(Xây dựng) - Theo kế hoạch, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên sẽ thực hiện sáp nhập các điểm trường, trường tiểu học và trung học cơ sở với số kinh phí cần trên 160 tỷ đồng cho bổ sung phòng học.
Đối với cấp trung học cơ sở, năm học 2022-2023 Thái Nguyên có 2.161 lớp, giảm 27 lớp so với năm học 2021-2022. Số giáo viên cũng sẽ giảm 51 người. |
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2021-2022, tỉnh Thái Nguyên có 194 trường mầm non, phổ thông có điểm trường lẻ (với tổng số 338 điểm trường lẻ); tổng số học sinh ở các điểm trường lẻ là trên 32 nghìn học sinh. Trong đó, 184 điểm trường lẻ có khoảng cách từ trên 2-5km so với điểm trường chính, 71 điểm trường lẻ có khoảng cách từ 5-10km và 13 điểm trường lẻ có khoảng cách trên 10km. Phần lớn các điểm trường lẻ chưa có đủ phòng chức năng và nhà công vụ, cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học còn thiếu, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập của học sinh.
Thống kê cho thấy: Số phòng học tại các trường lẻ là 1.410 phòng; trong đó có 499 phòng học kiên cố, 856 phòng học bán kiên cố, 55 phòng học nhờ, mượn. Sau khi tiến hành rà soát và thống nhất với các địa phương, ngành Giáo dục và Đào tạo thống nhất trong giai đoạn 2021-2025, thực hiện sáp nhập 49 điểm trường (mầm non 28, tiểu học 21 điểm) sáp nhập 38 trường tiểu học và trung học cơ sở thành 9 trường liên cấp tiểu học, trung học cơ sở trên cùng địa bàn. Sáp nhập 16 trường cùng cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên dùng địa bàn thành 8 trường.
Cũng theo kế hoạch và chỉ tiêu, năm học 2022-2023 Thái Nguyên có tổng số 4.088 lớp cấp tiểu học, giảm 47 lớp so với năm học 2021-2022. Việc giảm số lớp của năm học 2022-2023 cũng sẽ giảm được 71 giáo viên.
Tương tự, đối với cấp trung học cơ sở, năm học 2022-2023 có 2.161 lớp, giảm 27 lớp so với năm học 2021-2022. Số giáo viên cũng sẽ giảm 51 người.
Nhằm chuẩn bị tốt cho năm học mới 2022-2023, ngày 23/5, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có chỉ đạo tới Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố yêu cầu: Khẩn trương xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể trong quý II/2022 để sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thu gọn điểm trường có đủ điều kiện trong giai đoạn 2022-2025, trong đó chỉ rõ thời gian thực hiện, nguồn lực thực hiện, các giải pháp thực hiện; tổ chức thực hiện kế hoạch, định kỳ trước ngày 30/11 hàng năm báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Văn bản của UBND tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: Các địa phương tăng cường nguồn lực đầu tư đáp ứng các điều kiện cần thiết để tiến hành sáp nhập trường, điểm trường, dồn ghép lớp.
Được biết, theo tính toán của ngành Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên: Việc thực hiện sáp nhập các điểm trường, trường tiểu học và trung học cơ sở sẽ cần số kinh phí trên 160 tỷ đồng.
Nguyễn Thành
Theo