(Xây dựng) - Đây là chủ đề của Diễn đàn thứ tư trong 5 diễn đàn thuộc khuôn khổ Tuần lễ ngành Nước Việt Nam – Úc 2021. Diễn đàn được Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) và Hội Nước Úc (AWA) đồng tổ chức chiều 16/9, theo hình thức trực tuyến.
Đại biểu tham gia Diễn đàn. |
Tại Diễn đàn “Tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia vào ngành Nước”, các diễn giả trong nước và quốc tế đánh giá tiến trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp ngành Nước ở Việt Nam, cũng như việc vận hành, định giá và quy định trong ngành Nước tại Úc.
Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết: Việt Nam bắt đầu CPH các doanh nghiệp cấp nước từ năm 2005. Tới năm 2017 - 2018 đã CPH 101 doanh nghiệp trong tổng số 111 doanh nghiệp cấp nước Nhà nước, với tỷ lệ bình quân vốn Nhà nước còn 75%.
Đặc biệt, thời kỳ này cũng xuất hiện công ty cấp nước tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài tham gia một số công ty cổ phần.
Tuy nhiên, đến tháng 8/2021, qua đánh giá thực tiễn và xét tính chất quan trọng của mặt hàng đặc biệt là nước sạch đối với sinh hoạt và sản xuẩt, Chính phủ tạm dừng thoái vốn tại các doanh nghiệp cấp nước và điều chỉnh là Nhà nước sẽ nắm giữ 50% vốn điều lệ trong lĩnh vực khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch.
“Chính sách thiếu nhất quán, liên tục thay đổi trong nhiều năm đã tạo áp lực cho doanh nghiệp” - ông Nguyễn Tiến Thỏa nói. Đồng thời, ông này cũng đưa ra một số đề xuất về thể chế, công nghệ và vốn đầu tư, trong đó đặc biệt đề nghị Nhà nước giữ sở hữu từ 30 - 35%, tối đa dưới 50% tại doanh nghiệp cấp nước.
Tại Diễn đàn, các diễn giả từ Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề cập đến điều kiện, năng lực của doanh nghiệp cấp nước và định hướng xã hội hóa ngành Nước Việt Nam.
Phó Đại sứ Úc Mark Tattersall cho biết: Ở Úc, trong những năm 90 của thế kỷ trước, ngành Nước do Chính phủ Úc sở hữu toàn bộ và vận hành, được trợ cấp hoàn toàn. Tuy nhiên, hoạt động của ngành Nước không hiệu quả, do đó không có năng lực xử lý những thái cực mới trong biến đổi khí hậu.
Sau nhiều cải cách lớn, đầu tư quy mô và nỗ lực giữa các bên, ngành Nước của Úc đã dần phát triển mạnh mẽ, linh hoạt, hiệu quả, có trách nhiệm và hướng đến khách hàng hơn, dù còn nhiều thách thức, đòi hỏi phải có chỉ đạo từ cấp quốc gia, cần sự hợp tác từ các cấp.
Đại diện phía Úc, nhà phân tích chính của IPART, ông Justin Robinson cho biết: IPART là cơ quan thẩm định giá và quy định độc lập của bang New South Wales.
IPART điều tiết hiệu suất và giá nước khi các công ty cấp nước độc quyền trở thành doanh nghiệp Nhà nước nhằm giúp doanh nghiệp bền vững về tài chính, duy trì giá cả phải chăng cho khách hàng đồng thời đảm bảo chất lượng dịch vụ cấp thoát nước.
“IPART nhận thấy việc điều tiết kinh tế có hiệu quả nhất khi cả cơ quan quản lý và Ban quản lý công ty độc lập với Chính phủ”, ông Robinson nói.
Chia sẻ về thực tế tại Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), ông Đặng Công Khôi đã giới thiệu Thông tư số 44/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt, có hiệu lực thi hành từ 5/8/2021.
Đại diện Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương cũng nêu những thuận lợi và hạn chế trong hoạt động doanh nghiệp trước và sau CPH, cùng như một số kiến nghị liên quan đến xây dựng chính sách và nhà đầu tư nước ngoài.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến nay, tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 90%, tăng 5 điểm phần trăm so với năm 2016. Như vậy, Việt Nam cơ bản đạt được các chỉ tiêu theo Điều chỉnh Định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.
Tháng 8/2020, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị, giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, xây dựng Luật Quản lý cấp nước sạch. Chỉ thị cũng nêu các định hướng chính sách trong cấp thoát nước và xử lý nước thải...
Trước đó, tại Diễn đàn “An toàn cấp nước cho phát triển bền vững: Chính sách và an toàn cấp nước” (cũng thuộc khuôn khổ Tuần lễ ngành Nước Việt Nam – Úc), Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Xây dựng), bà Đỗ Thị Nguyệt Ánh bày tỏ: Việt Nam mong muốn các đối tác Úc hỗ trợ kỹ thuật như xây dựng Luật Cấp nước, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn về cấp nước an toàn. Doanh nghiệp ngành Nước hai bên được khuyến khích xúc tiến thương mại, hợp tác kinh doanh và chuyển giao các công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.
Các đại biểu tham gia Diễn đàn. |
Việt Nam cũng mong nhà đầu tư Úc tham gia đầu tư các chương trình, dự án cấp nước quy mô liên vùng, liên tỉnh theo hình thức phù hợp, nhất là đầu tư theo hình thức công – tư (PPP).
Đề xuất nói trên phải chăng chính là mong muốn sớm có chính sách phù hợp, tạo điều kiện các nhà đầu tư tư nhân tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực cấp nước?
Hải Nguyễn – Mai Thu
Theo