(Xây dựng) - 2 lò đốt rác tại huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) được đầu tư hàng chục tỷ đồng tiền ngân sách Nhà nước nhằm giải quyết những bất cập về rác thải cơ sở. Tuy nhiên, cả 2 lò đốt chỉ tồn tại được một thời gian ngắn đã xuống cấp, công nghệ đốt lạc hậu… nên phải dừng hoạt động.
Được đầu tư hàng chục tỷ đồng tiền ngân sách Nhà nước nhằm giải quyết những bất cập về rác thải cơ sở. Tuy nhiên, lò đốt chỉ tồn tại được một thời gian ngắn đã xuống cấp, công nghệ đốt lạc hậu… nên phải dừng hoạt động. |
Theo tìm hiểu, năm 2018 UBND xã Hoà Lộc, huyện Hậu Lộc đầu tư xây dựng lò đốt chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thôn 2 Bái Trung với diện tích hơn 3.000m2. Số vốn đầu tư của công trình là khoảng 5,2 tỷ đồng. Công suất xử lý chất thải của lò đốt rác là 7 tấn/ngày. Sau khi đi vào hoạt động, lò đốt rác Hòa Lộc đã xử lý rác thải sinh hoạt cho hai xã Hòa Lộc và Xuân Lộc. Riêng xã Hòa Lộc có hơn 12.650 nhân khẩu, còn xã Xuân Lộc có trên 5.000 nhân khẩu.
Mỗi ngày, huyện Hậu Lộc phát sinh khoảng mấy chục tấn rác thải. |
Tính toán của UBND xã Hòa Lộc cho thấy, với số nhân khẩu và lượng rác thu gom về hàng ngày, số rác thải ra của người dân hai xã mỗi ngày cao gấp đôi so với công suất hoạt động của lò đốt rác. Do vậy, tình trạng quá tải xảy ra, lượng rác tồn chưa xử lý kịp gây ô nhiễm môi trường xung quanh, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Do quá tải cộng với hệ thống xử lý của lò đốt rác không đảm bảo môi trường nên sau 4 năm đi vào hoạt động, tháng 7/2022 lò đốt rác ở xã Hòa Lộc đã dừng hoạt động. Tuy nhiên, lượng rác còn tồn đọng bên trong tiếp tục gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Xuân Hán - Chủ tịch UBND xã Hòa Lộc thừa nhận: “Dừng hoạt động lò đốt rác là lãng phí ngân sách Nhà nước, nhưng do lò đã xuống cấp, công nghệ cũ không đảm bảo môi trường nên buộc phải làm như vậy. Sau khi dừng lò đốt, xã đã ký hợp đồng với công ty môi trường để thu gom rác cho người dân”.
Các hạng mục tại lò đốt đều bị hoen gỉ, xuống cấp, xung quanh tràn ngập rác thải. |
Tương tự, năm 2016 dự án lò đốt rác tại xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc được khánh thành và đưa vào hoạt động nhằm xử lý rác thải sinh hoạt cho người dân địa phương. Dự án có diện tích khoảng 1,5ha, tổng vốn đầu tư khoảng 7 tỷ đồng, do UBND xã Đại Lộc làm chủ đầu tư, gồm các công trình như: Đường bê tông, nhà bảo vệ, khu lò đốt được lợp mái tôn… Được đầu tư bài bản, nhưng mới hoạt động được một thời gian ngắn, cuối năm 2020 lò đốt này đã phải “trùm mền”.
Nói về nguyên nhân ngừng hoạt động của lò đốt rác, một lãnh đạo xã Đại Lộc cho biết, lò đốt rác này có công suất tiêu thụ khoảng 12 tấn/ngày đêm, tuy nhiên khi đưa vào sử dụng thì chỉ đạt công suất 5-6 tấn/ngày đêm. Để duy trì hoạt động của lò đốt, xã Đại Lộc đã ký hợp đồng với một hộ dân tại địa phương để vận hành.
Mức thu từ người dân là 8.000 đồng/ khẩu/tháng. Sau 5 năm hết hợp đồng, hộ gia đình này đã dừng ký hợp đồng. Nguyên nhân là lò đốt xuống cấp, công nghệ lạc hậu, kinh phí bảo dưỡng lớn, thu không đủ chi.
Thời điểm hiện tại, các hạng mục tại 2 lò đốt trên đều bị hoen gỉ, xuống cấp, xung quanh tràn ngập rác thải. Tại lò đốt rác xã Hoà Lộc, hệ thống tường rào bị sập đổ khiến rác thải tràn ra đồng ruộng của người dân.
Một người dân xã Đại Lộc khá bức xúc cho biết: Việc đầu tư rồi sử dụng không hiệu quả dẫn đến ngừng hoạt động lò đốt, trong khi mỗi ngày huyện Hậu Lộc phát sinh khoảng mấy chục tấn rác thải không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân mà còn gây lãng phí nguồn ngân sách Nhà nước, bức xúc trong dư luận địa phương.
Tiến Anh
Theo