(Xây dựng) - Theo kế hoạch, tại Kỳ họp lần thứ 20 dự kiến diễn ra vào ngày 6/9 tới đây, HĐND tỉnh Thái Nguyên sẽ thông qua quy định chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sống trên địa bàn.
Một hộ gia đình ở xóm Đồng Đình, xã Kim Phượng, huyện Định Hóa (Thái Nguyên) trồng được 15ha quế. |
Theo Báo cáo của UBND tỉnh Thái Nguyên ngày 20/8, hiện tỉnh có trên 384 nghìn người dân tộc thiểu số, chiếm 29,87% dân số toàn tỉnh. Các dân tộc thiểu số trên địa bàn Thái Nguyên không đồng đều, có 9 dân tộc có dân số trên 2.000 người (Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Mông, Mường, Thái, Hoa) các dân tộc có dân số ít chỉ chiếm 0,17% dân số toàn tỉnh.
Trong những năm qua, Thái Nguyên đã có nhiều chính sách đặc biệt quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thông qua các chương trình, dự án, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên dù có nhiều thay đổi, cuộc sống của đồng bào vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Các nguyên nhân nghèo được xác định chủ yếu là do diện tích đất ở, đất sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu. Bên cạnh đó là thiếu phương tiện, thiếu vốn sản xuất; hạn chế trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, kiến thức khoa học trong sản xuất…
Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719) đang được tỉnh Thái Nguyên triển khai thực hiện được coi là giải pháp cơ bản gỡ khó cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thiếu đất canh tác tại địa phương này.
Cụ thể Dự án 1 của Chương trình 1719 với 10 dự án thành phần là “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt”, đã và đang góp phần gỡ “điểm nghẽn” về thiếu đất sản xuất.
Được biết: Giai đoạn 2021 - 2025, nguồn vốn đầu tư Chương trình 1719 của tỉnh Thái Nguyên là gần 2.000 tỷ đồng. Đến cuối năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đã phân giao khoảng 850 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, lồng ghép các nguồn lực khác để thực hiện.
Đến nay, đã có hơn 200 hộ được giải ngân làm nhà ở, hơn 500 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, xây dựng 12 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ phát triển nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo sinh kế cho đồng bào. Đồng thời, tỉnh đã và đang xây dựng mới 222 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu; duy tu, bảo dưỡng 64 công trình cơ sở hạ tầng đã được đầu tư từ những năm trước.
Năm 2024, Chương trình số 1719 được triển khai trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên với số vốn đầu tư lên đến trên 645 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ đất ở cho 27 hộ dân, hỗ trợ nhà ở cho 153 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt cho trên 1.200 hộ, đầu tư xây dựng 9 công trình nước sinh hoạt tập trung... Từ đó, góp phần duy trì mỗi năm giảm 2% hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; 96% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào.
Song song với việc giải quyết tình trạng thiếu đất canh tác, tỉnh Thái Nguyên luôn chú trọng phát triển sản xuất nhằm tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, tỉnh thực hiện lồng ghép các nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn từ Chương trình số 1719 để hỗ trợ bà con thực hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Đến nay, nhiều mô hình phát huy hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Thống kê cho thấy, năm 2023, toàn tỉnh Thái Nguyên giảm 1% hộ nghèo, xuống còn 3,35%, trong đó, giảm được 2,1% hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số.
Tỉnh Thái Nguyên kỳ vọng với việc thông qua quy định chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số cụ thể hóa các chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước tại địa phương theo quy định tại Khoản 6 Điều 16 Luật Đất đai năm 2024 sẽ góp phần thúc đẩy sinh kế bền vững cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn.
Đinh Vũ
Theo