(Xây dựng) - Chủ đầu tư đầu tiên của tòa nhà Saigon One Tower nợ thuế gần 30 tỷ đồng và quá thời hạn nộp 90 ngày nên bị cơ quan thuế cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn.
Dự án Sài Gòn One Tower có vị trí đắc địa bậc nhất Thành phố Hồ Chí Minh. |
Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh vừa có quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hoá đơn đối với Công ty Cổ phần Sài Gòn One Tower, trụ sở tại tầng 12, số 34 Tôn Đức Thắng, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1. Công ty này bị cưỡng chế vì nợ thuế gần 30 tỷ đồng quá 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp. Quyết định nói trên có hiệu lực thi hành trong thời hạn 1 năm, từ ngày 23/4/2024 đến ngày 23/4/2025.
Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ra thông báo về việc ngừng sử dụng hoá đơn của Công ty Cổ phần Sài Gòn One Tower. Nếu sau ngày 23/4/2024, Công ty này sử dụng hoá đơn thì được coi là không hợp pháp.
Công ty Sài Gòn One Tower là liên doanh giữa các doanh nghiệp, gồm: Công ty Cổ phần M&C, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn - Saigontourist Ngân hàng TMCP Đông Á, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á và Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận - PNJ.
Công ty Cổ phần Sài Gòn One Tower được biết đến là chủ đầu tư ban đầu tòa nhà Saigon One Tower có tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng. Dự án này có vị trí vô cùng đắc địa khi toạ lạc trên khu “đất vàng” ngay góc đường Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng - Võ Văn Kiệt (quận 1), ngay chân cầu Khánh Hội nối quận 1 và quận 4.
Saigon One Tower được xây dựng trên khu đất hơn 6.672m2, mật độ xây dựng 46% với quy mô 41 tầng (không tính 5 tầng hầm và 3 tầng kỹ thuật). Tổng vốn đầu tư là 256 triệu USD (tương đương 5.000 tỷ đồng thời điểm đó). Theo thiết kế, công trình cao 185m, gồm 180 căn hộ và khu văn phòng. Đây được xem là dự án đình đám, từng trong top 10 tòa nhà cao nhất Việt Nam và top 3 tòa nhà cao nhất Thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng, dự án khởi công xây dựng từ năm 2007 thì đến năm 2011 dừng thi công dù đã được hoàn thiện phần thô.
Saigon One Tower được khởi công xây dựng từ 2007 nhưng đến nay vẫn chưa thể khánh thành. |
Đến năm 2017, nhiều thông tin cho thấy toàn bộ toà nhà này đã được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho khoản nợ tại Ngân hàng MSB và Ngân hàng Đông Á. Tiền gốc và lãi của khoản nợ tại thời điểm đó hơn 7.000 tỷ đồng. Đây là khoản nợ xấu và toà nhà đã bị Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) thu giữ năm 2017.
Năm 2019, có thông tin cho rằng VAMC sẽ đưa dự án Saigon One Tower ra bán đấu giá với giá khởi điểm 6.110 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó buổi đấu giá không diễn ra. Đến năm 2021, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Viva Land xuất hiện với tư cách là đơn vị quản lý và phát triển dự án Saigon One Tower. Dự án này cũng được đổi tên thành IFC One Saigon với biển hiệu bên ngoài "The one the only", thể hiện giá trị "là một là duy nhất".
Cuối tháng 8/2022, phần mặt tiền của dự án Saigon One Tower hướng về Khu đô thị Thủ Thiêm (Thành phố Thủ Đức) được ốp lên những tấm kính hình tam giác khổ lớn màu sắc sặc sỡ. Khi đó, có nhiều thông tin về việc dự án được tái khởi động.
Tuy nhiên, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết dự án Saigon One Tower ngừng thi công từ năm 2011 nên có khả năng khung kính chịu lực xung quanh không còn an toàn, đồng thời gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến bộ mặt của Thành phố. Vì vậy, Thành phố cho phép chủ đầu tư lắp khung kính mới nhằm chỉnh trang đô thị, đảm bảo an toàn cho người dân. Các hạng mục khác, chủ đầu tư không được làm vì hiện dự án này đang chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Viết Dũng
Theo