(Xây dựng) - Đến năm 2025, Thanh Hóa phấn đấu xây dựng hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại I sau khi sáp nhập và trình độ phát triển cơ sở hạ tầng của khu vực dự kiến thành lập phường.
Đến năm 2025, Thanh Hóa phấn đấu xây dựng hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại I. |
Trong chương trình phát triển đô thị, Thanh Hóa xác định huy động nguồn lực của xã hội tham gia vào công tác phát triển đô thị; phát huy thế mạnh của khoa học công nghệ trong nghiên cứu ứng dụng phục vụ quản lý và phát triển đô thị; xác định khu vực phát triển đô thị, danh mục dự án đầu tư làm cơ sở để huy động, phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng phát triển đô thị, nâng cao chất lượng, diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng hiện đại, bền vững...
Mục tiêu phát triển đô thị Thanh Hóa (bao gồm thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn) hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị loại I. Cụ thể hóa các chỉ tiêu phát triển đô thị cần đạt được cho từng giai đoạn hàng năm, 5 năm phù hợp quy hoạch chung đô thị và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Lập danh mục các dự án đầu tư phát triển đô thị gồm quy mô dự án, khái toán kinh phí thực hiện, dự kiến nguồn vốn và thời gian thực hiện làm cơ sở để bố trí nguồn vốn và huy động các thành phần kinh tế tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng phát triển đô thị Thanh Hóa.
Về phát triển địa giới hành chính, trước năm 2025 sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa. Mở rộng khu vực nội thành, thành lập thêm 7 phường mới trên cơ sở nguyên trạng các xã, thị trấn.
Ông Lê Trọng Thụ - Bí thư Huyện ủy huyện Đông Sơn cho biết: “Huyện Đông Sơn cũng có bước phát triển vượt bậc về kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt khá, cơ cấu chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các ngành thương mại, dịch vụ, công nghiệp, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, thu ngân sách trên địa bàn huyện luôn đạt và vượt mục tiêu đề ra...
Do đó, việc nhập sáp nhập địa giới hành chính huyện Đông Sơn và thành phố Thanh Hóa trở thành đô thị Thanh Hóa là phù hợp với thực tiễn và các định hướng của Trung ương và tỉnh Thanh Hóa. Việc lập Đề án phân loại đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị loại I là hết sức cần thiết và cấp bách”.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Thanh Hóa Hoàng Văn Hưng cho hay, khu vực nội thành gồm 30 phường hiện nay của thành phố Thanh Hóa, thành lập thêm 7 phường mới gồm: Hoằng Quang, Hoằng Đại, Rừng Thông, Đông Tiến, Đông Khê, Đông Thịnh, Đông Văn trên cơ sở nguyên trạng địa giới hành chính các xã, thị trấn.
Khu vực ngoại thành gồm 11 xã: Thiệu Vân, Đông Vinh, Đông Thanh, Đông Hoàng, Đông Ninh, Đông Minh, Đông Hòa, Đông Yên, Đông Phú, Đông Quang, Đông Nam. Đến năm 2030 và giai đoạn 2040, tiếp tục triển khai xây dựng mở rộng khu vực nội thành, triển khai rà soát, đánh giá các khu vực có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để thành lập phường thuộc thành phố.
Dự án đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng ưu tiên và kiến trúc cảnh quan đô thị đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại đô thị cũng được chú trọng như: Hoàn thiện tiêu chuẩn mật độ đường giao thông đô thị (đối với đô thị loại I, tính đến đường có bề rộng lòng đường >14m); đường vành đai 2,5 phía Tây, huyện Đông Sơn dài 21km; đường giao thông từ xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn đi xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa dài khoảng 4,1km; đường từ Quốc lộ 47 nối đường thành phố - đường Nghi Sơn - Sao Vàng dài khoảng 4,7km...
Hoàn thiện tiêu chuẩn tỷ lệ tuyến phố văn minh đô thị xây dựng và ban hành bộ tiêu chí về tuyến phố văn minh đô thị (bao gồm các tiêu chuẩn: Kiến trúc cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường, trật tự an toàn giao thông). Đồng thời, tiến hành cải tạo, chỉnh trang các tuyến phố đảm bảo tối thiểu 50% số tuyến phố đạt chuẩn về tuyến phố văn minh đô thị.
Tiêu chuẩn công trình xanh và tiêu chuẩn khu chức năng đô thị, khu đô thị mới được quy hoạch, thiết kế theo mô hình xanh, ứng dụng công nghệ cao, thông minh nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết định hướng một số khu vực đô thị, khu chức năng đô thị, khu đô thị mới theo hướng đô thị xanh, ứng dụng công nghệ cao, thông minh.
Đồng thời, huy động, thu hút, kêu gọi đầu tư và triển khai thực hiện hiệu quả từng bước quy hoạch các dự án khu đô thị, khu chức năng đô thị theo mô hình xanh, ứng dụng công nghệ cao, thông minh, triển khai thiết kế và xây dựng công trình theo tiêu chí công trình xanh và có cơ chế chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư triển khai các dự án theo mô hình này.
Được biết, giai đoạn vừa qua, thành phố Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả mang tính đột phá về thu hút đầu tư, xây dựng nông thôn mới và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị. Thành phố đã huy động các nguồn vốn để xây dựng hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn mới như: Đầu tư, nâng cấp 154km đường giao thông nội thị, 239km cống, rãnh tiêu thoát nước, hạ ngầm 81km đường điện chiếu sáng, 148km cáp viễn thông, lắp đặt 165 trạm biến áp và 119,5km đường dây điện. Nhiều hạng mục công trình đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng, tạo ra diện mạo đô thị ngày càng khởi sắc.
Tiến Anh
Theo