(Xây dựng) - Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh vừa có thông tin liên quan đến việc điều chỉnh giá đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, việc cập nhật Bảng giá đất điều chỉnh là phản ánh thực tế về giá đất tại tất cả các quận, huyện, không phân biệt nội thành hay ngoại thành. |
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, việc điều chỉnh giá đất tại Bảng giá đất hiện hành theo quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024 cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất trên địa bàn Thành phố là tuân thủ quy định pháp luật trên cơ sở cập nhật giá đất bồi thường, giá đất tái định cư và giá đất giao dịch từ cơ quan đăng ký đất đai và cơ quan thuế trên địa bàn Thành phố. Do đó, việc cập nhật Bảng giá đất điều chỉnh là phản ánh thực tế về giá đất tại tất cả các quận, huyện, không phân biệt nội thành hay ngoại thành.
Trong thời gian vừa qua, các khu vực ngoại thành được Thành phố đầu tư hạ tầng đồng bộ, theo đó giá đất chuyển nhượng trên thực tế tăng nhanh cao. Do đó, giá đất cụ thể (giá thị trường) để tính bồi thường các dự án hạ tầng qua khu vực ngoại thành như dự án đường Vành đai 2, 3 cũng ở mức cao, tạo sự đồng thuận khi bàn giao mặt bằng để triển khai thực hiện dự án.
Bảng giá đất điều chỉnh được UBND quận, huyện và đơn vị tư vấn cập nhật từ các nguồn như giá đất bồi thường, giá đất chuyển nhượng thực tế thu thập từ cơ quan đăng ký đất đai và cơ quan thuế là phù hợp với tình hình giá đất thực tế, không phân biệt khu vực nội thành hay ngoại thành.
Về ý kiến cho rằng có trường hợp tăng giá đất 50 lần tại huyện ngoại thành, qua kiểm tra thực tế giá đất được nêu tại vị trí đường Song Hành Quốc lộ 22 (huyện Hóc Môn), giá đất tại Bảng giá đất được ban hành theo Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND là 780.000 đồng. Giá đất nêu trên chưa phải là giá đất thị trường mà phải bổ sung hệ số được ban hành theo Quyết định số 56/2023/QĐ-UBND sẽ cho kết quả là 3,5 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, tại thời điểm ngày 1/12/2023, UBND huyện Hóc Môn đã phê duyệt giá bồi thường gần 39,6 triệu đồng/m2 và đã được người dân có đất thu hồi đồng thuận. "Do đó, Bảng giá đất điều chỉnh cập nhật mức giá trên cho vị trí tại đường Song Hành Quốc lộ 22 là phù hợp", Sở Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.
Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trường hợp chuyển mục đích đất nông nghiệp sang đất ở thì người dân phải nộp tiền sử dụng đất là khoảng chênh lệch giữa giá đất của mục đích sử dụng đất sau (đất ở) trừ đi giá đất của mục đích sử dụng đất trước khi chuyển (đất nông nghiệp). Theo kết quả bảng giá đất điều chỉnh thì giá đất nông nghiệp có tỉ lệ tăng bình quân cao hơn (11-14 lần) so với tỉ lệ tăng giá của đất ở (4-5 lần). Do đó, khoảng cách giữa 2 mục đích sử dụng đất sẽ giảm dần.
Cùng đó, trường hợp chưa có điều kiện thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai thì Luật Đất đai cho phép người sử dụng đất được ghi nợ tiền sử dụng đất, khi nào chuyển nhượng quyền sử dụng đất, có thu nhập thì mới phải nộp.
Đối với các hộ nghèo, gia đình chính sách đã có chế độ miễn, giảm tiền sử dụng đất khi đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Nghị định số 103/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Tuy nhiên, theo nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã định hướng đưa giá đất phù hợp thị trường, do đó, bảng giá đất chỉ phản ánh giá đất giao dịch thực tế trên thị trường. Việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai cao hay thấp thì các Sở, ngành của Thành phố sẽ phối hợp, báo cáo UBND Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh mức thu, tỷ lệ thu cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay.
Sở Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh rằng, giá đất trên Bảng giá đất điều chỉnh không tác động đến việc định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án bất động sản, nhà ở thương mại bởi các dự án này được tính theo phương pháp thặng dư.
Đồng thời, giá đất nông nghiệp đã được điều chỉnh phù hợp với thực tế nên các khoản được trừ của nhà đầu tư sẽ phù hợp hơn so với trước đây. Qua đó, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư trên địa bàn Thành phố, điều chỉnh giá bán các sản phẩm bất động sản phù hợp hơn, tạo điều kiện cho các đối tượng có nhu cầu có thể tiếp cận…
Thành phố Hồ Chí Minh thành lập Hội đồng thẩm định bảng giá đất
UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành quyết định thành lập Hội đồng thẩm định bảng giá đất Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo quyết định, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi làm Chủ tịch Hội đồng. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường và Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Hoàng Hải đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng còn có 27 thành viên là lãnh đạo từ các Sở, ngành, địa phương và Ban quản lý.
Hội đồng này chịu trách nhiệm thẩm định bảng giá đất theo quy định pháp luật và được phép sử dụng con dấu của UBND Thành phố Hồ Chí Minh trong hoạt động. Chủ tịch Hội đồng sẽ quyết định việc thành lập Tổ giúp việc để hỗ trợ các hoạt động của Hội đồng.
Trong quá trình thẩm định bảng giá đất, Hội đồng sẽ mời Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phản biện trong các phiên họp.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký, thay thế Quyết định số 4695 năm 2023 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh về việc kiện toàn Hội đồng thẩm định bảng giá đất. Hội đồng sẽ tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ và báo cáo kết quả bằng văn bản cho UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
Trước đó cuối tháng 7, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh có dự thảo về quy định bảng giá đất trên địa bàn Thành phố, áp dụng từ ngày 1/8 đến hết ngày 31/12/2024. Tuy nhiên, dự thảo bảng giá đất mới được đánh giá chưa phù hợp với tình hình thực tế. Giá đất ở nhiều nơi tại Thành phố tăng cao so với bảng giá đất hiện hành, có nơi tăng đến 51 lần.
Trong những ngày qua, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố hay HĐND Thành phố cũng đã tổ chức các phiên họp báo, phản biện, lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo bảng giá đất mới này.
Viết Dũng
Theo