(Xây dựng) – Hạ tầng đô thị đóng vai trò quan trọng và là “đòn bẩy” thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Với Thành phố Hồ Chí Minh – một đô thị đặc biệt thì những công trình hạ tầng đô thị càng có ý nghĩa hơn. Do đó thời gian qua, Thành phố đã tập trung nguồn lực và kêu gọi đầu tư những công trình lớn giúp giải quyết điểm nghẽn về kẹt xe, ngập nước… góp phần phát triển nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Điển hình như dự án đường sắt đô thị số 1 (Metro) Bến Thành - Suối Tiên và dự án giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu – Giai đoạn 1. Đây là 2 dự án lớn được khởi công hàng chục năm về trước và đã thi công vượt trên 90% khối lượng công việc, cơ quan chức năng đang nỗ lực giải quyết những vướng mắc cuối cùng để sớm đưa dự án về đích, phục vụ đời sống người dân.
Đoàn tàu Metro số 1 chính thức chạy thử toàn tuyến vào sáng ngày 29/8. |
Nỗ lực để hoàn thành dự án Metro số 1 trong năm 2023
Được khởi công từ tháng 8/2012 với rất nhiều kỳ vọng nhưng đến nay dự án Metro số 1 mới tiến hành chạy thử nghiệm toàn tuyến và dự kiến đưa vào khai thác từ đầu năm 2024. Theo báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay dự án đã hoàn thành hơn 95% khối lượng toàn dự án. Trước đó, ngày 13/11/2019 UBND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 4856/QĐ-UBND về phê duyệt điều chỉnh dự án Metro số 1 với tổng mức đầu tư trên 43.700 tỷ đồng. Tổng chiều dài khoảng 19,7km, trong đó 2,6km đi ngầm với 3 ga ngầm và 17,1km đi trên cao với 11 ga trên cao. Depot đặt tại phường Long Bình, thành phố Thủ Đức với diện tích 20ha. Hướng tuyến bắt đầu từ Bến Thành (tại Quảng trường Quách Thị Trang) – Lê Lợi – Nguyễn Siêu – Ngô Văn Năm – Tôn Đức Thắng – Ba Son – Nguyễn Hữu Cảnh – Văn Thánh – Điện Biên Phủ – cầu Sài Gòn – xa lộ Hà Nội và kết thúc tại Depot Long Bình. Đồng thời, dự án cũng được định hướng kéo dài từ ga Suối Tiên đến Bình Dương và đến thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai trong tương lai.
Dự án bao gồm 4 gói thầu chính là xây dựng đoạn đi ngầm, xây dựng đoạn đi trên cao và Depot. Hai gói thầu tiếp theo là mua thiết bị cơ điện, đường ray, toa xe, đào tạo, bảo dưỡng và hệ thống công nghệ thông tin cho Văn phòng Công ty Khai thác vận hành.
Ông Nguyễn Quốc Hiển - Phó Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Dự án tuyến Metro số 1 là biểu tượng của sự phát triển hiện đại của Thành phố Hồ Chí Minh, tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản. Các công việc còn lại của tuyến Metro số 1 không còn nhiều, chủ yếu là phần kiến trúc, các đường kết nối. Chủ đầu tư quyết tâm cao nhất, phối hợp với các đơn vị liên quan trong giải quyết các thủ tục, quản lý vận hành, công trình đấu nối, triển khai dự án đạt tiến độ, không vượt dự toán, đặc biệt tập trung xử lý giải quyết các vướng mắc về hợp đồng, giải ngân, phối hợp giữa các nhà thầu, cải tiến quy trình.
“Từ đầu năm 2023 đến nay, Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tư vấn và các nhà thầu đã nỗ lực phối hợp chặt chẽ trong công tác triển khai dự án, vừa tiến hành các bước thử nghiệm. Việc có thể tiến hành thử nghiệm toàn tuyến từ ga Suối Tiên đến ga Bến Thành là một cột mốc quan trọng đối với dự án, là một sự kiện hết sức ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 78 năm ngày Quốc khánh 2/9 và cũng một điểm nhấn trong chuỗi sự kiện các hoạt động chào mừng 50 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam”, ông Hiển nói.
Theo Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, việc kết nối, đồng hộ hạ tầng kỹ thuật, tổ chức giao thông ở tuyến Metro số 1 khi hoàn thiện, đưa vào sử dụng đặt ra nhiều thách thức rất lớn. Do đó, Sở Giao thông vận tải đang cập nhật các dự án xung quanh để xây dựng kế hoạch kết nối đồng bộ như: Các bãi đỗ xe, nhà chờ xe buýt… Bên cạnh đó, việc xây dựng bộ định mức, giá vé và lựa chọn phương thức thanh toán vé tàu tiện lợi, hiện đại nhất cũng đang được khẩn trương hoàn thành.
Trước đó, ở gói thầu số 3 nhà thầu Hitachi thiếu hợp tác, từ chối thực hiện các công việc của gói thầu dẫn đến công việc bị đình trệ. Gói thầu số 3 là gói thầu đào tạo, bồi dưỡng, bảo trì và phối hợp tư vấn đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống. Rồi gói thầu số 2 cũng gặp khó khăn trong công tác phối hợp để đẩy nhanh tiến độ thi công cầu bộ hành các nhà ga trên cao. Ngoài ra, đây cũng là dự án metro đầu tiên ở Việt Nam nên hoàn toàn phụ thuộc vào các nhà thầu nước ngoài, từ lập dự án đến hoàn thiện hợp đồng, giám sát thi công, đều do tư vấn Nhật Bản thực hiện. Phía Việt Nam chưa hề có kinh nghiệm đối với dự án này.
“Việc các nhà thầu và tư vấn Nhật Bản liên tục lạm dụng các điểm vênh, chưa hoàn thiện trong hợp đồng để làm ảnh hưởng tiến độ là thái độ thực hiện dự án chưa đúng đắn, nhất là trong bối cảnh cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành”, ông Nguyễn Quốc Hiển đưa ra nguyên nhân khó khăn.
Dự án chống ngập mong được thanh toán để sớm về đích
Khác với dự án Metro số 1, dự án giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu – Giai đoạn 1 lại khó khăn về giải phóng mặt bằng và đặc biệt là nguồn vốn thanh toán cho nhà đầu tư. Dự án được Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam khởi công xây dựng năm 2016 với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Công trình được đầu tư theo hình thức xây dựng chuyển giao (hợp đồng BT), trong đó có 16% giá trị hợp đồng được thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư. Đến nay, dự án đã hoàn thành hơn 92% khối lượng công việc, hiện chỉ còn nhà điều hành và các hạng mục phụ trợ cho công trình chính.
Cống Mương Chuối thời điểm đang thi công. |
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, khó khăn của dự án liên quan đến phương thức thanh toán, huy động nguồn vốn khác để thi công hoàn thành công trình. Bởi hiện nay vẫn chưa thể thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư vì Thành phố phải phối hợp với Bộ, ngành rà soát pháp lý, điều chỉnh hợp đồng BT trước khi xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, mặc dù đã chuẩn bị sẵn 3 khu đất đã giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, việc thanh toán bằng tiền cho nhà đầu tư cũng không thực hiện được do chưa có quy định thanh toán hợp đồng BT bằng hình thức trả tiền theo tiến độ thi công mà chỉ cho phép thanh toán tiền tại thời điểm quyết toán công trình.
Đến nay, tổng nợ lãi và gốc cũng như nợ quá hạn mà nhà đầu tư Trung Nam vay từ Ngân hàng BIDV để thực hiện dự án lên đến trên 6.500 tỷ đồng. Để giải quyết khó khăn này, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất Chính phủ cho phép Thành phố được thực hiện cơ chế thanh toán song song bằng quỹ đất đã giải phóng mặt bằng và ngân sách. Bởi có giải quyết được vướng mắc này thì dự án mới tiếp tục triển khai các công việc khác để hoàn thành phát huy hiệu quả chống ngập do triều của dự án.
Mục tiêu của dự án là kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm Thành phố. Quy mô dự án gồm 6 cống kiểm soát triều lớn, xây dựng đoạn đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh, nhà quản lý và hệ thống điều khiển SCADA. Các hạng mục này được xây dựng tại quận 1, quận 4, quận 7, quận 8, huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè.
Với những nỗ lực từ các cơ quan chức năng cũng như chủ đầu tư, hy vọng vướng mắc của dự án sớm được giải quyết, để phục vụ đời sống người dân thành phố mang tên Bác.
Minh Quốc
Theo