(Xây dựng) – UBND Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị phải quyết tâm hơn nữa, nỗ lực hơn nữa trên tinh thần tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa hạn chế những tác động khó khăn của dịch bệnh Covid-19, đồng thời thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Do ảnh hưởng từ dịch bệnh, Thành phố Hồ Chí Minh có mức tăng trưởng thấp hơn kế hoạch đề ra. |
Thực hiện “nhiệm vụ kép”
Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; là thị trường tiêu thụ lớn và là cửa ngõ giao lưu với các nước trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đầu tư, các hoạt động cộng đồng doanh nghiệp, của người dân, tác động trực tiếp đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
Để tiếp tục phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra năm 2020, Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị phải quyết tâm hơn, nỗ lực hơn, sáng tạo hơn nữa trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao trên tinh thần tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa hạn chế những tác động khó khăn của dịch bệnh Covid-19, phấn đấu ngăn chặn, xử lý tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đồng thời thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 theo kế hoạch đã đề ra.
Thành phố yêu cầu các ngành, các địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp kịp thời, quyết liệt, linh hoạt, phù hợp trong từng giai đoạn, diễn biến dịch bệnh Covid-19, kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát, hạn chế tối đa mức độ lây lan ra cộng đồng.
Triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn, người lao động bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố; xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố để tiếp thêm động lực đưa kinh tế thành phố vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, gồm: Gói kinh tế hỗ trợ trực tiếp cho người dân để giảm bớt khó khăn, cùng chung tay chống dịch; Gói hỗ trợ trực tiếp cho người lao động mất việc làm ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; Gói bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm hàng hóa các dịch vụ thiết yếu; Gói kinh tế giảm sự thiệt hại, khó khăn, tăng cường sức chịu đựng cho doanh nghiệp, chuẩn bị điều kiện phục hồi nhanh chóng sau dịch bệnh; Gói thúc đẩy ngành kinh tế số trong điều kiện dịch bệnh.
Thành phố có các gói hỗ trợ cho kinh tế giảm sự thiệt hại, khó khăn, tăng cường sức chịu đựng cho doanh nghiệp, chuẩn bị điều kiện phục hồi nhanh chóng sau dịch bệnh. |
Thành phố cũng chỉ đạo Tổ công tác hỗ trợ các doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh Covid-19, khẩn trương ban hành kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trong và sau dịch từ nay đến hết năm 2020 với 4 nhóm nội dung cụ thể (hỗ trợ duy trì sản xuất kinh doanh trong điều kiện đảm bảo an toàn; hỗ trợ giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp và chi phí sinh hoạt cho người dân; hỗ trợ đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau dịch); kế hoạch triển khai tính điểm, xếp hạng ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố theo gói hỗ trợ của Chính phủ.
Bên cạnh đó, thành phố cũng chỉ đạo cần tăng cường các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu, thực hiện chi ngân sách theo đúng dự toán, định mức, tăng cường tiết kiệm chi và hạn chế những khoản chi phát sinh mới ngoài dự toán; tạo điều kiện hỗ trợ, chăm lo người dân, doanh nghiệp, chủ động chuẩn bị các phương án tốt nhất khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất; tiếp tục tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh tỷ lệ giải ngân đầu tư công và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác cải cách hành chính; nghiên cứu triển khai giải pháp phát triển ngành Du lịch; tiếp tục thực hiện các hoạt động triển khai thực hiện chủ đề “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”.
Ảnh hưởng dịch bệnh nên tăng trưởng thấp
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, mức tăng trưởng của các khu vực, các ngành kinh tế đều thấp. Chịu tác động nhiều nhất là khu vực thương mại dịch vụ, khi mức tăng của khu vực này chỉ bằng 98,77%, giảm 1,23% so với cùng kỳ. Một số ngành có nhiều hoạt động kinh doanh sôi nổi trước đây hiện rơi vào tình trạng suy thoái, hoạt động cầm chừng với 5/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm như: Vận tải kho bãi giảm 0,37%; kinh doanh bất động sản giảm 12,85%; giáo dục và đào tạo giảm 26,57%; y tế và hoạt động cứu trợ giảm 2,92%; dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 31,69%.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, mức tăng trưởng của các khu vực, các ngành kinh tế đều thấp. |
Ngay từ khi xuất hiện dịch bệnh và tiếp nhận chỉ đạo của Trung ương, lãnh đạo thành phố đã chủ động xây dựng các kịch bản phòng chống, bám sát tình hình, điều chỉnh kịp thời các giải pháp qua từng giai đoạn diễn biến khác nhau của dịch bệnh, thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cấp thành phố và tại tất cả cơ quan, đơn vị.
Đến nay, qua 21 ngày liên tiếp không phát hiện ca nhiễm mới, đây là tiền đề quan trọng để Thành phố Hồ Chí Minh công bố hết dịch khi đủ 28 ngày liên tiếp không phát hiện ca nhiễm mới trên địa bàn và tập trung mọi nguồn lực, giải pháp để vực dậy nền kinh tế đặt trong trạng thái bình thường mới.
Mạnh Cường
Theo