(Xây dựng) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Đông Triều thuộc tỉnh Quảng Ninh trên cơ sở thị xã Đông Triều, thời điểm có hiệu lực thi hành của Nghị quyết là ngày 1/11/2024.
Đông Triều trở thành thành phố trực thuộc thứ 5 của tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: QMG) |
Nghị quyết thành lập thành phố Đông Triều thuộc tỉnh Quảng Ninh được Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 28/9/2024. Theo đó, thành phố Đông Triều được thành lập nguyên trạng trên cơ sở thị xã Đông Triều với diện tích 395,950km2, dân số 249.000 người. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất thành lập 4 phường Bình Dương, Thủy An, Bình Khê, Yên Đức thuộc thành phố Đông Triều.
Việc thành lập thành phố Đông Triều phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Quảng Ninh định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Năm 2015, huyện Đông Triều trở thành thị xã; năm 2023, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 14,6% so với cùng kỳ năm trước, thu ngân sách vượt dự toán.
Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của Đông Triều đạt 14%, tiếp tục là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh Quảng Ninh trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt hơn 163,2 triệu đồng/người/năm, cao hơn so với cả nước 1,6 lần.
Giai đoạn 2021-2025, Đông Triều dành trên 27.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa đầu tư nâng cấp đồng bộ hạ tầng giao thông, kỹ thuật, đô thị, cấp thoát nước và nâng cao chất lượng đời sống người dân. Hiện Đông Triều đã có những tuyến giao thông mang tính kết nối vùng, ngoài Quốc lộ 18 còn có cầu Đông Mai (nối thành phố Chí Linh, Hải Dương), cầu Triều (nối thị xã Kinh Môn, Hải Dương), nâng cấp các đường tỉnh. Đặc biệt, tuyến đường ven sông nối với cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều đang xây dựng, tiếp tục nối Hải Dương, Bắc Giang, mở ra triển vọng phát triển mới cho cả khu vực phía Tây Quảng Ninh.
Được hưởng lợi từ nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, chủ yếu là than đá, đất sét, cát, các ngành kinh tế chính của Đông Triều là công nghiệp khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, gốm sứ, vật liệu xây dựng) và nhiệt điện.
Về nông nghiệp, với lợi thế lớn về đất đai, vùng canh tác rộng lớn, những năm gần đây, Đông Triều tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp tập trung, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến sâu. Không chỉ là “vựa lúa” của tỉnh Quảng Ninh, Đông Triều còn phát triển trọng điểm các loại nông sản như na, rau, hoa… với sản lượng cung cấp ra thị trường đạt hàng nghìn tấn/năm.
Với vị trí cửa ngõ của tỉnh, Đông Triều lên thành phố sẽ trở thành điểm kết nối vùng đô thị trung tâm của Quảng Ninh với Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội. |
Đông Triều là địa phương dẫn đầu tỉnh Quảng Ninh và cả nước trong hành trình xây dựng nông thôn mới. Đây là huyện nông thôn mới đầu tiên của miền Bắc, có xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của cả nước (xã Việt Dân) và đang hướng tới trở thành địa phương cấp huyện đầu tiên về đích nông thôn mới kiểu mẫu.
Khai thác lợi thế này, Đông Triều đã đưa du lịch làng quê, sinh thái thành sản phẩm hấp dẫn du khách ở địa phương, đặc biệt là khách quốc tế. Hiện địa phương và các doanh nghiệp du lịch đã đầu tư nâng cấp nhiều công trình dịch vụ phục vụ du lịch, khai thác đặc trưng làng quê Bắc bộ, khu trồng trọt, vườn cây ăn trái để tăng trải nghiệm cho du khách.
Bên cạnh du lịch nông nghiệp, Đông Triều còn có nhiều thế mạnh về phát triển du lịch với 120 di tích và danh thắng. Trong đó, khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều (chùa Ngọa Vân, đền An Sinh, chùa Quỳnh Lâm…) là một trong những lợi thế để địa phương này phát triển du lịch tâm linh, lịch sử, văn hoá, nhất là khi đây là thành phần trong Quần thể di tích Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đang được đệ trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Từ năm 2016 đến tháng 4/2024, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nhà Trần đón trên 1,7 triệu lượt khách.
Có thể khẳng định rằng, Đông Triều đang có những bước chuyển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội và hạ tầng đô thị. Đông Triều trở thành thành phố sẽ giúp đưa vùng đất Đệ tứ Chiến khu trong tương lai không chỉ là đô thị hiện đại, mà còn trở thành điểm kết nối vùng đô thị trung tâm của Quảng Ninh với Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội.
Sau khi thị xã Đông Triều lên thành phố, tỉnh Quảng Ninh sẽ có 5 thành phố, gồm: Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái và Đông Triều. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh cũng đang triển khai thủ tục, xây dựng hồ sơ để đề nghị thành lập thành phố Quảng Yên vào năm 2025.
Theo Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh, đến năm 2025, tỉnh Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính với 13 đô thị. Đến năm 2030, toàn Quảng Ninh sẽ có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, với 12 đô thị, trong đó có 7 thành phố: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái - Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn và thị xã Tiên Yên; cùng các huyện: Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà, Cô Tô.
Hoàng My
Theo