(Xây dựng) – Báo cáo nguồn gốc đất không trung thực, quyền lợi của người dân đang bị ảnh hưởng, doanh nghiệp bị thu hồi đất đang có nguy cơ “phá sản”, đây là một trong hàng loạt những “lùng nhùng” đang diễn ra tại Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất để đấu giá quyền sử dụng đất tại thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược.
Việc thực hiện Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất để đấu giá quyền sử dụng đất tại xã Tiên Dược đang gây bức xúc cho người dân, cần được làm rõ. |
Dự án triển khai, dân “mù mịt” thông tin!
Tìm hiểu được biết, ngày 15/6/2018 UBND huyện Sóc Sơn có Tờ trình số 47/TTr-UBND kèm theo Hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất để đấu giá quyền sử dụng đất tại thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược và hồ sơ liên quan gửi Thường trực HĐND huyện Sóc Sơn.
Ngày 26/6/2018, HĐND huyện Sóc Sơn đã có Văn bản số 84/HĐND-TT gửi UBND huyện Sóc Sơn về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất để đấu giá quyền sử dụng đất tại thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược. Theo nội dung văn bản: Chủ đầu tư dự án là UBND huyện Sóc Sơn; đại diện chủ đầu tư là Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn. Mục tiêu đầu tư, nhằm chống lấn chiếm, tận dụng quỹ đất, đáp ứng nhu cầu đất ở và nhà ở cho nhân dân, tạo nguồn thu ngân sách.
Quy mô đầu tư: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên diện tích khu đất khoảng 3,4ha (trong đó toàn bộ là đất nông nghiệp, đất công, đất khác do UBND xã, thị trấn quản lý, không có đất thổ cư) bao gồm các hạng mục chính: San nền, đường giao thông, vỉa hè, cây xanh, hệ thống cấp, thoát nước, điện chiếu sáng, di chuyển các công trình công cộng…
Dự án thuộc nhóm B với tổng mức đầu tư là hơn 76 tỷ đồng; cơ cấu nguồn vốn từ ngân sách huyện và vay Quỹ đầu tư phát triển thành phố. Dự án được thực hiện từ năm 2018 – 2020 (hoàn thành công tác chuẩn bị trong năm 2018, triển khai thực hiện đầu tư trong các năm 2019 và 2020).
Ngày 29/11/2018, UBND huyện Sóc Sơn có Văn bản số 4021/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất để đấu giá quyền sử dụng đất tại thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Ngày 30/5/2019, UBND huyện Sóc Sơn có Văn bản số 2588/TB-UBND thông báo chủ trương thu hồi đất thực hiện dự án: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất để đấu giá quyền sử dụng đất tại thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn. Diện tích thu hồi khoảng 33.784,8m2; vị trí xã Tiên Dược và thị trấn Sóc Sơn.
Đến lúc này, người dân trong quy hoạch dự án mới tá hỏa, khi vị trí đất của gia đình đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại bị chính quyền “hô biến” báo cáo sai sự thật với HĐND huyện thành khu vực: “không có đất thổ cư”.
Phản ánh tới Báo điện tử Xây dựng, bà Phan Thị Bình cư trú tổ 5 (tổ 11 cũ - PV), thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn cho biết: “Tôi xây dựng ngôi nhà này từ năm 1990 với diện tích khoảng 10 thước đất. Sau đó, tôi làm nhà và được chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2003. Tầm tháng 7/2019, tôi nhận được giấy mời lên UBND thị trấn Sóc Sơn cũng không biết rõ làm việc gì. Có các đồng chí ở huyện và thị trấn bảo với tôi rằng, đất của nhà chị nằm vào trong quy hoạch, yêu cầu di chuyển đi và Nhà nước sẽ cấp cho mảnh đất. Tôi cũng hết sức bất ngờ và đặt ra câu hỏi, quy hoạch làm cái gì? Một cán bộ bên quỹ đất cho biết: Chúng tôi muốn làm một khu đấu giá, khu đô thị”.
Bà Phan Thị Bình nói: Đất của tôi đã được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, giờ lại đuổi tôi đi để cấp đất cho người khác thì quá vô lý. Sau đó, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn cũng gặp tôi rất nhiều lần để thuyết phục, nhưng tôi không đồng ý.
Bà Phan Thị Bình cũng cho biết thêm: Tại văn bản của HĐND huyện (Văn bản số 84/HĐND-TT) có ghi quy mô đầu tư: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên diện tích khu đất khoảng 3,4ha (trong đó toàn bộ là đất nông nghiệp, đất công, đất khác do UBND xã, thị trấn quản lý, không có đất thổ cư)…trong khi đó đất của gia đình tôi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vậy tại sao lại khẳng định, một cách sai lệch như vậy về nguồn gốc đất tại khu vực này, điều này lại càng gây nghi ngờ đối với tôi. Nếu dự án được thực hiện sẽ gây ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình tôi.
Cùng cảnh ngộ, hộ gia đình ông Nguyễn Thế Thành (hàng xóm nhà bà Bình) cũng có nhiều bức xúc đối với các quyết định hành chính của UBND huyện Sóc Sơn. Ông Thành cho biết: Gia đình tôi có diện tích khoảng 700m2 tại tổ 5, thị trấn Sóc Sơn đã có xác nhận của Văn phòng đăng ký đất đai: Là đất sử dung ổn định, phù hợp với quy hoạch; không tranh chấp và đang kinh doanh dịch vụ xe máy tại vị trí nêu trên. Ngoài ra chúng tôi còn tạo việc làm ổn định cho hơn 30 người; thực hiện và chấp hành tốt các chính sách của địa phương và nhà nước. Khi xây dựng từ năm 2006 đến nay, chưa có biên bản vi phạm hành chính cũng như quyết định xử lý vi phạm hành chính, nên gia đình tôi vẫn làm ăn ổn định tại mảnh đất trên.
“Bỗng nhiên ngày 20/5/2019, UBND thị trấn Sóc Sơn đã đến tiến hành lập Biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai số 40/BB-VPHC; ngày 1/6/2019 UBND thị trấn Sóc Sơn tiếp tục lập Biên bản vi phạm hành chính số 49/BB-VPHC. Sau đó, UBND huyện Sóc Sơn đã có những quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với mảnh đất mà chúng tôi đã sử dụng ổn định hàng chục năm qua” - ông Thành bức xúc nói.
Ông Nguyễn Thế Thành cho rằng: Quyết định số 3309/QĐ-CCXP ngày 25/9/2020 của UBND huyện Sóc Sơn về việc cưỡng chế buộc biện pháp khắc phục hậu quả ban hành không có căn cứ pháp lý, nội dung trong quyết định không có lý do. Người ký quyết định không hiểu trình tự, thủ tục, thẩm quyền. Đặc biệt, phần xét đề nghị có Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị đã hết thời hạn thí điểm, không được sử dụng con dấu chức danh? Tôi cho rằng, trong việc này không có cơ sở pháp lý để UBND huyện ban hành quyết định hành chính.
Vì sao phải báo cáo sai nguồn gốc đất?
Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã liên hệ làm việc với UBND thị trấn Sóc Sơn. Tại buổi làm việc ngày 5/11/2020, ông Trần Văn Hùng – Chủ tịch UBND thị trấn Sóc Sơn cho biết: Thực hiện chương trình, Nghị quyết của Thành phố cho phép các quận, huyện, thị trấn có đất nhỏ lẻ, xen kẹt thu hồi đấu giá để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế của địa phương. Huyện đề xuất với thành phố cho chủ trương và cũng ra Nghị quyết giao cho UBND xã, thị trấn nếu có khu đất như thế thì thu hồi để đem đấu giá. Bây giờ phải làm đường, cơ sở hạ tầng, bên cạnh có những chuyện “xôi đỗ”, dính vào nhà nào đấy thì phải có sự thiệt thòi.
“Nếu đúng thì không có ai đi làm kinh tế lại đi thu hồi nhà để bán đấu giá, đền bù thì họ làm gì có lãi. Nhưng vì thực hiện quy hoạch và để cho nó đẹp khu đất và sự phát triển thì mình bắt buộc phải làm. Dẫn đến có nhà dính vào thì sự hài lòng hay không sẽ có chứ, không tránh được. Hiện tại dự án đã được kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất cho người dân, chuyển hồ sơ lên HĐND huyện, lên Phòng Tài nguyên và môi trường của huyện để kiểm tra xác định lại hồ sơ pháp lý và diện tích đất đai có đúng không, nguồn gốc đất là đất gì? Huyện thẩm định, xem xét chưa thì tôi cũng không rõ” - ông Hùng chia sẻ.
Đánh giá nguồn gốc đất của hộ gia đình bà Bình và ông Thành, ông Trần Văn Hùng cho biết: Đất nhà bà Bình là đất ở đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đất nhà ông Thành vẫn là đất nông nghiệp chưa chuyển đổi, nhưng ông ấy xây dựng nên thành vi phạm. Công trình nhà ông Thành xây dựng từ năm 2008 thì đầu năm 2019 có đơn thư phản ánh là công trình vi phạm trên đất nông nghiệp, nhưng không bị tháo dỡ. Sau đó, huyện yêu cầu thị trấn phải thiết lập hồ sơ vi phạm trật tự xây dựng và ra quyết định thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Nhưng chỗ đất có lập công công ty, gia đình có làm đơn đề nghị xin lùi thời gian 6 tháng để tìm vị trí, địa điểm mới để tháo dỡ và bàn giao lại mặt bằng đó, cũng như để làm chuyển đổi hay không thì đó là việc của gia đình.
Khi phóng viên đề cập đến việc, khu đất nhà ông Thành có đủ điều kiện chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư hay không? Ông Trần Văn Hùng – Chủ tịch UBND thị trấn Sóc Sơn cho rằng: “Theo các quy định của Nghị định; Quyết định của thành phố thì rất phù hợp, có thể chuyển đổi thành đất ở. Tuy nhiên, gia đình lại chậm làm, đến khi ông Thành xin chuyển đổi thì đã có thông tin quy hoạch, có dự án rồi thì làm sao được chuyển đổi nữa. Hiện nay, UBND huyện đã thành lập tổ giúp việc Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư rồi, nhưng không gửi đến hộ gia đình mà chỉ gửi đến các thành viên tổ công tác và thị trấn. Đối với nhà bà Bình, thị trấn cũng mời lên làm việc, vận động, tuyên truyền. Việc thực hiện dự án, gia đình không đồng ý thì huyện phải giải quyết chứ thị trấn không có quyền. Thị trấn chỉ đứng ra vận động, tuyên truyền còn quyết định là ở huyện. Nếu như bà Bình không đồng ý thì dự án vẫn thực hiện, nhưng con đường sẽ không mở được”.
Đối với những kiến nghị của ông Thành, về các biên bản hành chính của thị trấn và huyện, ông Trần Văn Hùng – Chủ tịch UBND thị trấn Sóc Sơn cho biết: Việc đất chưa kiểm đếm, chưa thu hồi nhưng công trình vi phạm trên đất nông nghiệp thì phải tháo dỡ, còn việc thu hồi đất hay không thì chưa. Việc của thị trấn là lập biên bản vi phạm, còn việc ra quyết định xử lý như thế nào là do huyện.
Ông Hùng cũng cho biết thêm: Tiền bán những khu đất kia sẽ bù trừ ra, quan trọng là để “làm đẹp” dự án và mở rộng đường cho đẹp về lâu dài sau này muốn mở cũng không được. Nếu dự án toàn đất nông nghiệp thì dự án mới triển khai được còn vướng đất thổ cư thì quá trình thực hiện dự án sẽ phức tạp, quá trình kiểm đếm tài sản trên đất sẽ nhiều thời gian hơn.
Có thể thấy rằng, những phản ánh của người dân trong việc chính quyền báo cáo sai nguồn gốc đất là có cơ sở. Động cơ mục đích của sự việc này là gì, Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục làm rõ và thông tin đến bạn đọc.
Thanh Thanh - Khánh An
Theo