(Xây dựng) – Với nhiều chính sách, văn bản được ban hành hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong những năm qua đã và đang mang lại kết quả tích cực cho tỉnh Thanh Hóa.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 đã mang lại một diện mạo mới cho các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa. |
Theo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2024 của tỉnh Thanh Hóa, tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 phân bổ cho tỉnh Thanh Hóa là 1.640.539 triệu đồng. Trong tổng vốn Trung ương giao, có 1.249.507 triệu đồng hỗ trợ 6 huyện nghèo. Giai đoạn 2022 - 2024, Trung ương đã giao 1.387.293 triệu đồng (năm 2022 là 486.183 triệu đồng, năm 2023 là 458.850 triệu đồng, năm 2024 là 442.260 triệu đồng).
HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các nghị quyết, quyết định phân bổ kế hoạch vốn cho các đơn vị, địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh đã giao vốn chi tiết cho các huyện, các dự án là 1.364.437 triệu đồng đạt 98,35%. Dự kiến số vốn đầu tư phát triển còn lại 22.856 triệu đồng sẽ được giao chi tiết trong quý III/2024.
Vốn đầu tư phát triển đã giải ngân năm 2022 được 254.881 triệu đồng; giải ngân năm 2023 được 412.052 triệu đồng, công tác giải ngân 6 tháng năm 2024 được 206.161 triệu đồng, đạt 62,95% tổng số vốn Trung ương giao. Đối với số vốn năm 2024 giải ngân đạt 31%. Dự kiến đến ngày 31/12/2024 sẽ giải ngân vốn đầu tư phát triển được Trung ương giao giai đoạn 2022 - 2024 đạt khoảng 1.305.560 triệu đồng/1.387.293 triệu đồng, đạt 94% so với kế hoạch vốn.
Đặc biệt, công tác hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo với tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 hỗ trợ cho các huyện nghèo là 1.249.507 triệu đồng. Từ năm 2022 - 2024, HĐND tỉnh đã phân bổ cho 6 huyện nghèo để thực hiện 59 dự án, trong đó 28 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2021, 31 dự án đầu tư mới.
Năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa triển khai chủ trương hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào sinh sống trên sông lên bờ ổn định cuộc sống, sau 2 năm thực hiện, được sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, tổ chức Đảng; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của Tòa giám mục giáo phận Công giáo Thanh Hóa, sự chung tay ủng hộ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm; sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, đến nay, cơ bản các hộ đồng bào sinh sống trên sông trên địa bàn tỉnh đã được cấp đất ở và hỗ trợ kinh phí xây nhà ở.
Cụ thể: Đã có 179 hộ dân sinh sống trên sông được hỗ trợ đất ở với diện tích 20.103,2m2; huy động được 18.821 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng tái định cư; huy động các tổ chức, doanh nghiệp, gia đình, dòng họ, cộng đồng hỗ trợ xây dựng 182 nhà ở với số tiền 52.442 triệu đồng.
Năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 30/3/2024 về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024 - 2025, mục tiêu hỗ trợ 5.000 căn nhà với mức hỗ trợ xây mới 80 triệu đồng/căn. Kinh phí dự kiến để thực hiện hơn 400 tỷ đồng.
Hiện nay, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đang tích cực triển khai vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tổ chức, hộ gia đình, công chức, viên chức, người lao động, các cá nhân ủng hộ kinh phí để triển khai thực hiện hỗ trợ.
Qua đó tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều: Đầu giai đoạn tổng tỷ lệ nghèo đa chiều là 68,4% (32,88% hộ nghèo; 35,52% hộ cận nghèo). Dự kiến đến cuối năm 2024, tổng tỷ lệ nghèo đa chiều còn 32% (hộ nghèo còn 14%, hộ cận nghèo còn 18%), cuối năm 2025 sẽ có 2 huyện Bá Thước và Thường Xuân thoát khỏi huyện nghèo.
Trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện nghèo được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện nghèo dự kiến cuối năm 2025 tăng hơn 1,5 lần so với năm 2020, đạt mục tiêu đề ra.
Thảo Chi
Theo