 2015 đến nay toàn thị xã đã xảy ra khoảng 7 vụ tai nạn đuối nước làm 8 em bị chết. Qua những sự việc trên đây cho thấy, nguyên nhân chính gây ra tình trạng đuối nước là do môi trường sống quanh trẻ không an toàn do công trình thủy lợi, hồ nước không có rào chắn, không có biển cảnh báo nguy hiểm, biển cấm, không có người bảo vệ, ở xa khu dân cư ít người qua lại nên khi trẻ rơi vào tình thế nguy hiểm không nhận được sự trợ giúp kịp thời của người lớn.
Được biết, đây là kênh dẫn nước hở, chạy qua nhiều khu đông dân cư nên thường xuyên xảy ra tình trạng rác thải vứt bừa bãi xuống dòng kênh gây ô nhiễm nguồn nước. Trước thực trạng này, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập là đơn vị giao quản lý, khai thác kênh này nhưng cũng chỉ đủ năng lực cắm các biển báo nguy hiểm ở từng đoạn nút giao thông và tuyên truyền đến các xã, phường, trường học để quản lý học sinh. Công ty này cũng mong muốn được đầu tư đổ nắp bê tông phủ kín mặt kênh vừa đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân, gia súc, gia cầm và còn đảm bảo vệ sinh nguồn nước.
Gia súc rơi xuống kênh nước chết không những người dân bị thiệt hại mà họ còn phải “thụ hưởng” nguồn nước bẩn (Ảnh: ĐN). |
Trong khi chiểu theo Nghị định 43/2015 đối với hành lang bảo vệ sông, suối, kênh, rạch có chức năng quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 4, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước quy định như sau:
+ Không nhỏ hơn 20m tính từ mép bờ đối với đoạn sông, suối, kênh, rạch chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung hoặc được quy hoạch xây dựng đô thị, khu dân cư tập trung;
+ Không nhỏ hơn 15m tính từ mép bờ đối với đoạn sông, suối, kênh, rạch không chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung.
Như vậy, việc cơ quan chức năng của Quảng Ninh cho phép xây dựng kênh không có rào chắn và để sử dụng bờ kênh làm đường đi có thể đã vi phạm hành lang bảo vệ kênh (ở đây phải hiểu phạm vi bảo vệ công trình, phạm vi an toàn tính mạng cho người và tài sản bởi sự ảnh hưởng của kênh, mương)?
Theo tính toán sơ bộ của các kỹ sư xây dựng thì để “kín hóa” mặt kênh có độ dài 26,5km này đầu tư hết khoảng 200 tỷ đồng. Trong khi một số đô thị tại Quảng Ninh đã “xài sang” có thể quá mức cần thiết trong công tác chỉnh trang đô thị như phá bỏ bê tông, gạch lát vỉa hè, bờ gô để thay toàn bộ đá xẻ tự nhiên; Có những hạng mục công trình mới xây dựng nhiều tỷ đồng đã phá bỏ để chạy theo quy hoạch mới; Một số thiết bị phục vụ công cộng dùng chưa hết khấu hao đã vội vàng vứt bỏ, thay mới…
Và chỉ cần tiết kiệm một phần trong đầu tư chỉnh trang đô thị cũng dư thừa ngân sách “kín hóa” mặt kênh, từ đó sẽ chấm dứt tình trạng đuối nước thương tâm của trẻ em bởi dòng kênh kiểu “bẫy” người này.
Văn Nguyễn
Theo