(Xây dựng) - Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 bắt đầu từ cuối tháng 4/2021 đang gây sức ép nặng nề lên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Trước thực tế đó, ngành Xây dựng đã và đang thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi thị trường bất động sản (BĐS) trong bối cảnh đại dịch.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát động thi đua đặc biệt “Ngành Xây dựng đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”. |
Thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn
Theo báo cáo thị trường BĐS quý III/2021 của Bộ Xây dựng, do ảnh hưởng Covid-19 lần thứ 4 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam nói chung, gây đình trệ, đứt gãy chuỗi hoạt động kinh doanh sản xuất của nhiều ngành, nghề, trong đó lĩnh vực BĐS không phải là một ngoại lệ. Hầu hết, các dự án phát triển BĐS trên cả nước đều phải dừng xây dựng, thi công vì giãn cách xã hội và đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu và thiết bị. Từ đầu tháng 10/2021, các địa phương gỡ dần các biện pháp hạn chế chống dịch đồng thời kích hoạt trở lại các hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế trong bối cảnh bình thường mới.
Bộ Xây dựng cho biết, dưới tác động kéo dài và sự bùng phát mạnh của đợt dịch tiếp theo (từ cuối tháng 4, đầu tháng 5) và đặc biệt cao điểm trong cuối tháng 7, tháng 8, khi nhiều địa phương, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện cách ly, giãn cách theo chỉ đạo của Chính phủ thì hầu hết các ngành kinh tế đều chịu ảnh hưởng nặng nề. Thị trường BĐS trong quý III/2021 cũng gặp nhiều khó khăn hơn.
Tại nhiều địa phương, đặc biệt là tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương…các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh BĐS phải tạm dừng hoạt động nên hầu như các dự án bị ngưng trệ, không có dự án được hoàn thành và mở bán; các BĐS giao bán trên thị trường chủ yếu từ nguồn cung của các dự án mở bán trong giai đoạn trước. Số lượng nhà ở đủ điều kiện bán khoảng 20.000 căn, tương đương khoảng 60 - 70% so với quý II/2021.
Ông Bùi Xuân Dũng - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS đánh giá: “Lượng giao dịch BĐS thành công giảm mạnh so với quý II/2021; tại các địa phương thực hiện giãn cách triệt để, hoạt động đi lại, giao dịch, kinh doanh BĐS của doanh nghiệp, người dân không thể thực hiện được; nhiều khu vực thị trường có hiện tượng "đóng băng tạm thời". Thống kê sơ bộ của Bộ Xây dựng cho thấy, tỷ lệ hấp thụ các loại BĐS nhà ở đều chỉ đạt khoảng 40% lượng chào bán trên thị trường; riêng loại hình đất nền lượng hấp thụ đạt cao hơn, khoảng 50% lượng chào bán trên thị trường”.
Các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh
Trước những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 đến sự phát triển của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng, Đảng và Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt thông qua nhiều nghị quyết, quyết định như Quyết định 27/2021/QĐ-TTg ngày 25/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm tiền thuê đất của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới trong lĩnh vực xây dựng, BĐS như: Ngày 16/8/2021, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BXD về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Cũng trong tháng 8 năm 2021, Bộ Xây dựng ban hành văn bản hợp nhất số 04/VBHN-BXD về việc hợp nhất Thông tư hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Luật Nhà ở và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở. Ngày 31/8/2021, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 11/2021/TT-BXD hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng…
Kịp thời bảo đảm an sinh xã hội, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc bố trí nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội và phân bổ nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 2472/BXD-QLN báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp, trong đó, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ bố trí đủ nguồn vốn theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 41/NQ-CP, Nghị quyết số 84/NQ-CP (khoảng 3.000 tỷ đồng) để phát triển nhà ở xã hội, bao gồm nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp…
Đặc biệt, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn dân đoàn kết phòng, chống đại dịch Covid-19 ngày 29/7/2021 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; triển khai các Kết luận của Bộ chính trị, Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và hưởng ứng Phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” do Thủ tướng Chính phủ phát động ngày 14/8/2021, Bộ Xây dựng phát động phong trào thi đua đặc biệt “Ngành Xây dựng đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” nhằm khơi dậy truyền thống thi đua yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nỗ lực vượt khó của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết: Bám sát tinh thần chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 32/2021/QH15 ngày 12/11/2021 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, ngành Xây dựng quyết tâm, đoàn kết, nỗ lực, cố gắng cao độ thực hiện nhiệm vụ Quốc hội, Chính phủ giao.
Hầu hết các dự án phát triển BĐS trên cả nước đều phải dừng xây dựng, thi công vì giãn cách xã hội và đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu và thiết bị. |
Trong đó ngành Xây dựng sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, phát triển và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; Đẩy mạnh công tác các quản lý đầu tư xây dựng, giám sát chất lượng công trình, quản lý quy hoạch, kiến trúc, quản lý phát triển đô thị, quản lý hạ tầng kỹ thuật, phát triển nhà ở và thị trường BĐS, quản lý vật liệu xây dựng; Chú trọng công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu…
Có thể nói, với sự chủ động, tích cực và kịp thời trong việc triển khai các giải pháp hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp, người dân tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Bộ Xây dựng đã, đang nhanh chóng hiện thực hóa những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
Nhằm bảo đảm công tác quản lý Nhà nước vẫn liên tục, thông suốt, kịp thời đáp ứng yêu của của doanh nghiệp và người dân tháo gỡ vướng mắc khó khăn, Bộ Xây dựng đẩy mạnh áp dụng, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục hành chính đảm bảo được thực hiện thường xuyên, không bị gián đoạn; Xây dựng kịch bản ứng phó với từng cấp độ dịch Covid-19 tại trụ sở Bộ Xây dựng; hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp trong đơn vị; triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động điều hành nhằm đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, không để gián đoạn, đặc biệt là những nhiệm vụ, công việc có thời hạn. |
Bài “Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi thị trường BĐS trong bối cảnh đại dịch” tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Linh Đan
Theo