(Xây dựng) - Một trong những giải pháp được Bộ Công Thương cùng hệ thống thương vụ ở nước ngoài xác định trong thời gian tới là tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường cho các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo, qua đó thúc đẩy ngành công nghiệp này phát triển.
Tăng cường xúc tiến thương mại giúp mở rộng thị trường cho sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo. (Ảnh minh họa) |
Đa dạng hình thức hỗ trợ doanh nghiệp
Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ ở nước ngoài tháng 7/2024 với chủ đề “Xúc tiến thương mại phát triển thị trường sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo” vừa diễn ra, đại diện Bộ Công Thương cho biết, công nghiệp chế biến, chế tạo luôn được đánh giá là một trong những ngành kinh tế chủ chốt, đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy thương mại, xuất khẩu.
Duy trì đà phục hồi từ cuối năm 2023 và những tháng đầu năm nay, sản xuất công nghiệp tiếp tục cho thấy sự khởi sắc, đóng góp tích cực đối với kết quả tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định vai trò dẫn dắt với tốc độ tăng 8,67%, đóng góp 2,14 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2023. Nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu ước đạt 160,3 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023 và tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu (84,3%) trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu.
Để có được kết quả tích cực đó một phần bởi thời gian qua, Bộ Công Thương - với vai trò là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại - đã tích cực hỗ trợ triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm đa dạng hóa nguồn cung, đối tác, phát triển thị trường cho sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo; tăng cường xúc tiến thương mại; tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành ứng phó với các rào cản và các biện pháp phòng vệ thương mại.
Đáng chú ý, theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, thông qua “Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ”, thời gian qua, Cục Công nghiệp đã triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, có cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Các hoạt động hỗ trợ điển hình như hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; kết nối với các tập đoàn lắp ráp đa quốc gia và các nhà cung ứng lớp trên thế giới nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI…
Dù vậy, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp xác nhận, quy mô chủ yếu của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ, chiếm gần 90%, nên đa số có trình độ công nghệ, quản lý thấp, nguồn nhân lực hạn chế…, khó có thể đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của đối tác về tiêu chuẩn, chất lượng, giá thành, thời gian giao hàng.
Bên cạnh đó, sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp cũng đang kìm hãm sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ. Các doanh nghiệp trong nước chưa tham gia được sâu vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp đầu chuỗi và doanh nghiệp nước ngoài.
Doanh nghiệp cần đẩy mạnh đổi mới sáng tạo
Nhìn nhận về triển vọng những tháng cuối năm, Bộ Công Thương cho rằng, bối cảnh quốc tế và trong nước có những yếu tố thuận lợi, song sản xuất và thương mại vẫn đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Đó là căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng; sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm; rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu, giá cước vận tải tăng cao tác động trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; các doanh nghiệp công nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục gặp khó trong việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường do chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí tuân thủ cao (đặc biệt với các quy định, tiêu chuẩn mới).
Trong bối cảnh đó, nhiều đại biểu cho rằng, sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đóng vai trò rất quan trọng để thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, trong đó có công nghiệp hỗ trợ tiếp tục phát triển. Một trong những giải pháp quan trọng là cần tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng đơn hàng xuất khẩu, khơi thông lượng hàng hóa tồn kho cho doanh nghiệp.
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, thời gian tới, Thương vụ sẽ tiếp tục phối hợp kết nối, giới thiệu đối tác, tổ chức tham dự Hội chợ chuyên đề, như phối hợp Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) tham dự Hội chợ Fabtech 2024 vào từ 13 - 22/10 tại Orlando; Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí điện Hamee tham dự Hội chợ IMTS do Hiệp hội Công nghệ sản xuất Hoa Kỳ tổ chức tại Chicago vào tháng 9.2024 và làm việc tại một số bang…
Ông Hưng cũng đề nghị, các doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học và công nghệ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng công nghệ trong mỗi sản phẩm, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Nguyễn Phú Hòa, Tham tán thương mại Việt Nam tại Australia lưu ý, nếu muốn phát triển tại thị trường Australia, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần đặt ưu tiên hàng đầu đối với chất lượng sản phẩm.
Cùng với đó, doanh nghiệp cần tích cực đầu tư nguồn lực tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là bố trí tham gia các sự kiện hội chợ uy tín của Australia liên quan tới các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo như Hội chợ đồ nội thất, hội chợ đồ điện tử, công nghệ… Việc tham gia hội chợ sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận thêm đối tác, nhà nhập khẩu, đồng thời nắm bắt được xu hướng sản phẩm, nhu cầu thị hiếu thị trường.
Hoàng Hồng
Theo