(Xây dựng) – Đó là chủ đề của Hội thảo do Báo Giao thông phối hợp với Tạp chí điện tử Viettimes tổ chức tại Hà Nội, chiều 30/9.
Quang cảnh Hội thảo. |
Hội thảo được tổ chức dưới sự hỗ trợ của Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị đồng hành: Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Napas, tổ chức thẻ Visa, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Lộc Phát, Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và các doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ giao thông như Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam thuộc Viettel, Công ty Thu phí tự động VETC…
Phát biểu khai mạc, Tổng Biên tập Báo Giao thông Nguyễn Thị Hồng Nga cho biết: “Đây là lần đầu tiên, Báo Giao thông phối hợp cùng Tạp chí Viettimes tổ chức một hội thảo về giao thông với chủ đề rất được các doanh nghiệp và người dân quan tâm, gắn liền với chuyển đổi số, thanh toán điện tử”.
“Đây chắc chắn sẽ là thay đổi rất lớn trong quản lý giao thông đô thị, trong thói quen, hành vi của mỗi người dân khi sử dụng các dịch vụ giao thông. Ở góc độ các cơ quan báo chí, chúng tôi rất vui mừng khi tiếp cận dự thảo Nghị định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ vừa được Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ. Chúng tôi tin rằng, khi các nội dung mới trong dự thảo Nghị định được truyền thông tới doanh nghiệp và người dân sẽ nhận được sự đồng thuận cùng các ý kiến đóng góp để có thể triển khai sớm nhất”, bà Nga nhấn mạnh.
Trình bày dự thảo Nghị định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ tại Hội thảo, ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ Môi trường và Hợp tác Quốc tế, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tại Luật Đường bộ quy định riêng một điều về thanh toán điện tử giao thông đường bộ (Điều 43). Cụ thể, gồm thanh toán các loại phí, giá, tiền dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện giao thông đường bộ thông qua tài khoản giao thông.
Trạm thu phí không dừng đã được triển khai trên toàn quốc |
Để triển khai Luật Đường bộ, Bộ Giao thông vận tải đang gấp rút xây dựng Nghị định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ (GTĐB) gồm 6 chương, dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2024. Về mô hình triển khai thanh toán điện tử, Bộ Giao thông vận tải sẽ xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu (CSDL) thanh toán điện tử GTĐB để chia sẻ cho các nhà cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực không do Bộ Giao thông vận tải quản lý.
Đối với lĩnh vực Bộ Giao thông vận tải quản lý sẽ giữ nguyên phương thức triển khai như hiện nay. Trong đó, tài khoản thu phí = tài khoản giao thông + phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Nhà cung cấp dịch vụ thu phí = Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ. Đối với CSDL thanh toán điện tử GTĐB sẽ bao gồm: Thông tin tài khoản giao thông (TKGT) và thông tin giao dịch thanh toán điện tử GTĐB.
Trong đó, thông tin tài khoản giao thông gồm: Số TKGT, ngày mở TKGT; Thông tin chủ TKGT (có thể là cá nhân hoặc tổ chức); Thông tin phương tiện gắn thẻ đầu cuối; Thông tin thẻ đầu cuối; Thông tin phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Ông Nguyễn Trung Anh, Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, chúng ta đang số hóa dịch vụ toàn diện và cao độ. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, cả nước đã thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện và thanh toán trực tuyến, phi tiếp xúc. Hành vi tiêu dùng, nhu cầu khách hàng thay đổi mạnh mẽ, yêu cầu và kỳ vọng cao hơn (an toàn, bảo mật, thanh toán tức thời, trao quyền người dùng, cá nhân hóa trải nghiệm, phí hợp lý).
Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0. Chính phủ cũng đã có Quyết định 149 năm 2020 về chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị số 22 năm 2020, đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam; Quyết định 810 năm 2021 phê duyệt "Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"; Quyết định 1813 năm 2021 về đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
Theo Quyết định số 1813 năm 2021, mục tiêu đặt ra là hình thành thói quen sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với người dân; ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của CMCN 4.0 để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật.
Về hạ tầng kỹ thuật thanh toán không dùng tiền mặt, ông Trung Anh cho biết, hiện Việt Nam đã có hệ thống thanh toán liên ngân hàng như IBPS, Napas…; có khoảng 85 ngân hàng sử dụng Internet Banking, có 21 nghìn ATM, có 678 nghìn POS; 52 ngân hàng sử dụng Mobile Banking.
Nhờ hệ thống ngân hàng rộng khắp, giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt bình quân hơn 820 nghìn tỷ đồng/ngày; khối lượng giao dịch qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, bình quân xử lý 23-25 triệu giao dịch/ngày. Mạng lưới chấp nhận thanh toán QR Code phủ khắp hầu hết các cửa hàng tiện lợi, chuỗi phân phối bán lẻ, nhà hàng, khách sạn... và đang mở rộng dần tới các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học.
Trong thời gian tới, đại diện Ngân hàng Nhà nước sẽ hoàn thành khuôn khổ pháp lý, trong đó triển khai hiệu quả Nghị định 52; các thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng; xây dựng, tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng (sau khi được ban hành).
Sẽ nâng cấp hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; tiếp tục hoàn thiện, phát triển hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử (ACH); tăng cường tích hợp, kết nối hạ tầng, ứng dụng ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực dịch vụ khác để mở rộng hệ sinh thái số; đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật…
Về phát triển dịch dịch vụ, sẽ đẩy mạnh ứng dụng thành tựu CMCN 4.0, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số hóa; đẩy mạnh các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên Mobile: QR Code, mã hóa thông tin thẻ Tokenization, Mobile Payment, Contactless, Ví điện tử…
Lê Mỹ
Theo