(Xây dựng) - Nghị quyết 20-NQ/TU ngày 27/11/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 đặt mục tiêu: Đến hết năm 2024, toàn tỉnh không còn hộ nghèo và giảm 50% hộ cận nghèo theo quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh; đến năm 2025 Quảng Ninh không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững 9 tháng đầu năm 2024, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm, ngày 02/10/2024. (Ảnh: QMG) |
Năm 2023, Quảng Ninh đã hoàn thành sớm trước 3 năm so với yêu cầu của Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo tiêu chí quốc gia. Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2021 là 0,41%, tương đương 1.526 hộ nghèo; năm 2022 giảm còn 0,067%, tương đương 258 hộ nghèo; năm 2023 toàn tỉnh không còn hộ nghèo, hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 do Chính phủ quy định.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh không còn xã đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới của Trung ương. 100% các hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo đều có nhà ở kiên cố; được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó tỷ lệ hộ DTTS sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn QCVN 01-1:2018/BYT đạt 67,17%; được dùng lưới điện quốc gia và phủ sóng điện thoại di động;...
Tính đến hết năm 2023, riêng thu nhập bình quân đầu người tại 67 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh Quảng Ninh (là khu vực tập trung nhiều hộ nghèo nhất trong tỉnh) đã đạt 73,348 triệu đồng/người/năm; tăng 1,7 lần so với năm 2020; cao hơn khoảng 1,23 lần so với thu nhập bình quân đầu người cả nước và cao hơn khoảng 2,8 lần so với mục tiêu chung đến năm 2025 của cả nước.
Để đảm bảo hài hòa tối đa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững, tỉnh Quảng Ninh đã nâng cao tiêu chí, quy chuẩn nghèo mới, cao hơn 1,4 lần so với tiêu chí quốc gia, áp dụng riêng trên địa bàn tỉnh với quyết tâm tiếp tục thực hiện mạnh mẽ mục tiêu giảm nghèo đa chiều, hạn chế tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới.
Ngày 30/3/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025 (trong đó, tiêu chí thu nhập ở khu vực thành thị là 2.600.000 đồng/người/tháng và khu vực nông thôn là 2.100.000 đồng/người/tháng).
Theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025, đầu năm 2023, Quảng Ninh còn 246 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,064%; 3.066 hộ cận nghèo, chiếm 0,797% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh đã giảm được 165 hộ nghèo (giảm 0,046%) và 1.142 hộ cận nghèo (giảm 0,313%).
Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND, năm 2024 tỉnh Quảng Ninh không còn hộ nghèo, giảm 50% số hộ cận nghèo theo quy định chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh.
Tuyên truyền chính sách giảm nghèo tới người dân là đồng bào DTTS xã Quảng An (huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh) |
Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Quảng Ninh đang bước vào giai đoạn thực hiện các mục tiêu của chuẩn nghèo đa chiều mới theo hướng cao hơn mức chuẩn nghèo của Trung ương. Các cấp ngành, địa phương của tỉnh nỗ lực thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, nhất là tại vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, với mục tiêu cốt lõi và cao nhất xóa nghèo của tỉnh là nâng cao thu nhập cho người dân.
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành, triển khai hàng loạt các Nghị quyết về xây dựng chương trình nông thôn mới, cũng như về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh Quảng Ninh; các chính sách về văn hóa, giáo dục, y tế, nhà ở, đất sản xuất trong triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Theo đó, nhờ thực hiện tốt những chính sách quan trọng này, hàng nghìn hộ cận nghèo, hộ nghèo trong tỉnh đã vươn lên thoát nghèo bền vững, nhất là đồng bào vùng DTTS.
Điển hình như giai đoạn 2016-2020, Quảng Ninh đã chủ động vận dụng cách làm đổi mới, sáng tạo để nâng cao đời sống của đồng bào sinh sống tại địa bàn vùng sâu, vùng khó khăn thông qua Chương trình 135. Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 196/QĐ-UBND phê duyệt đề án "Nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017 -2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh" (Đề án 196). Trong giai đoạn này, tỉnh Quảng Ninh đã bố trí hơn 1.776 tỷ đồng và hơn 397 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách xã hội để thực hiện Đề án 196. Sau 3 năm thực hiện Đề án 196, đến hết năm 2019, tất cả 22 xã, 11 thôn của tỉnh đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành trước kế hoạch 1 năm.
Tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm triển khai hiệu quả chương trình cho vay tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác để phát triển kinh tế, đây cũng là một trong những chính sách giảm nghèo vùng đồng bào DTTS được tỉnh triển khai hiệu quả những năm qua. Trong 2 năm 2021 và 2022, tỉnh đã phân bổ gần 200 tỷ đồng vốn ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay, giải quyết việc làm tại 64 xã thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, giúp hàng trăm hộ gia đình phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống. Từ năm 2021 đến tháng 5/2024 từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ cho 4.381 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay 301,2 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn này, các hộ nghèo, hộ cận nghèo có thêm nguồn vốn phát triển sản xuất, tạo thêm thu nhập, thoát nghèo bền vững.
Ngoài ra, chính sách hỗ trợ khác dành cho hộ nghèo, cận nghèo như: Cấp thẻ BHYT, hỗ trợ cước thuê bao điện thoại di động, khám chữa bệnh, học phí, điện sinh hoạt... cũng được tỉnh quan tâm, thực hiện đầy đủ.
Bên cạnh những chính sách hỗ trợ dành cho hộ nghèo, cận nghèo, tỉnh Quảng Ninh đồng thời quan tâm phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo nghề cho lao động trẻ, tập huấn, tư vấn tuyển sinh đào tạo, đưa lao động đi làm việc… để chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế nông thôn, gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức viên chức là người DTTS và người công tác tại vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo…
Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh quan tâm, hỗ trợ người dân, nhất là khu vực vùng cao, hải đảo, biên giới, đồng bào DTTS về nhà ở, đất sản xuất. Thực hiện chương trình xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát, Sở Xây dựng đã chủ trì, cùng các Sở, ngành, địa phương tập trung phối hợp rà soát kỹ tiêu chí về nhà ở tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh, không phân biệt đối tượng, vùng miền; chủ hộ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2023-2025 của tỉnh, người khuyết tật, neo đơn không có sức lao động.
Kết quả, năm 2023 tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát cho 441 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn (260 nhà xây mới, 181 nhà sửa chữa), tổng kinh phí từ nguồn xã hội hóa là 32,96 tỷ đồng.
Gia đình anh Nguyễn Thành Họa (khu Quang Trung, phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều) được hỗ trợ xây nhà mới. |
Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2024, Quảng Ninh đặt mục tiêu không còn hộ nghèo, giảm sâu hộ cận nghèo. Ngày 2/10/2024, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức họp đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm của tỉnh.
Tại cuộc họp, theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh, các chế độ chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo được thực hiện đồng bộ, kịp thời, đầy đủ; với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kết quả triển khai giai đoạn những tháng đầu năm 2024 rất khả quan, bám sát kế hoạch, mục tiêu đã đề ra. Hết 8 tháng năm 2024, toàn tỉnh giảm 226/246 hộ nghèo, bằng 91,86% kế hoạch năm 2024; giảm 1.591 hộ cận nghèo, bằng 132,58% kế hoạch năm.
Tuy nhiên, đầu tháng 9 vừa qua, bão số 3 đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh đã gây ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản, trong đó có cả các hộ nghèo và cận nghèo, khiến nguy cơ tái nghèo, tái cận nghèo tăng cao do một số hộ gia đình có nguy cơ mất việc làm, khó khăn trong phát triển kinh tế. Điều này đang tác động rất lớn đến công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh. Hiện các địa phương đang tiến hành rà soát, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Phát biểu tại cuộc họp ngày 2/10/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy nhấn mạnh: Công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân luôn là mục tiêu trọng điểm, xuyên suốt trong quá trình phát triển của tỉnh.
Thực hiện mục tiêu đó, tỉnh Quảng Ninh đã rất nỗ lực, triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững theo tiêu chí của tỉnh, bảo đảm mức sống tối thiểu và các dịch vụ cơ bản đối với các hộ nghèo, cận nghèo. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động, nhất là lao động trẻ, lao động là người DTTS.
Để giữ vững mục tiêu đến năm 2025 Quảng Ninh không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương cần lập ngay Tổ rà soát, xác định chính xác, cụ thể, nhận định, dự báo nguy cơ, tình hình gia tăng các hộ nghèo, cận nghèo để làm cơ sở, có giải pháp kịp thời triển khai ngay các chính sách hiệu quả, mục tiêu xóa hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Trong quá trình thực hiện, cần định hình rõ thời gian, mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu, đề xuất các giải pháp cụ thể. Cần vận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân sau bão của Chính phủ và tỉnh; nghiên cứu thực hiện tái cơ cấu lại lao động; huy động thêm các nguồn lực xã hội để đồng hành cùng tỉnh triển khai hiệu quả nhiệm vụ này.
Tin tưởng rằng, với quyết tâm vượt qua khó khăn, kiên định mục tiêu xóa nghèo bền vững theo tiêu chuẩn của tỉnh của cả hệ thống chính trị, cùng với những cách làm sáng tạo, quyết liệt, phù hợp, sẽ giúp Quảng Ninh hoàn thành được mục tiêu đề ra. Quảng Ninh sẽ tiếp tục là điểm sáng cả nước về công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân.
Hoàng My
Theo