Điểm mới nổi bật của việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014 là cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng.
Theo Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng), mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014 là tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn công tác đầu tư xây dựng; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Theo đó, dự án Luật đã tập trung vào 3 nhóm chính sách: Thứ nhất, cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng; thứ hai, bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng; và thứ 3, hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trình bày Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: VGP/ Nhật Bắc |
Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh: “Luật Xây dựng sửa đổi lần này có rất nhiều mục tiêu, yêu cầu trong đó có liên quan đến vấn đề cải cách thủ tục hành chính, liên quan đến Chính phủ kiến tạo, tạo điều kiện cơ chế cho các chủ thể hoạt động xây dựng chủ động trong công việc của mình, từ đó rút ngắn và tiết kiệm được thời gian”.
Bổ sung quy định về lập, thẩm định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng
Điểm mới nổi bật trong chính sách về cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng của Dự thảo Luật là đã sửa đổi, bổ sung các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng và cấp phép xây dựng.
Theo quy định hiện hành tại Luật Xây dựng, nội dung, phạm vi, thẩm quyền thực hiện của cơ quan quản lý nhà nước, người quyết định đầu tư, tổ chức tư vấn về công tác thẩm định dự án chưa phù hợp với nguyên tắc: cơ quan quản lý nhà nước chỉ kiểm soát nội dung thuộc chức năng quản lý nhà nước về xây dựng như quy hoạch, quy chuẩn; người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, cơ quan tư vấn phải tự chịu trách nhiệm về các nội dung cụ thể về lập và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng.
Do vậy, tại Dự thảo Luật đã phân tách trách nhiệm, nội dung thẩm định để phê duyệt dự án của cơ quan chuyên môn thuộc người quyết định đầu tư và trách nhiệm kiểm soát các nội dung thuộc quản lý nhà nước của cơ quan chuyên môn về xây dựng, đồng thời làm rõ việc thực hiện song song, đồng thời các thủ tục về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường trong quá trình thẩm định dự án.
Theo đó, Dự thảo đã rút gọn nội dung cũng như thời gian thẩm định dự án tại cơ quan chuyên môn về xây dựng, đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án sử dụng vốn đầu tư công.
Tương tự như ở bước thẩm định dự án đầu tư xây dựng, quy định hiện hành của Luật Xây dựng 2014 chưa phân định rõ trách nhiệm, nội dung thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng và chủ đầu tư, chưa nêu rõ bước thiết kế cần phải thẩm định trong nhiều bước thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở; chưa phát huy được vai trò chuyên môn của tổ chức thẩm tra thiết kế về an toàn công trình, một số nội dung thẩm định trùng lặp với nội dung cấp phép xây dựng.
Để giải quyết những bất cập này, các nội dung về thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng được rà soát, sửa đổi, bổ sung theo hướng: làm rõ bước thiết kế cần thẩm định, phê duyệt; giảm đối tượng phải thẩm định thiết kế xây dựng tại cơ quan chuyên môn về xây dựng; đơn giản hóa thủ tục hành chính; tích hợp thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng và cấp phép xây dựng đối với công trình sử dụng vốn khác.
Tại Dự thảo Luật, các công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định bước thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở thì được miễn giấy phép xây dựng. Như vậy, về tổng thể theo quy định sửa đổi, tất cả các công trình thuộc các nguồn vốn đều chỉ phải thực hiện 2 thủ tục tại cơ quan chuyên môn về xây dựng/cơ quan cấp phép.
Đối với thẩm định dự án, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở,trường hợp này được miễn phép xây dựng hoặc thẩm định dự án, cấp phép xây dựng, thay vì phải thực hiện tuần tự cả 3 thủ tục thẩm định dự án, thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở,cấp phép xây dựng như trước đây.
Đồng tình về những sửa đổi bổ sung trong Dự thảo Luật, đai diện Công ty sản xuất phát triển Hạ Long Bim Grroup khẳng định: “Việc hợp nhất giữa cấp phép xây dựng và thiết kế kỹ thuật sau bước thiết kế cơ sở giúp chúng tôi tiết kiệm được thời gian, tiền bạc, đi lại. cho nên việc hợp nhất hoặc bỏ qua một số công đoạn cho một số dự án là rất hiệu quả, doanh nghiệp rất mong muốn Luật sớm đi vào thực tế”
Đây là nội dung thay đổi cơ bản của dự án Luật nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các thủ tục về cấp phép xây dựng cũng được rà soát để quy định đơn giản, phù hợp và trên cơ sở đánh giá việc thực hiện công tác cấp phép xây dựng sau khi cải cách thủ tục hành chính ở các địa phương, Bộ Xây dựng đã đề xuất giảm số ngày quy định cho cấp phép xây dựng từ 30 ngày xuống 20 ngày.
Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi sẽ góp phần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng. Ảnh: VGP/ Toàn Thắng |
Nói về những điểm mới trong việc rút ngắn các thủ tục cấp phép xây dựng trong Dự thảo Luật, ông Nguyễn Đình Hội, Phó trưởng phòng phòng Kỹ thuật Công ty Cổ phần CONINCO 3C phân tích: Như trước đây về bản chất thẩm định từ 20 – 40 ngày tùy theo cấp công trình, và thủ tục cấp phép xây dựng là 30 ngày. Vì vậy, xét theo thời gian thủ tục tối đa tổng cộng phải mất 70 ngày.
“Theo dự thảo mới thì hiện nay chỉ còn khoảng 20 ngày. Đây là điều rất thuận lợi cho các doanh nghiệp vì doanh nghiệp chỉ cần thực hiện một thủ tục tại một cơ quan và thời gian rút ngắn xuống rất nhiều. Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong quá trình xin giấy phép đầu tư”, ông Hội cho biết
Đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật
Cục Quản lý hoạt động xây dựng cho biết, đối với chính sách về bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung theo hướng bãi bỏ yêu cầu cá nhân tham gia quản lý, cá nhân hành nghề độc lập an toàn lao động, cá nhân tham gia quản lý dự án, kiểm định xây dựng, định giá xây dựng phải có chứng chỉ hành nghề; bãi bỏ yêu cầu đăng ký thông tin hoạt động xây dựng và thay bằng quy định cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ có trách nhiệm đăng tải thông tin để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng.
Cụ thể, cơ quan soạn thảo đã chủ động rà soát, sửa đổi các quy định tại Luật Xây dựng 2014 để phù hợp với pháp luật liên quan: sửa đổi, bổ sung về phân loại dự án theo nguồn vốn để phù hợp với Luật Đầu tư công và các pháp luật có liên quan.
Sửa đổi, bổ sung quy định về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế phù hợp với Luật Đầu tư công 2019, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (đang được nghiên cứu sửa đổi), Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Quy hoạch; sửa đổi, bổ sung quy định về cấp phép xây dựng tại Điều 89 phù hợp với pháp luật về quảng cáo; sửa đổi, bổ sung quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng phù hợp với Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Cùng với đó, đối với các dự án Luật đang dự thảo trình Quốc hội xem xét, Bộ Xây dựng đã rà soát và có văn bản trao đổi với các Bộ đang chủ trì soạn thảo các dự án Luật về các nội dung có liên quan đến pháp luật về xây dựng: dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư; Luật Đê điều và Luật Phòng chống thiên tai, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để đề nghị điều chỉnh tại các dự thảo Luật để tránh chồng chéo trong thực hiện và đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Quy định cụ thể hơn vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý xây dựng
Đại diện cơ quan soạn thảo dự án Luật cho biết cùng với việc sửa đổi nhằm cải cách thủ tục hành chính, đơn giản điều kiện đầu tư kinh doanh thì cần phải bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng thể hiện qua sự quản lý thống nhất của Trung ương, tăng cường phân cấp hợp lý và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, bảo đảm công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Trước hết dự thảo Luật phân tách trách nhiệm của từng chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng trong công tác thẩm định dự án, thiết kế xây dựng, trong đó vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng được thể hiện thông qua việc quy định cụ thể các nội dung cơ quan chuyên môn về xây dựng phải kiểm soát: việc tuân thủ các quy định pháp luật, tuân thủ quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn, tuân thủ định mức kinh tế – kỹ thuật đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công.
Dự thảo Luật cũng sửa đổi quy định xem xét sự phù hợp về quy hoạch của dự án theo hướng quy định đánh giá về sự phù hợp của thiết kế cơ sở với quy hoạch xây dựng ở các cấp độ thay vì chỉ xem xét quy hoạch chi tiết theo quy định trước đây nhằm khắc phục tình trạng tùy tiện trong điều chỉnh quy hoạch chi tiết không phù hợp với các chỉ tiêu khống chế tại quy hoạch phân khu, quy hoạch chung dẫn đến việc không đáp ứng về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các tiện ích công cộng.
Bổ sung quy định về dự án đầu tư xây dựng khu đô thị
Cùng với các đặc điểm chung của một dự án đầu tư xây dựng thông thường, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị (ĐTXDKĐT) còn có những đặc điểm đặc thù: các dự án rất đa dạng về hình thức và mục tiêu; yêu cầu cao đối với tính đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; thường sử dụng nguồn lực tài nguyên lớn về đất đai; luôn có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của một bộ phận lớn dân cư đô thị; thường triển khai đầu tư xây dựng trong thời gian dài, vừa thi công xây dựng, vừa kinh doanh khai thác...
Qua rà soát hơn 4.400 dự án đầu tư xây dựng đã và đang triển khai hiện nay cho thấy một số bất cập lớn là không đảm bảo sự đồng bộ trong đầu tư nhà ở, dịch vụ thương mại và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; công tác kiểm tra nghiệm thu kéo dài dẫn đến nhiều vướng mắc trong nghiệm thu tổng thể toàn bộ dự án.
Vì vậy, trong dự thảo Luật đã bổ sung khái niệm về dự án ĐTXDKĐT, quy định việc kiểm soát loại hình dự án đặc thù này ở 2 bước thẩm định dự án và bàn giao công trình, dự án, các nội dung này nhằm khắc phục các bất cập đã nêu mà không phát sinh thủ tục hành chính mới, không thay đổi trách nhiệm của các chủ thể đã được điều chỉnh bởi các pháp luật có liên quan.
Rà soát để tăng cường phân cấp quản lý cho chính quyền địa phương
Dự thảo Luật phân cấp việc cấp giấy phép xây dựng công trình cấp đặc biệt cho UBND cấp tỉnh để thống nhất với thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết là cơ sở để cấp phép xây dựng. Như vậy, UBND cấp tỉnh, cấp huyện là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng với tất cả các công trình xây dựng thuộc đối tượng quy định phải cấp phép xây dựng tại địa phương, cùng với việc quy định tích hợp công tác thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của công trình xây dựng sử dụng vốn khác, sẽ nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền địa phương trong công tác quản lý trật tự xây dựng.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh: “Sẽ phân cấp mạnh hơn cho địa phương, phân cấp quyền mạnh hơn cho các chủ thể tham gia. Đây là mục tiêu rất quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính, cũng như nâng cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng”.
Theo Toàn Thắng/Baochinhphu.vn