(Xây dựng) - Ngày 03/10, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị thẩm định, phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị thẩm định, phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. |
Vì sao cần điều chỉnh quy hoạch chung?
Theo nội dung của dự thảo Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Cần Thơ, phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Cần Thơ với 9 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 5 quận và 4 huyện. Ranh giới hành chính được xác định như sau: Phía Bắc giáp tỉnh An Giang; phía Đông giáp tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long; phía Nam giáp tỉnh Hậu Giang; phía Tây giáp tỉnh Kiên Giang. Quy mô lập quy hoạch khoảng 1.440,40km2 (kết quả kiểm kê đất đai năm 2019).
Phạm vi nghiên cứu là vai trò của thành phố Cần Thơ trong mối quan hệ phát triển với các tỉnh xung quanh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời đặt trong bối cảnh mối liên hệ mật thiết với sự phát triển kinh tế - xã hội vùng Thành phố Hồ Chí Minh. Thời hạn quy hoạch ngắn hạn đến năm 2030, dài hạn đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Về lý do và sự cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch chung, thành phố Cần Thơ có vị trí chiến lược quan trọng với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Sau 10 năm triển khai Quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch chung năm 2013), nhiều điều chỉnh cục bộ đã được thực hiện, đồng thời một số vấn đề bất cập cũng nảy sinh.
Mặt khác, cơ sở pháp lý với nhiều định hướng và chiến lược ở cấp cao hơn có nhiều thay đổi, từ quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành cho đến quy hoạch thành phố Cần Thơ đã được phê duyêt. Bối cảnh phát triển thực tế về hạ tầng và không gian kinh tế vùng sau 10 năm cũng có nhiều chuyển biến.
Vì vậy, để đáp ứng mục tiêu phát triển dài hạn nêu ra trong Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng và phát triển Cần Thơ thành thành phố trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thì việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Cần Thơ là hết sức cần thiết.
Về những nội dung thay đổi, Quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 sẽ xác định rõ hơn việc Cần Thơ là trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, bổ sung một số yếu tố mới. Quy hoạch mới cũng sẽ thay đổi về mặt định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược sử dụng đất…
Quy hoạch mới đã xác định một số nhiệm vụ cần phải thực hiện, bao gồm: Điều chỉnh định hướng phát triển cấu trúc tổng thể của không gian đô thị phù hợp với bối cảnh và chiến lược mới; Cần có giải pháp cải tạo, tái thiết khu vực đô thị hiện hữu để sử dụng đất hiệu quả hơn; Định hướng về bảo tồn và phát triển không gian xanh dọc theo các sông, kênh rạch; Chú trọng thiết kế đô thị; Tổ chức sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; Tăng cường hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật nhằm đảm bảo ứng phó với biến đổi khí hậu; Xác định các chương trình, dự án trọng điểm.
Xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc Đồng bằng sông Cửu Long
Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được lập dựa trên 3 quan điểm chính. Một là bám sát các Nghị quyết của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trên cơ sở khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của thành phố và vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Hai là cụ thể hóa Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế thừa hợp lý định hướng của Quy hoạch chung năm 2013.
Ba là kết hợp hài hòa phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường đô thị và nông thôn, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, đối ngoại; thích ứng biến đổi khí hậu; xây dựng bản sắc đô thị đặc trưng sông nước...
Cần Thơ sẽ phấn đấu trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long. |
Mục tiêu lập điều chỉnh quy hoạch chung là đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững; cải thiện chất lượng sống tại đô thị và nông thôn, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở, hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Quy hoạch cũng hướng đến phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, bảo tồn và phát huy các yếu tố văn hóa lịch sử, sinh thái đặc trưng.
Đến năm 2030, thành phố Cần Thơ sẽ là cực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Tây Đô; là trung tâm đô thị, trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu kết nối nội vùng, liên vùng và liên vận quốc tế.
Đến năm 2045, Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á.
Tầm nhìn đến năm 2065, Cần Thơ tiếp tục xây dựng phát triển thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á, trở thành thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam.
Về tính chất, Cần Thơ sẽ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng sẽ là đô thị hạt nhân vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Đô thị sinh thái sông nước cao cấp dọc sông Hậu; đô thị hiện đại, xanh, thân thiện với môi trường; Đô thị số gắn với phát triển kinh tế số, tích hợp kỹ thuật số; Là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước.
Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung dự báo, quy mô dân số của thành phố Cần Thơ sẽ đạt khoảng 1,36 triệu người vào năm 2030 và khoảng 1,49 triệu người vào năm 2045. Quy mô đất xây dựng đến năm 2030 khoảng 20.400ha - 27.200ha, đến năm 2045 khoảng 22.000ha - 30.000ha.
Các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của thành phố Cần Thơ được lựa chọn phù hợp quy định đô thị loại I tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng QCVN 01:2021/BXD.
Bám sát Nghị quyết của Trung ương và rà soát quy mô dân số, đất đai
Đóng góp ý kiến cho Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Cần Thơ, Vụ Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng) đề nghị bổ sung căn cứ pháp lý về quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng…; Bổ sung nội dung về mối quan hệ vùng; Rà soát lại dự báo dân số; Rà soát đánh giá hiện trạng.
Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc Trần Thu Hằng đóng góp ý kiến cho Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Cần Thơ. |
Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Cần Thơ tập trung phát triển giao thông kết nối liên vùng, nghiên cứu kỹ nội dung phát triển đường sắt đô thị. Bộ Khoa học và Công nghệ lưu ý việc rà soát việc phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao. Bộ Quốc phòng kiến nghị rà soát, cập nhật các khu vực đất quốc phòng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị rà soát quy mô, diện tích lập quy hoạch; Bổ sung nội dung nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tuần hoàn. Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam lưu ý thành phố Cần Thơ xem xét tổ chức cấu trúc đô thị nước, xác định các khu chức năng mang tính chất của vùng kinh tế trọng điểm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, quan tâm phát triển đô thị theo mô hình đặc thù.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ Dương Tấn Hiển tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định. |
Thay mặt chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ Dương Tấn Hiển đã tiếp thu các ý kiến của Hội đồng thẩm định, giải trình một số nội dung như kế thừa Quy hoạch chung 2013, xây dựng thành phố mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phát huy vai trò của Cần Thơ là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long…
Phó Chủ tịch Thường trực Dương Tấn Hiển đề nghị đơn vị tư vấn nhanh chóng tổng hợp các ý kiến đóng góp và nghiêm túc tiếp thu để hoàn thiện Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn tổng hợp ý kiến của Hội đồng thẩm định và đề nghị UBND thành phố Cần Thơ cùng đơn vị tư vấn tập trung vào một số nội dung quan trọng, bao gồm: Điều chỉnh quy hoạch chung bám sát các Nghị quyết của Trung ương, quy hoạch vùng và quy hoạch ngành; Xem xét lại phạm vi, ranh giới, lập quy hoạch; Rà soát, đánh giá việc thực hiện Quy hoạch chung 2013 để kế thừa, đảm bảo tính đồng bộ; Xem xét lại dự báo quy mô dân số, quy mô đất đai; Lưu ý tính chất của đô thị, gìn giữ bản sắc đô thị.
Hội đồng thẩm định thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Nhiệm vụ sau khi địa phương và đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến góp ý để hoàn thiện Tờ trình.
Diệu Linh – Dịch Phong
Theo