(Xây dựng) - Những năm qua, tình trạng lũ quét, sạt lở đất thường xảy ra và tàn phá nhiều huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa với phạm vi rộng, gây tổn thất người và tài sản của người dân. Đề án sắp xếp, ổn định dân cư đã hạn chế được điều đó.
Nhiều khu tái định cư được xây dựng đã làm diện mạo Nông thôn mới ở miền núi Thanh Hóa có nhiều đổi thay (Ảnh T.B). |
Để bảo vệ tính mạng con người và tài sản của người dân, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025. Qua đó, sắp xếp ổn định cho 4.335 hộ dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; trong đó sắp xếp 1.610 hộ tái định cư tập trung, 1.162 hộ tái định cư cư xen gép và 1.563 hộ ổn định tại chỗ; sẽ xây dựng 31 khu tái định cư tập trung và 19 khu tái định cư liền kề để ổn định cho 1.610 hộ dân.
Tổng kinh phí thực hiện dự kiến khoảng hơn 600 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương khoảng 40% nguồn ngân sách tỉnh chiếm 30%, còn lại là nguồn huy động khác. Để đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện đề án từ nay đến năm 2025, việc triển khai sẽ bố trí theo mức độ: Nguy cơ rất cao, cao và trung bình.
Một số người dân huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa cho biết: Mỗi khi có mưa nhiều ngày, chúng tôi lại lo sợ sạt lở đất đá từ trên núi đổ xuống nhà, nhiều đêm đang ngủ nghe tiếng kẻng báo động chúng tôi phải chạy nhanh ra khỏi nhà đến các nhà văn hóa thôn hay trường học để đảm bảo an toàn... Từ khi có khu tái định cư này, chúng tôi sống yên tâm hẳn, không còn phải lo sợ mỗi khi mùa mưa lũ về.
Theo báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn các huyện miền núi đã và đang thực hiện kế hoạch sắp xếp ổn định cho 2.846 hộ dân tại 54 xã, trong đó có 1.122 hộ tái định cư xen ghép, 846 hộ tái định cư liền kề, 878 hộ tái định cư tập trung. Hiện nay, 151 hộ đã được tái định cư tập trung theo lệnh đầu tư khẩn cấp và đã trình HĐND tỉnh 389 hộ tái định cư tập trung và liền kề. Đối với các hộ tái định cư xen ghép, các địa phương đã vận động để các hộ chủ động di dời sớm.
Trước đó, giai đoạn 2016-2020, được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, trên địa bàn toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 14 khu tái định cư tập trung cho 597 hộ trên địa bàn các huyện: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước. Các khu tái định cư tập trung này thực sự là nơi giúp cuộc sống của người dân được “hồi sinh” sau khi phải hứng chịu tác động, thiệt hại nặng nề về người và của do thiên tai gây ra.
Đại diện huyện Mường Lát và huyện Quan Sơn cho biết: Việc lựa chọn được các vị trí làm khu tái định cư tập trung ở miền núi là vô cùng khó khăn, bởi đặc thù ở miền núi chúng tôi là đồi núi cao nên xuất đầu tư lớn vì vậy để thực hiện được khu tái định cư tập trung đảm bảo thì phải có nguồn kinh phí lớn, mới đáp ứng được yêu cầu.
Đề án sắp xếp, ổn định dân cư gắn với việc di dân thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó, thuận lợi cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nhiều bản làng mới được hình thành, diện mạo nông thôn mới có nhiều đổi thay góp phần mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế ở các địa phương, đời sống nhân dân ổn định yên tâm, lao động sản xuất, không còn tình trạng di cư tự do, chặt phá rừng, môi trường sinh thái được bảo vệ và phát huy được sức mạnh quốc phòng toàn dân trong việc bảo vệ an ninh chính trị, trật tự xã hội.
Trần Cường
Theo