(Xây dựng) – Có được giấy phép khai thác mỏ đá nhưng không trực tiếp khai thác sản xuất kinh doanh mà lại mang đi góp vốn bằng quyền khai thác và chỉ thu về 9% doanh thu tiêu thụ sản phẩm. Đó là trường hợp xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi) mà Nhà nước chiếm tới 99,54% cổ phần.
Sản phẩm đá 1x2 của mỏ đá Xuân Hòa những ngày đầu khai thác năm 2017. |
Để được cấp phép, Sonadezi đã chi ra hơn 9 tỷ đồng để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và triển khai dự án. Chính vì vậy, ngày 26/12/2013 UBND tỉnh Đồng Nai cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án khai thác và chế biến mỏ đá xây dựng Xuân Hòa (xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) cho Sonadezi. Trước đó, ngày 16/1/2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định số 45/QĐ-BTNMT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và dự án cải tạo phục hồi môi trường của dự án đầu tư khai thác và chế biến mỏ đá xây dựng Xuân Hòa.
Ngày 15/4/2013 UBND tỉnh Đồng Nai cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 1053/GP-UBND cấp phép khai thác khoáng sản tại mỏ đá xây dựng Xuân Hòa với thời hạn 12 năm.
Có trong tay giấy phép và có chức năng sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng nhưng Sonadezi lại đem tài sản hình thành từ vốn Nhà nước đi hợp tác với Công ty cổ phần đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO (Cty Cường Thuận IDICO) bằng Hợp đồng kinh tế số 26/H ĐKT-PTKCN-DA ngày 23/7/2015.
Chế biến các sản phẩm từ mỏ đá Xuân Hòa. |
Tại điều 3 của hợp đồng này, bên A (Sonadezi) góp vốn bằng quyền khai thác với diện tích là 20ha và chi phí chuẩn bị dự án. Quyền lợi bên A được hưởng là 9% doanh thu tiêu thụ sản phẩm trước thuế giá trị gia tăng.
Trong khi đó bên B (Công ty Cường Thuận IDICO) góp vốn bằng 100% vốn đầu tư, vốn lưu động còn lại để tổ chức khai thác sản xuất kinh doanh mỏ đá và được hưởng 91% doanh thu tiêu thụ sản phẩm trước thuế giá trị gia tăng.
Cũng tại hợp đồng này, 2 bên xác định tổng diện tích khu mỏ lên đến 20ha, được khai thác trong vòng 12 năm với công suất khai thác lên 500.000m3 đá nguyên khối mỗi năm. Trữ lượng khai thác đá xây dựng trên 5,37 triệu m3 tương đương với 14,4 triệu tấn và 1,62 triệu m3 đất phủ. Tổng mức đầu tư của dự án trên 118 tỷ đồng.
Tại báo cáo kiểm toán Nhà nước năm 2019 về Sonadezi, lý do về việc đưa mỏ đá Xuân Hòa đi hợp tác là do chất lượng đá không đảm bảo làm nguyên liệu xây dựng và làm đường giao thông. Khả năng tiêu thụ trên thị trường hiện tại không cao, địa điểm khai thác cách xa trung tâm nên việc trực tiếp thực hiện dự án là không hiệu quả nên Sonadezi đã ký hợp đồng hợp tác.
Tuy nhiên, ngược với lý do này, thông tin từ Websiter của Công ty Cường Thuận IDICO có địa chỉ “//cuongthuan.vn/linh-vuc-hoat-dong/mo-da-xuan-hoa-16.html” lại cho rằng: “Đúng 11h30 ngày 15/5/2017 tại mỏ đá Xuân Hoà, Cường Thuận IDICO đã nổ loạt mìn đầu tiên và đã cho ra sản phẩm. Các sản phẩm đầu tiên của mỏ đá Xuân Hoà được các nhà chuyên môn đánh giá là có chất lượng khá tốt. Đây là một tín hiệu đáng mừng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty trong lĩnh vực khai thác vật liệu xây dựng”.
Bảng giá đá xây dựng tại mỏ đá Xuân Hòa thời điểm năm 2017. |
Từ mỏ đá này, ngoài cung cấp các loại đá xây dựng, đối tác của Sonadezi còn cung cấp cả cát xay và đất san lấp. Với tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng khiến giá cả cát, đá luôn giữ ở mức cao những năm qua, việc khai thác mỏ đá này hiệu quả hay không là điều ai cũng có thể thấy, nhất là khi nhìn vào bảng báo giá bán vật liệu từ mỏ đá này của Công ty Cường Thuận IDICO. Từ đó, câu hỏi đặt ra là vì sao Sonadezi không xác định giá quyền khai thác tài sản thực tế trước khi ký hợp đồng kinh tế là việc cần sớm được cơ quan chức năng làm rõ.
Cao Cường
Theo