(Xây dựng) – Mới đây, Thanh tra Bộ Xây dựng đã công bố Kết luận thanh tra tại UBND tỉnh Hòa Bình. Trong đó, thanh tra trọng tâm công tác quản lý Nhà nước ngành Xây dựng và một số đồ án quy hoạch xây dựng, thực hiện quản lý theo quy hoạch và một số dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng.
Công bố Kết luận Thanh tra Bộ Xây dựng về loạt dự án, đồ án trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. |
Thực hiện Quyết định số 15/QĐ-TTr ngày 3/3/2020 của Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng về việc thanh tra UBND tỉnh Hòa Bình trong công tác quản lý Nhà nước ngành Xây dựng và một số đồ án quy hoạch xây dựng, thực hiện quản lý theo quy hoạch và một số dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng và Quyết định số 43/QĐ0TTr ngày 7/7/2020 của Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng về việc gia hạn thời gian thanh tra. Đoàn Thanh tra đã tiến hành thanh tra trực tiếp tại tỉnh Hòa Bình từ ngày 17/3/2020 đến ngày 30/3/2020 và từ ngày 25/5/2020 đến ngày 31/7/2020.
Tại Kết luận Thanh tra số 105/KL-TTr ngày 24/12/2020 đã nêu rõ các vấn đề thanh tra như: Hoạt động đầu tư xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở và thị trường bất động sản, vật liệu xây dựng.
Về hoạt động đầu tư xây dựng, Đoàn đã thanh tra tại Sở Xây dựng và 3 Ban Quản lý dự án về lĩnh vực hoạt động xây dựng. Cụ thể, thanh tra công tác cấp giấy phép xây dựng và quản lý sau cấp phép tại Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Hòa Bình. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Hòa Bình: Thanh tra công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng tại 3 dự án (Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 435; Dự án xây dựng cầu Hòa Bình 2; Dự án đường nối từ Quốc lộ 6 với đường Chỉ Lăng). Đồng thời, thanh tra dự án mở rộng Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình của Ban Quản lý dự án ODA tỉnh Hòa Bình.
Về hạ tầng kỹ thuật: Đoàn Thanh tra công tác quản lý Nhà nước về cây xanh đô thị, thoát nước và xử lý nước thải, cấp nước, chất thải, nghĩa trang và 3 đồ án (Đồ án Quy hoạch cấp nước vùng tỉnh đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2969/QĐ-UBND ngày 30/12/2019; Đồ án điều chỉnh Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Hòa Bình đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2436/QĐ-UBND ngày 22/12/2018 và Đồ án Quy hoạch nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2362/QĐ-UBND ngày 31/12/2014).
Về nhà ở và thị trường bất động sản: UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, Kế hoạch số 56/KH-UBND về thực hiện Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Hòa Bình hàng năm và 5 năm, giai đoạn 2017 – 2021 theo Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 23 dự án nhà ở đã lựa chọn được nhà đầu tư, 2 dự án nhà ở công nhân và 1 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành bàn giao và đưa vào sử dụng, có 2 sàn giao dịch bất động sản được đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh nhưng 1 sàn không có giao dịch trong giai đoạn 2015 – 2019.
Về vật liệu xây dựng: UBND tỉnh đã ban hành một số văn bản pháp lý trên cơ sở đề xuất của các cơ quan tham mưu nhằm tạo cơ sở pháp lý, tăng cường quản lý lĩnh vực vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh như: Quyết định số 286/QĐ-UBND ngày 12/3/2012 về phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, Quyết định số 79/QĐ-UBND ngày 22/1/2014 về phê duyệt Dự án Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng ba loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, Quyết định số 946/QĐ-UBND ngày 15/7/2013 về phê duyệt Quy hoạch sử dụng cát, sỏi xây dựng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020.
Tại thời điểm tháng 7/2020, trên địa bàn tỉnh có 84 mỏ được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường (3 mỏ cát, 70 mỏ đá, 2 mỏ sét) và 3 doanh nghiệp sản xuất xi măng, 58 doanh nghiệp sản xuất gạch nung, 10 doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng không nung (chủ yếu gạch bê tông) và 3 doanh nghiệp sản xuất cát nghiền.
Thanh tra Bộ Xây dựng có kết luận về những sai sót trong công tác quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch. Cụ thể, đồ án quy hoạch điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5000 thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 không có hồ sơ lấy ý kiến cộng đồng cư dân.
Đồ án Quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/5000 Khu đô thị mới Hoà Bình có diện tích đất ở vượt 80.456,83m2 (tương đương 268%) so với diện tích đất ở theo đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hoà Bình đến năm 2035 đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Khu đô thị mới Trung Minh có diện tích đất ở vượt 78.803,7m2 (tương đương 12%) so với diện tích đất ở theo đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hòa Bình đến năm 2035 đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Toàn bộ diện tích ranh giới nghiên cứu lập quy hoạch của đồ án này theo đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hoà Bình đến năm 2035 bao gồm hai loại đất: Đất đơn vị ở hiện trạng cải tạo và đất dự trữ phát triển. Nhưng đồ án quy hoạch chi tiết bao gồm các lô đất có chức năng công cộng, thương mại dịch vụ, đất ở (biệt thự và liền kề) và một số loại đất khác là không phù hợp với đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hoà Bình đến năm 2035 đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Tại ô đất số 21 theo quy hoạch chung được xác định là Trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ cấp vùng, tỉnh; nhưng theo quy hoạch chi tiết phần nằm trong ranh giới của dự án có diện tích 73.000m2 đã được chuyển đổi 34.133m2 thành đất ở (biệt thự và liền kề); là không phù hợp với định hướng của quy hoạch chung đã được phê duyệt.
Về nhà ở, công sở và thị trường bất động sản, thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra UBND tỉnh Hòa Bình đã không công khai trên Cổng điện tử của UBND tỉnh các nội dung về dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn; không có văn bản chỉ đạo của Sở Xây dựng công khai trên cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng các thông tin về nhà ở có đủ điều kiện để bán, cho thuê mua, được huy động vốn; không tổ chức xây dựng hệ thống thông tin và có sở dữ liệu về nhà ở tại địa phương.
Về công tác quản lý chất lượng công trình, tại dự án cải tạo, nâng cấp đường 435, tỉnh Hoà Bình, chủ đầu tư không có thông báo chấp thuận nghiệm thu; không mua bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường theo quy định.
Dự án Đường nối Quốc lộ 6 với đường Chi Lăng, thành phố Hoà Bình không có hồ sơ công tác giám sát khảo sát xây dựng bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi; không có giấy phép do UBND tỉnh Hoà Bình cấp để triển khai các hoạt động có liên quan đến đê Quỳnh Lâm...
Với những sai phạm trên, Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Hoà Bình chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm và xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền để xẩy ra các sai sót, vi phạm và chỉ đạo khắc phục các vi phạm. Kết luận chỉ rõ: Đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện Kết luận thanh tra. Kết quả thực hiện báo cáo bằng văn bản về Thanh tra Bộ Xây dựng trong thời gian 45 ngày kể từ ngày công bố Kết luận thanh tra để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Liên quan đến Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng đã nêu, Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục làm rõ và thông tin đến bạn đọc ở những bài viết sau.
Ánh Dương
Theo