(Xây dựng) – Dù đã triển khai nhiều chương trình khuyến mãi nhằm thu hút khách hàng dịp cuối năm. Thế nhưng nhiều đại lý vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn Thành phố Hà Nội vẫn trong tình trạng ế ẩm, vắng bóng khách hàng.
Nhiều cửa hàng treo biển giảm giá nhưng vẫn vắng bóng khách hàng |
Trái với quy luật hàng năm, thị trường vật liệu xây dựng vẫn đang tiếp tục ảm đảm dù đã bước vào cuối quý IV - mùa cao điểm, chạy nước rút của các công trình xây dựng khiến sản lượng tồn kho tiếp tục tăng cao.
VLXD ế ẩm, vắng khách
Khi thị trường bất động sản “đóng băng” đã kéo thị trường VLXD với hàng trăm loại sản phẩm liên quan, từ sắt thép, xi măng, thiết bị vệ sinh... rơi vào cảnh vắng bóng khách hàng, tiêu thụ giảm mạnh, thậm chí không bán được hàng.
Hầu hết, người bán hàng đều cho rằng thị trường VLXD đang rơi vào giai đoạn trầm lắng dù đang vào mùa xây dựng cuối năm. |
Theo ghi nhận của PV, các cửa hàng VLXD trên địa bàn Thành phố Hà Nội như: Thanh Nhàn, Kim Ngưu, Đê La Thành, Hoàng Quốc Việt... vẫn trong tình trạng đìu hiu không có khách. Hầu hết, người bán hàng nơi đây đều cho rằng thị trường VLXD đang rơi vào giai đoạn trầm lắng dù đang vào mùa xây dựng cuối năm.
Bà Nguyễn Thị Linh, đại lý các loại VLXD trên đường Thanh Nhàn cho hay, chưa năm nào giá sản phẩm giảm nhiều nhưng ế ẩm như năm nay, tốc độ bán chỉ bằng 20% - 30% cùng kỳ mọi năm.
Anh Nguyễn Hồng Phúc, chủ một cửa hàng VLXD trên đường Hoàng Quốc Việt, chuyên bán gạch ốp lát và thiết bị vệ sinh cũng cho biết đang "khóc ròng" vì hàng tồn kho quá nhiều mà chưa có dự án nào "sờ" đến. Do các công trình xây dựng giảm mạnh. Bình thường kho hết là hàng về, hàng đi là kho hết, cứ thế luân phiên lấy hàng, bán hàng. Còn hiện nay, hàng hóa giậm chân tại chỗ.
Thị trường gạch ốp lát và thiết bị vệ sinh cũng cho biết đang "khóc ròng" vì hàng tồn kho quá nhiều |
Gồng mình trước khó khăn chung
Năm 2022 là năm cực kỳ khó khăn của ngành VLXD khi đầu ra thị trường VLXD đang bị “chôn” theo thị trường bất động sản. Không chỉ ở dòng vốn bị ứ đọng bằng hiện vật, tình trạng lãi suất vay rất cao cũng góp phần không nhỏ làm tình hình trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.
Để tồn tại, nhiều chủ cửa hàng cùng nhân viên phải nghe ngóng, đến tận công trình chào hàng với giá cả ưu đãi. Các Công ty chuyên cung cấp VLXD cũng thường xuyên cử nhân viên qua lại "chăm sóc", giữ mối với các cửa hàng nhỏ.
Ở góc nhìn doanh nghiệp nhận định thị trường VLXD đang bị ảnh hưởng chung từ bất động sản cho thấy: Bên cạnh đó việc thắt chặt chính sách tiền tệ khiến các chủ đầu tư gặp khó khăn, do đó nhiều dự án thi công ở mức cầm chừng. Thêm vào nữa do ảnh hưởng của đại dịch Covid nên chuỗi cung ứng cũng bị đứt gãy, ảnh hưởng. Những điều trên đã làm thị trường VLXD bị giảm mạnh, điều này khiến doanh nghiệp, người kinh doanh nhỏ lẻ và chủ đầu tư bị ảnh hưởng.
Thu Hằng
Theo