(Xây dựng) - Với nhiều lý do khác nhau, 468 dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương đã được HĐND tỉnh Thái Nguyên thông qua việc kéo dài thời gian bố trí vốn.
Dự án Quảng trường Võ Nguyên Giáp, thành phố Thái Nguyên chưa hoàn thành do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. |
Theo đó, 58 dự án cấp tỉnh quản lý được kéo dài bố trí vốn có nguyên nhân do một số dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương nhưng do nguồn vốn ngân sách Trung ương không cân đối đủ theo dự kiến ban đầu, dẫn đến phải điều chỉnh vốn ngân sách địa phương để thực hiện dự án. Bên cạnh đó là một số dự án do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nên triển khai không đúng thời gian so với quyết định phê duyệt. Khả năng cân đối ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn trong khi nhiệm vụ chi của tỉnh là rất lớn nên việc bố trí vốn cho dự án chưa đảm bảo thời gian theo quy định.
Đáng chú ý trường hợp dự án cấp nước thị xã Sông Công đã hoàn thành năm 2015, quyết toán năm 2016, đã bố trí vốn 2016-2020 nhưng chủ đầu tư chậm giải ngân nên đã chuyển cho dự án khác.
Hay như dự án xây dựng và mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Pháp y: Năm 2017, UBND tỉnh quyết định tạm dừng. Năm 2018 bắt đầu thực hiện mua sắm thiết bị, năm 2020 khi ngành Y tế sắp xếp lại trụ sở của các đơn vị trực thuộc không đảm bảo được yêu cầu làm việc của Trung tâm Pháp y nên UBND tỉnh đồng ý cho tiếp tục xây dựng trụ sở làm việc.
Trong khi đó, đối với Tiểu dự án bồi thường giải phóng mặt bằng công trình đường trục nối ĐT 261 đến khi vực đền Gàn, hồ Núi Cốc huyện Đại Từ: Vay ngân sách hơn 73 tỷ đồng đã trả dân và bàn giao mặt bằng, bố trí vốn để hoàn trả vay ngân sách; còn nợ giải phóng mặt bằng tuyến đường chính và khu tái định cư và bố trí vốn xây dựng khu tái định cư…
Đối với dự án Quảng trường Võ Nguyên Giáp, thành phố Thái Nguyên: Dự án chưa hoàn thành do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; năm 2021 không ghi vốn, yêu cầu quyết toán và kết thúc dự án.
Trong số 410 dự án cấp huyện quản lý được gia hạn bố trí vốn có nguyên nhân từ năng lực đơn vị tư vấn lập dự án còn hạn chế, nhiều dự án được lập và phê duyệt chưa sát khả năng thực hiện, phải điều chỉnh, bổ sung thiết kế, dự toán. Khả năng cân đối ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn trong khi nhiệm vụ chi lớn, và nguyên nhân từ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Đối với những dự án được kéo dài thời gian bố trí vốn, tỉnh Thái Nguyên xác định phải tuân thủ đúng quy định tại khoản 4, Điều 101, Luật Đầu tư công; đồng thời các địa phương, đơn vị có trách nhiệm ưu tiên bố trí đủ vốn đảm bảo dự án thực hiện và hoàn thành đúng thời gian theo quy định.
Để khắc phục những tồn tại, bất cập về bố trí vốn đầu tư, ngày 17/9/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản yêu cầu thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, đề xuất, tham mưu phân bổ nguồn vốn đảm bảo đúng quy định pháp luật về đầu tư công; các dự án khi triển khai phải được thẩm định, phân tích làm rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, được bố trí trong vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng đề xuất chủ trương đầu tư, thẩm định các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư phải đảm bảo tính đúng, tính đủ, đúng định mức, có đầy đủ cơ sở tính toán về tổng mức đầu tư, dự toán theo quy định pháp luật đầu tư xây dựng, hạn chế tối đa việc điều chỉnh, bổ sung phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.
Nguyễn Thành
Theo