(Xây dựng) - Ngày 20/3, tại Khu công nghiệp Tiên Sơn (Tiên Du, Bắc Ninh), Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng nhà ở xã hội Hòa Bình tổ chức Lễ công bố quyền tác giả Đường sắt đô thị trên cao chịu lực bằng cọc bê tông ly tâm V+, đồng thời, khánh thành đường tàu điện vàng trên cao.
Sau thời gian dài chuẩn bị, mẫu đường tàu điện vàng trên cao chịu lực bằng cọc bê tông ly tâm V+, các sản phẩm của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng nhà ở xã hội Hòa Bình đã được Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả. |
Theo đó, từ ngày 25/9/2023, mẫu đường tàu điện vàng trên cao trên cọc bê tông dự ứng lực thiết kế và thi công xong đã được nghiệm thu tại nhà máy Đường Malt, Khu công nghiệp Tiên Sơn.
Mô hình của mẫu đường tàu điện vàng trên cao. |
Đường tàu điện vàng trên cao có độ cao 50cm, trên cốt 0.0 và được thử tải bằng 2 xe tải trọng 20 tấn/xe trong 48 giờ. Dải phân cách ở giữa là đường sắt chịu tải trọng bằng cọc bê tông dự ứng lực; có đường ray dài 100m, rộng 4,1m; đầu tàu dài 3,8m và toa tàu dài 11,5m, rộng 2,8m có thể chở 100 người, tốc độ 100 km/h đã được thi công xong, nghiệm thu và chạy thử tại nhà máy Đường Malt, Khu công nghiệp Tiên Sơn, Bắc Ninh.
Về ưu điểm, mẫu đường tàu điện vàng trên cao sẽ không phải đền bù giải phóng mặt bằng diện tích đất 2 bên đường, diện tích sử dụng đất sẽ bằng đúng diện tích xây dựng, nên tiết kiệm được từ 200-300% so với đường cao tốc đang thi công tại Việt Nam.
Những hành khách đầu tiên trải nghiệm tàu điện trên cao. |
Theo ông Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng nhà ở xã hội Hòa Bình: Đường sắt đô thị trên cao và đường cao tốc chịu lực bằng cọc bê tông ly tâm V+ là các dự án tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm chi phí và thân thiện với môi trường.
Với những nghiên cứu mang tính đột phá này, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng nhà ở xã hội Hòa Bình mong muốn mang những sản phẩm từ sức sáng tạo thông minh, trí tuệ của người Việt Nam góp phần phát triển hệ thống giao thông quốc gia trong thời gian tới.
Dự án đường tàu điện vàng trên cao chịu lực bằng cọc bê tông ly tâm V+ của Công ty Hòa Bình, sẽ dùng ngay giải phân cách giữa đường để ép cọc bê tông ly tâm, không tốn tiền giải phóng mặt bằng. Mặt khác, chi phí đầu tư, thời gian thi công đều được rút ngắn, việc vận hành được tự động hóa sẽ giúp khấu hao nhanh, giá vé thấp, phù hợp với thu nhập của người dân.
Hiện, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng nhà ở xã hội Hòa Bình đã ứng dụng kỹ thuật đường cao tốc chịu lực bằng cọc bê tông ly tâm V+ vào dự án đường cao tốc đoạn “Lộ Tẻ - Rạch Sỏi” và tại địa bàn Xuân Cầu, Lạch Huyện, thành phố Hải Phòng.
Nguyên Khánh
Theo