(Xây dựng) – Tại Toạ đàm CEO Talk 2021 với chủ đề “Triển vọng kinh tế và nhận định xu hướng thị trường bất động sản năm 2021”, ông Nguyễn Thọ Tuyển - CEO của BHS Group nhận định, thời điểm cuối năm 2020 đầu năm 2021, các nhà đầu tư cá nhân thắng đậm từ đầu tư tài chính, tiền lãi găm mua bất động sản để chốt giữ tài sản.
Ông Nguyễn Thọ Tuyển – CEO, BHS Group. |
Thị trường bất động sản đúng là đang “nóng” thật
Ông Nguyễn Thọ Tuyển đưa ra dẫn chứng kể về những câu chuyện về một vài chỗ nóng: Dự án Biệt thự ven đô (Hoà Bình) giá tầm 7 - 10 tỷ đồng/căn, mỗi ngày bán cả chục căn. Có dự án căn hộ khách sạn mặt vịnh giá 50-70 triệu đồng/m2 bán 500 căn trong 3 tuần. Một dự án C đất nền khác ở tỉnh (Quảng Ninh) 300 căn chỉ bán trong 2 ngày, sales còn không kịp lock.
Hay dự án đất đấu giá ở Bắc Giang, ôtô chen chúc nhau chỉ đỗ được bằng hai bánh, giá tăng gấp 1,5 - 2 lần so với giá tham chiếu trong phiên đấu. Một mảnh đất lớn tách thành nhiều mảnh nhỏ ở Hoà Lạc cháy hàng sau khi tách sổ. Ở Bảo Lộc Lâm Đồng thì miễn là có đất bán thì sẽ có người mua. Đất ở Phan Thiết ngủ yên nay cũng lóp ngóp bò dậy. Rồi gần đây Phước Long (Bình Phước) rộn rực hết cả lên do có thông tin sân bay, giá đất nhảy múa như tiên nâu say thuốc.
Không kể đến cảnh người dân Thủ Đức ngẩn ngơ vì giá đất tăng phi mã trong khi họ vừa mới bán cho người khác rồi. Chung cư Bình Dương ra bao nhiêu cũng hết mà giá không hề rẻ (tầm 40 triệu đồng/m2). Miền Tây đất nền bán nhanh như tôm tươi, chung cư Cần Thơ thì cũng trên dưới 30 triệu đồng /m2. Đất thổ cư nơi đâu cũng tăng giá vì nhiều hàng xóm cũng hỏi mua của nhau. Đất Miền Trung Thanh Hoá, Nghệ An trung tâm tỉnh, thành phố và quận huyện cũng đều là đất bán kết lãi chứ khan hàng mua vào mới để đầu tư...
5 nguyên nhân giải mã thị trường
Đặt ra vấn đề, nguyên nhân thị trường bất động sản “nóng sốt” do đâu? Và liệu tình trạng này còn kéo dài bao lâu, cho rằng có nhiều ý kiến khác nhau nhưng ông Nguyễn Thọ Tuyển đã đưa ra đánh giá cá nhân các nguyên nhân chính cụ thể như sau:
Thứ nhất, cung tiền ra lớn và chảy vào ngành Tài chính. Ông Nguyễn Thọ Tuyển bày tỏ sự ngạc nhiên, một điều rất lạ lùng là trong khi các ngành sản xuất, chế biến, nông, lâm, thuỷ sản, hàng không, dịch vụ du lịch... chết bẹp do Covid-19, thì ngành Ngân hàng, chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu, phái sinh), tiền ảo, đều báo lãi rất lớn.
“Có lẽ, dân ta đã tìm ra nơi để kiếm tiền khác, ngoài nghề chính của mình rồi. Đó chính là canh bạc tài chính. F0 hồ hởi nô nức gọi nhau đi mở tài khoản chứng khoán hay đi vuốt đèn thần. Khí thế đến tận các vùng quê. Mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận “tài chính” – ông Tuyển mô tả.
Sau khi có lãi, kênh “găm” tiền yêu thích và chắc chắn nhất lại là “bất động sản”. Dựa vào suy luận này, vị chuyên gia đánh giá có thể thấy thị trường bất động sản khắp nơi đều đang có tín hiệu tốt.
Thứ hai, nguồn cung dự án không nhiều. Cả Hà Nội, Sài Gòn và các tỉnh thành phố lớn năm 2020 theo thống kê cũng không quá 20 dự án được cấp chủ chương đầu tư. Hàng mới hầu như không có, hàng cũ vì vậy có cơ hội bán ra và tăng giá. Nhân cơ hội này, bất động sản các tỉnh lẻ bắt đầu lên ngôi do giá thấp và được các chủ đầu tư lớn chạy về bắt tay “lập quy hoạch”.
Thứ ba, hạ tầng giao thong tốt và phương tiện cá nhân tăng nhanh. Trong 5 năm qua, số lượng ôtô ở Việt Nam tăng bằng 1.000 năm trước đó, tổng đạt gần 4 triệu xe. Cao tốc và nâng cấp Quốc lộ khiến việc đi lại rất thuận tiện là tiền đề của phát triển kinh tế và kỳ vọng phát triển kinh tế. Vì vậy, các nhà đầu tư có cơ hội tìm được những điểm trũng của thị trường để đầu tư một cách nhanh chóng.
Cảnh ôtô xếp hàng trên trục đường vào trung tâm xã Thiện Nghiệp – Phan Thiết sáng 10/3/2021 (Ảnh nguồn: Việt Quốc). |
Thứ tư, đó là về thông tin quy hoạch. Chưa bao giờ các tỉnh nhiệt tình năng nổ đề xuất làm sân bay như bây giờ. Hiện tại, Việt Nam có 22 sân bay trong đó có 10 sân bay quốc tế. Sắp tới nếu được Chính phủ phê duyệt thì có thể 1/2 số tỉnh của Việt Nam sẽ có sân bay. Không hiểu mức độ cần thiết và tác dụng của sân bay thế nào tới kinh tế, nhưng trước mắt là bà con cứ thấy có lý do là mua bán đất. Rồi cao tốc cũng vậy. Rồi thông tin quy hoạch các thành phố mới, thành phố vệ tinh cũng làm giá đất tăng cao.
Thứ năm, sự hồ hởi sau Tết, sau Đại hội. Theo ông Nguyễn Thọ Tuyển, điều này thì nói ít hiểu nhiều. Nôm na là tâm lý người dân, giống như ngày thần tài đi mua vàng biết hôm sau chắc chắn lỗ nhưng người ta vẫn mua vì điểm tựa tinh thần, sau Đại hội cái gì cũng sẽ tốt.
Thứ sáu, sự khống chế được Covid-19. Sự xuất hiện của Covid-19 này giờ không gây trạng thái hoảng loạn nữa. “Dân ta đã sống trong thời chiến quen rồi, khi Covid-19 đến thì chui xuống hào, khi máy bay đi thì lao lên cầy cấy tăng gia sản xuất và hát hò cổ động” – một cách ví von hóm hỉnh của CEO BHS về lý do cuối cùng.
Nhà đầu tư: “Đừng tham vì rủi ro là không nhỏ”
Về các biện pháp giảm nhiệt bất động sản và giảm nguy cơ cho các nhà đầu tư trong tương lai, ông Nguyễn Thọ Tuyển dự đoán là các biện pháp như: Chính phủ sẽ thu tiền về bằng cách chỉ đạo khối ngân hàng tăng lãi suất huy động và cho vay bên cạnh việc can thiệp của chính quyền bằng cách ra các thông báo rà soát đất đai và mạnh tay lập chuyên án các nhóm như Alibaba.
Mặt khác, các nhà đầu tư F0 đã yên vị trong đất và hết khả năng mua tiếp. Thị trường bất động sản đói vốn hơn sẽ bước vào giai đoạn điều chỉnh. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thọ Tuyển vẫn nêu quan điểm trạng thái thị trường hiện tại có thể không xấu đi trong ít nhất 1 năm nữa do các yếu tố tích cực quá nhiều. Các động thái nguy cơ chỉ trong phỏng đoán.
Cuối cùng, ông Nguyễn Thọ Tuyển muốn truyền đạt một thông điệp đến các nhà đầu tư: “Vẫn nên tự tin đầu tư. Nhưng cần nghiên cứu pháp lý thật cẩn thận và đừng tham vì rủi ro là không nhỏ.”
“Đối với các bạn Sales thì cứ tự tin làm sứ giả kết nối. Nhưng hãy lưu ý rằng, bạn phải trở thành chuyên gia chuyên sâu trong nghề để giúp các khách hàng giảm bớt rủi ro thì năm nay các bạn sẽ thành công” – ông Nguyễn Thọ Tuyển nhấn mạnh thêm.
Ninh Nhi
Theo