(Xây dựng) - Mới đây, tại Khu công nghiệp Tiên Sơn (Bắc Ninh), Tập đoàn Hòa Bình đã khánh thành đoạn cao tốc mẫu xây dựng theo công nghệ mới nhất và thử nghiệm vận hành tàu dát vàng chạy ở đường sắt trên cao
Chính thức được khánh thành sau thời gian dài chuẩn bị, mẫu đường sắt đô thị trên cao và đường cao tốc chịu lực bằng cọc bê-tông ly tâm V+ là các sản phẩm của Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng nhà ở xã hội Hòa Bình được Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả vào các ngày 15 và 25/12/2023. |
Phát biểu tại lễ khánh thành đoạn đường mẫu, ông Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình cho biết, nhiều năm qua ông trăn trở làm sao để Việt Nam có thể phát triển được các ngành sản xuất và dịch vụ mạnh mẽ hơn, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, bên cạnh nhiều dự án về nhà ở, khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp, Công ty của ông đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất.
Trước nhu cầu về phát triển hệ thống đường cao tốc, ông Đường đã chỉ đạo thành lập bộ phận nghiên cứu có sự tham gia của chuyên gia trong và ngoài nước với mục tiêu làm sao có thể xây dựng được những tuyến đường bền đẹp, hiện đại và giá rẻ.
Đại diện Tập đoàn Hòa Bình thông tin, ngày 30/8/2023, Tập đoàn đã thành lập Ban quản lý Dự án đường mẫu đường cao tốc Bắc Nam. Sau 81 ngày vừa khảo sát, thiết kế, thi công, doanh nghiệp đã hoàn thành xong 2 tuyến đường mẫu: Đường cao tốc đồng bằng và vùng núi; Đường cao tốc trên nền đất yếu khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Đường cho biết, đường mẫu được xây dựng theo phương pháp hiện đại nhất, tiết kiệm nhất của Trung tâm thiết kế, thí nghiệm và thử nghiệm của Tập đoàn Hòa Bình. Đường cao tốc chịu lực trên các cọc ly tâm và bê tông cốt thép mác 800, đường kính ø 300mm, tải trọng đầu cọc 100 tấn/cọc; Hệ khung, dầm bê tông cốt thép dày 600mm; Sàn bê tông, cốt thép dày 410mm; Nhựa đường 8cm; nhựa chặt ø 16mm; 8 cm nhựa Polyme, 2,2 cm nhựa tạo nhám.
Cũng theo ông Đường, nền đường không đất kiểu tấm cọc được sử dụng trong dự án là một kết cấu xây dựng nền đường rỗng cứng mới bao gồm "cọc" và "tấm". Tấm đúc sẵn được cố kết với các cọc cầu và kết cấu phụ cột thông qua việc đúc sau. So với nền đường truyền thống, nền đường kết cấu cọc có độ cứng cao hơn và độ lún nhỏ hơn, đồng thời không yêu cầu chiều rộng phân loại cần thiết trong quá trình thi công nền đường truyền thống. Tại công trường thử nghiệm, Tập đoàn Hòa Bình còn đưa ra giải pháp xây dựng cả nhà giá rẻ ngay dưới gầm của tuyến đường, tiết kiệm đất đai.
Đường cao tốc có 2 làn xe chạy rộng 9m, dài 100m. Dải phân cách ở giữa là đường sắt trên cao chịu tải trọng bằng cọc bê-tông dự ứng lực. Đường sắt trên cao đã lắp đường ray dài 100m, rộng 4,1m; Đầu tàu dài 3,8m và toa tàu dài 11,5m, rộng 2,8m có thể chở 100 người, tốc độ 100 km/h.
Về ưu điểm, đường cao tốc trên cao sẽ không phải đền bù giải phóng mặt bằng diện tích đất 2 bên đường, diện tích sử dụng đất sẽ bằng đúng diện tích xây dựng, nên tiết kiệm được từ 200%-300% so với đường cao tốc đang thi công tại Việt Nam.
Hiện, Tập đoàn Hòa Bình đã ứng dụng kỹ thuật đường cao tốc chịu lực bằng cọc bê-tông ly tâm V+ vào dự án đường cao tốc đoạn ‘Lộ Tẻ- Rạch Sỏi’ và tại địa bàn Xuân Cầu, Lạch Huyện, thành phố Hải Phòng.
Ông Christian Bargmann - đại diện Tập đoàn Rieckermann là nhà cung cấp dịch vụ của Đức có mặt tại sự kiện cho hay, Singapore đã đi theo con đường này, bắt đầu hoàn thiện tòa nhà chung cư với 1074 căn hộ từ công nghệ này vào năm 2013. Tiếp đó là Malaysia, Indonesia và chẳng bao lâu nữa Việt Nam sẽ có bước phát triển về lĩnh vực này. Công nghệ xây dựng hiện đại nhằm mục đích tiết kiệm tài nguyên và giảm chất thải. Sử dụng các vật liệu và khái niệm thay thế. Công trường xây dựng sạch sẽ và nhanh chóng, giảm tác động đến môi trường xung quanh.
Nội thất sang trọng bên trong tầu điện dát vàng của Tập đoàn Hòa Bình. |
Tại lễ khánh thành đường mẫu, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI) đánh giá cao tâm huyết của ông Nguyễn Hữu Đường trong việc tự nghiên cứu, sáng tạo ứng dựng công nghệ mới vào xây dựng đường giao thông.
TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định, cách làm đường hiện nay đang thực sự gây ô nhiễm rất lớn đến môi trường, thậm chí không ít nơi đã tàn phá thiên nhiên, phá bỏ nhiều dãy núi, cánh rừng.
“Khánh thành tuyến đường thử nghiệm khẳng định thành công bước đầu trong ứng dụng công nghệ mới. Công nghệ làm đường cũ đã quá lạc hậu và chúng ta buộc phải thay đổi. Tôi mong các cơ quan chức năng như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học Công nghệ... sớm quan tâm nghiên cứu các kết quả này để đưa vào ứng dụng, triển khai trong thực tế”, ông Nghĩa đề xuất.
Kiến Tài
Theo