(Xây dựng) – Tại công trình nâng cấp, cải tạo đường tỉnh 526B (Hậu Lộc, Quán Dốc) theo thiết kế là đắp đất hoàn trả đảm bảo độ chặt K≥95, nhưng nhà thầu lại sử dụng đá tảng khi chưa có sự đồng ý của chủ đầu tư. Tuy nhiên, đại diện Ban Quản lý dự án cho rằng, Trưởng tư vấn giám sát được quyền nên không báo cáo chủ đầu tư.
Nhà thầu sử dụng đá hộc đắp hoàn trả bên trái tuyến đoạn từ Km4+500 đến Km5+300 (đoạn làm rãnh thoát nước mới) có khoảng 400m thay thế đất đắp bằng đá xô bồ nhưng không báo cáo với chủ đầu tư. |
Thời gian qua, phóng viên Báo điện tử Xây dựng nhận được phản ánh về việc nhà thầu thi công công trình: Nâng cấp, cải tạo đường tỉnh 526B (Hậu Lộc - Quán Dốc) sử dụng đá tảng để hoàn trả phần mở rộng nền đường, có dấu hiệu thi công sai hồ sơ thiết kế, rút ruột công trình.
Người dân cho biết: Vào khoảng tháng 11/2021, trong quá trình thi công dự án trên, nhà thầu thi công đã dùng những tảng đá lớn có đường kính khoảng từ 60-80cm để đắp hoàn trả một số đoạn làm rãnh thoát nước mới, mà không sử dụng đất núi như hồ sơ thiết kế.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ngày 21/3/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 970/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Công trình nâng cấp, cải tạo đường tỉnh 526B (Hậu Lộc - Quán Dốc) với tổng mức đầu tư gần 85 tỷ đồng, do Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa làm chủ đầu tư.
Tiếp đến ngày 27/02/2019, ông Lê Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa (nay là Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải) ký Quyết định số 711/QĐ-UBND phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán Công trình nâng cấp, cải tạo đường tỉnh 526B (Hậu Lộc - Quán Dốc).
Gần trăm tỷ đồng cho nâng cấp, mở rộng 7,623km đạt quy mô cấp IV đồng bằng và đường phố chính đô thị thứ yếu. |
Với quy mô xây dựng: Nâng cấp, cải tạo đường hiện hữu dài 7,623km đạt quy mô cấp IV đồng bằng và đường phố chính đô thị thứ yếu; vận tốc thiết kế Vtk=60km/h; mặt đường bê tông nhựa chặt 19 (BTN C19) có Eyc≥142Mpa; công trình thoát nước tải trọng thiết kế HL 93 đối với cầu và H30-XB80 đối với cống; tần suất tính toàn thủy văn P=4%.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa cho biết: Công trình về nguyên tắc là đất đắp, nhưng tháng 11/2021 do mưa lớn kéo dài mà công trình đã 4 năm rồi nên có đoạn dài khoảng 400m để đẩy nhanh tiến độ thi công, nhà thầu đã xin thay đổi điều chỉnh đất đắp thành đá hộc, đá xô... Ban Quản lý dự án và tư vấn giám sát chấp thuận việc này. Hiện tại, công trình đã đưa vào sử dụng, cơ quan Nhà nước đã kiểm tra.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, đại diện Ban Quản lý dự án cho rằng, việc thay đổi đất sang đá không cần phải báo cáo chủ đầu tư. |
Phóng viên đặt câu hỏi người dân phản ánh về việc thi công sai hồ sơ thiết kế thì có đúng không? “Nói là sai nhưng vật liệu tốt hơn, chất lượng tốt hơn, cái đấy tôi trả lời là không sai. Những cái điều chỉnh nhỏ mà không làm thay đổi chất lượng của công trình thì Trưởng tư vấn giám sát được quyền”, đại diện Ban cho biết thêm.
Trả lời phóng viên Báo điện tử Xây dựng, Trưởng tư vấn giám sát dự án nói: “Đoạn phát sinh thay đổi thiết kế đó, chủ đầu tư là Sở Giao thông Vận tải hiện giờ vẫn không biết, anh em bọn mình vẫn chưa báo cáo lên…”.
Có thể khẳng định, đại diện Ban Quản lý dự án, Trưởng tư vấn giám sát dự án phát biểu như trên là không nắm rõ về pháp luật, đang đứng trên pháp luật. Bởi pháp luật quy định về việc điều chỉnh thiết kế xây dựng rất cụ thể tại Điều 84 trong Luật Xây dựng 2014: Thiết kế xây dựng đã được phê duyệt chỉ được thực hiện việc điều chỉnh trong các trường hợp sau: Khi thực hiện việc điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng thì cần phải có yêu cầu về điều chỉnh thiết kế xây dựng; Hoặc là trong quá trình thi công xây dựng mà có yêu cầu phải điều chỉnh thiết kế xây dựng để bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả của dự án đã được thẩm định…
Khi điều chỉnh thiết kế xây dựng theo hai trường hợp được nêu ở trên mà có thay đổi về địa chất công trình, tải trọng thiết kế, giải pháp kết cấu, vật liệu của kết cấu chịu lực hoặc biện pháp tổ chức thi công ảnh hưởng đến an toàn chịu lực của công trình thì việc điều chỉnh thiết kế xây dựng phải được thẩm định và phê duyệt theo thẩm quyền thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng công trình thuộc dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, thẩm quyền thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng công trình thuộc dự án sử dụng vốn Nhà nước ngoài ngân sách, thẩm quyền thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng công trình thuộc dự án sử dụng vốn khác.
Cũng tại Điều 17, Thông tư 18/2016/TT-BXD thì: Người quyết định đầu tư quyết định việc điều chỉnh thiết kế, dự toán xây dựng công trình khi việc điều chỉnh này dẫn đến phải điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng. Hoặc trong các trường hợp điều chỉnh khác do chủ đầu tư tự quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định điều chỉnh của mình. Chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo người quyết định đầu tư về nội dung điều chỉnh thiết kế xây dựng do mình quyết định thực hiện. Như vậy, có thể khẳng định Trưởng tư vấn giám sát dự án không có quyền tự ý quyết định việc thay đổi vật liệu xây dựng đã được phê duyệt.
Được biết, dự án trên do Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Minh Tuấn có địa chỉ tại thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa là nhà thầu thi công, Đơn vị tư vấn giám sát là Ban Quản lý dự án giao thông II Thanh Hóa (nay là Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa).
Những phiến đá tảng liệu có tạo ra độ kênh và rỗng lớn gây sụt lún? |
Việc nhà thầu thi công sử dụng đá tảng đắp hoàn trả không đúng hồ sơ thiết kế liệu có đảm bảo chất lượng công trình? Vì sao công trình sử dụng vật liệu sai thiết kế vẫn được cơ quan Nhà nước kiểm tra, nghiệm thu và đưa vào sử dụng? Ai sẽ chịu trách nhiệm khi công trình có vấn đề?... Vấn đề trên đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa sớm chỉ đạo kiểm tra làm rõ và có câu trả lời trước dư luận.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.
Đinh Vũ - Sơn Long
Theo