(Xây dựng) - Mặc dù sự cố đối với 3 tủ điện tại phòng điều khiển đã xảy ra từ tháng 8/2019, nhưng đến nay nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng tại thành phố Thái Nguyên vẫn chưa thể vận hành bởi chưa thể khôi phục, lộ nhiều góc khuất.
Toàn cảnh nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng. |
Đội vốn khủng
Dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải phía Bắc thành phố Thái Nguyên được thực hiện theo Nghị định thư Việt Pháp năm 1998 và tỉnh Thái Nguyên phê duyệt thực hiện từ năm 2000, với tổng mức đầu tư là 231,62 tỷ đồng.
Dù vậy, dự án vẫn chưa thể triển khai, nên đến năm 2007, dự án tiếp tục được phê duyệt điều chỉnh bổ sung với tổng mức đầu tư hơn gấp đôi: 579,90 tỷ đồng. Và rồi, 5 năm sau, năm 2012, UBND tỉnh Thái Nguyên lại tiếp tục phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư tiếp tục tăng gấp đôi, lên đến gần 1.000 tỷ đồng (950,489 tỷ đồng). Trong đó, vốn vay ODA của Cộng hòa Pháp trên 412 tỷ đồng, vốn đối ứng từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương là trên 530 tỷ đồng, được giao cho Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển hạ tầng Thái Nguyên làm chủ đầu tư.
Dự án được thực hiện trong phạm vi khoảng 1.200ha, trong địa phận 9 phường của khu trung tâm phía Bắc thành phố Thái Nguyên, với mục tiêu cải thiện vệ sinh môi trường, chống ngập úng cục bộ và thu gom, xử lý nước thải phục vụ cho khoảng 100.000 dân thuộc vùng dự án.
Mặc dù được xác định là dự án trọng điểm của tỉnh, song đây cũng là một trong những dự án gây nhiều bức xúc trong dư luận địa phương, bởi việc chậm tiến độ kéo dài, thi công hệ thống phá nát đường giao thông… khiến nhiều người lo ngại về việc sự lạc hậu của thiết bị, công nghệ.
Sau nhiều lần trễ hẹn, từ đầu năm 2018, dự án thoát nước và xử lý nước thải thành phố Thái Nguyên chính thức hoạt động. Thế nhưng, từ cuối tháng 8/2019, nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng gặp sự cố do 3 tủ điện bị cháy khiến toàn bộ hệ thống “tê liệt”.
Chậm xử lý sự cố
Trao đổi với báo chí, ông Trương Văn Dũng - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên (đơn vị chủ đầu tư) cho biết: Việc chậm xử lý sự cố nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng do công tác điều tra nguyên nhân kéo dài hơn 3 tháng. Thêm vào đó, quá trình khắc phục sự cố khá phức tạp, liên quan đến nhiều đơn vị và thiếu kinh phí.
Đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên thông tin thêm: Đơn vị đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các văn bản để tiếp tục trình cấp trên và cơ quan liên quan giúp đỡ và hoàn thiện các thủ tục để được vay vốn thực hiện việc xử lý sự cố nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng.
Đến ngày 27/3, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có cuộc họp với các sở, ngành, địa phương liên quan để bàn phương án khắc phục sự cố nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng, nhưng “lối ra” vẫn chưa tỏ.
Nghi ngại
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng là hạng mục cuối cùng của dự án nghìn tỷ hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Thái Nguyên đã hoàn thành và được đưa vào vận hành thử nghiệm từ đầu năm 2018, dưới sự hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật của các nhà thầu Pháp. Nhà máy thiết kế với công suất 8.000m3/ngày đêm, tổng giá trị xây lắp là 72,8 tỷ đồng, giá trị thiết bị là 6,975 triệu Euro (tương đương 203,7 tỷ đồng).
Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều hạng mục, công đoạn của dự án (trong đó có nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng) vẫn chưa được các bên nhà thầu, nhà cung cấp vật tư thiết bị bàn giao cho chủ đầu tư và thực hiện quyết toán.
Chính vì lẽ đó, việc xử lý, khắc phục sự cố của nhà máy phải có kết luận điều tra chính thức của cơ quan chức năng về phòng cháy chữa cháy tỉnh Thái Nguyên và sự thống nhất của các bên liên quan, gồm: Cơ quan Kinh tế Pháp, Ban Quản lý dự án, Tư vấn Berim, nhà thầu cung cấp thiết bị Suez, nhà thầu lắp đặt phía Việt Nam...
Ngoài ra, vấn đề trách nhiệm thuộc bên nào và cơ quan nào sẽ phải chi trả nguồn tiền (khoảng trên 7 tỷ đồng) để khắc phục sự cố cũng là nguyên nhân khiến việc chậm xử lý càng thêm mất nhiều thời gian và dễ đi vào ngõ cụt.
Hậu quả của việc chậm khắc phục sự cố cháy tủ điện tại nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng không những làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường cho sông Cầu, không đảm bảo việc làm cho cán bộ, công nhân vận hành hệ thống thoát nước và xử lý nước thải… mà còn khiến dư luận đặt nghi vấn về chất lượng, sự lạc hậu của thiết bị, vì Nghị định thư Việt Pháp đã ký từ hơn 20 năm trước.
Không những vậy, việc có hay không Ban lãnh đạo và bộ phận kế toán Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên trong quá trình thực hiện dự án nghìn tỷ đã biến tấu, rút hàng tỷ đồng sai phạm, tư túi, tham nhũng để chia chác (như trong 8 phiếu thu, số tiền sai phạm mà 3 vị lãnh đạo Công ty đã chia chác là 4,79 tỷ đồng); hay mua hóa đơn của cơ quan thuế thông qua hợp đồng với một số cá nhân, với số tiền trên 5 tỷ đồng… đến nay vẫn chưa có câu trả lời từ các cơ quan chức năng?
Lễ ký kết dự án nước thải phía Nam thành phố Thái Nguyên năm 2015. |
Mặc dù dự án với vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng vẫn đang “chết” sau thời gian ngắn chạy thử thì một dự án khác, tương tự có tổng mức đầu tư 439 tỷ đồng, tương đương 18,8 triệu euro (trong đó, vốn vay ODA của Chính phủ Vương quốc Bỉ là 252 tỷ đồng, tương đương 10,8 triệu euro) đã được chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên và nhà thầu Sodraep (Vương quốc Bỉ) ký kết từ tháng 12/2015, đến nay vẫn chưa thi công hạng mục nào.
Trước thực tế trên, dư luận tại Thái Nguyên lo ngại: Liệu có không một hành trình đội vốn và sai phạm tại dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu trung tâm phía Nam thành phố Thái Nguyên như đã từng xảy ra?
Thái Nguyên Nhân
Theo