(Xây dựng) – Không để dịch lây lan rộng trong cộng đồng, Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch tại trụ sở làm việc và trên các công trường xây dựng.
Việc khai báo y tế qua QR-Code được triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, trong đó có Sở Xây dựng Kiên Giang. Khai báo y tế điện tử bằng QR-Code đảm bảo chính xác và tiết kiệm thời gian. |
Kiểm soát, ra vào tại trụ sở làm việc thông qua sử dụng mã QR-Code
Để góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo, hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, ngành Y tế và các cấp có thẩm quyền; đồng thời ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong việc kiểm soát chặt chẽ việc ra, vào tại cơ quan, Sở Xây dựng Kiên Giang đã triển khai biện pháp phòng dịch bằng công nghệ.
Ông Hà Văn Thanh Khương, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: “Sở Xây dựng tiếp tục thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế, nhất là đeo khẩu trang bắt buộc khi đến cơ quan, khi tiếp xúc làm việc với khách đến liên hệ công việc tại Sở; thường xuyên rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách cần thiết khi tiếp xúc với đồng nghiệp, công dân”.
Đồng thời, Sở đã tích cực triển khai các giải pháp phòng dịch bằng công nghệ, cụ thể như:
Thứ nhất: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đều được hướng dẫn cài đặt, sử dụng một trong các ứng dụng hỗ trợ khai báo y tế điện tử, “Check-in/Check-out y tế”, như: Bluezone, NCOVI (được phát hành bởi Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông) trên các thiết bị di động, điện thoại thông minh; chủ động cập nhật tình trạng sức khỏe hàng ngày vào Tờ khai y tế (//tokhaiyte.vn) hoặc trên ứng dụng Bluezone, NCOVI đã cài đặt để sử dụng mã QR-Code thực hiện Check-in/Check-out y tế.
Thứ hai: Người sử dụng chức năng “Quét mã QR” trên ứng dụng Bluezone hoặc NCOVI để xác nhận đến và đi (hay còn gọi là “Check-in/Check-out”) khi đến trụ sở làm việc thông qua mã QR được niêm yết tại các địa điểm kiểm soát ra, vào của cơ quan, đơn vị.
Thứ ba: Mọi người đến liên hệ làm việc tại Sở, đều được đề nghị chấp hành việc đo nhiệt độ; bắt buộc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước, trong và sau khi ra, vào cơ quan, đơn vị.
Thực hiện khai báo y tế hàng ngày theo quy định (thông qua các ứng dụng cài đặt sử dụng một trong các ứng dụng trên thiết bị di động, như: Bluezone, NCOVI hoặc Tờ khai y tế tại địa chỉ //tokhaiyte.vn) để sử dụng mã QR-Code thực hiện “Check-in/Check-out” tại Sở Xây dựng.
Sử dụng chức năng “Quét mã QR” trên ứng dụng Bluezone hoặc NCOVI để “Check-in/Check-out” khi đến liên hệ làm việc thông qua mã QR được niêm yết tại các địa điểm kiểm soát ra, vào của cơ quan, đơn vị.
Các trường hợp khách, đại biểu, người dân đến cơ quan, đơn vị chưa cài đặt ứng dụng hỗ trợ khai báo y tế, quét mã QR-Code hoặc không có thiết bị, điện thoại thông minh thì liên hệ cán bộ được giao nhiệm vụ “Check-in/Check-out” của cơ quan, đơn vị để được hỗ trợ khai báo y tế, in mã QR-Code và tiến hành xác nhận theo quy định.
Ông Nguyễn Ngọc Lân, Chánh Văn phòng Sở Xây dựng chia sẻ: “Lãnh đạo Sở Xây dựng đã giao Văn phòng tổ chức thực hiện đảm bảo yêu cầu theo chỉ đạo của Trung ương và UBND tỉnh. Quán triệt hạn chế tập trung đông người, tổ chức các cuộc họp trực tuyến khi cần thiết. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khử khuẩn, vệ sinh vị trí làm việc khi kết thúc ngày làm việc. Đồng thời, giao Trung tâm Kiểm định và Dịch vụ xây dựng triển khai, quán triệt và yêu cầu công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị thực hiện tốt quy định phòng, chống dịch; phối hợp với Văn phòng thực hiện tốt việc kiểm soát ra, vào tại các địa điểm giao cho đơn vị sử dụng thuộc trụ sở cơ quan Sở Xây dựng”.
Các nhà thầu phải đăng ký cụ thể danh sách công nhân, cán bộ kỹ thuật sẽ tham gia trong công trình với chính quyền địa phương nơi xây dựng. Đồng thời thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. |
Đảm bảo an toàn trên các công trình xây dựng
Để đảm bảo vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch vừa đảm bảo tiến độ thi công các công trình xây dựng, đảm bảo việc giải ngân vốn đầu tư và đảm bảo sinh kế cho người lao động, ông Lưu Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Kiên Giang cho biết: Sở Xây dựng Kiên Giang cũng đưa ra các giải pháp yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị thi công thực hiện. Cụ thể như:
Thứ nhất: Chủ đầu tư, các nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng và người đứng đầu các công trình, dự án xây dựng chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch. Tuân thủ nghiêm nguyên tắc cách ly trong tổ chức hoạt động xây dựng, nhất là phải đảm bảo khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn, khai báo y tế theo quy định,
Thứ hai: Các nhà thầu phải đăng ký cụ thể danh sách công nhân, cán bộ kỹ thuật sẽ tham gia trong công trình với chính quyền địa phương nơi xây dựng. Phát hành giấy đi đường cho tất cả công nhân. Trong đó ghi cụ thể địa chỉ công trình, thời gian thi công; họ tên, chỗ ở hiện nay, số chứng minh nhân dân của công nhân, phương tiện di chuyển đến công trình. Trường hợp có thay đổi danh sách công nhân hoặc có công nhân đến từ các địa phương khác phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương tại nơi công trình xây dựng để tổ chức quản lý hoặc cách ly theo quy định.
Thứ ba: Hạn chế số lượng nhân công tập trung theo quy định tại các sàn công tác, phòng họp, vận thăng, thang máy và không gian kín khác tại công trường; giữ khoảng cách an toàn giữa người với người khi làm việc và cả trong lúc nghỉ giữa ca. Khử khuẩn bề mặt, thiết bị, máy móc tiếp xúc trực tiếp với nhân công, vệ sinh công trình xây dựng sau mỗi ca.
Thứ tư: Khẩn trương đầu tư cơ sở vật chất và các điều kiện có liên quan để triển khai ngay phương châm “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ). Trường hợp trong phạm vi công trình không đảm bảo thực hiện được thì điều kiện cụ thể của công trình có thể thuê một khu nhà trọ độc lập gần công trình và thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch trong khu nhà trọ độc lập này, hoặc một số biện pháp khác nhưng phải đảm bảo việc cách ly công nhân trong công trường với cộng đồng xung quanh.
Thứ năm: Bố trí phương tiện đưa đón công nhân theo phương châm “1 cung đường, 2 điểm đến” (đưa đón công nhân giữa công trình xây dựng và các khu ở tập trung, không dừng dọc đường). Trường hợp công nhân di chuyển bằng phương tiện tự túc, yêu cầu công nhân ký cam kết vẫn phải đảm bảo phương châm “1 cung đường, 2 điểm đến”.
Thứ sáu: Đối với công nhân: có trách nhiệm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch của địa phương và đơn vị, giữ khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang đúng quy định, thực hiện khai báo y tế đầy đủ và kịp thời, hạn chế di chuyển, tiếp xúc, giao tiếp; rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt cho nhân công vào đầu và cuối mỗi ca (trường hợp nhiệt độ cơ thể từ 37,5 độ C trở lên, đề nghị báo ngay cho cơ quan y tế tại địa phương), đồng thời tự theo dõi sức khỏe và báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất khi có những triệu chứng sốt, ho, mệt mõi…Trường hợp công trình thi công không đảm bảo các yêu cầu trên thì phải tạm dừng hoạt động.
Thứ bảy: Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và có thể còn kéo dài, đối với các gói thầu chưa ký kết hợp đồng, đề nghị các chủ đầu tư yêu cầu các nhà thầu phải có thuyết minh biện pháp thực hiện phù hợp, vừa thi công vừa phòng, chống dịch, không ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung của tỉnh. Trừ trường hợp công trình bị buộc tạm dừng theo ý kiến của cơ quan thẩm quyền.
Ngày 7/5/2021, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã có Văn bản số 3751/CV-BCĐ gửi Các Bộ và cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đẩy mạnh khai báo y tế điện tử phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 bằng mã QR. Theo đó, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid -19 đề nghị: 1. Các Bộ, Ngành và các địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid -19, đẩy mạnh truyền thông, vận động người dân khai báo y tế điện tử thông qua mã QR Code, sử dụng một trong các phần mềm: Tờ khai y tế; NCOVI; Bluezone. 2. Các Bộ, Ngành và các địa phương theo thẩm quyền quản lý, chỉ đạo: a) Tất cả các cơ quan, bệnh viện, trường học, công ty, đơn vị, siêu thị, khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, phương tiện vận chuyển công cộng... (sau đây gọi tắt là cơ quan, đơn vị) đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng phòng, chống dịch bệnh, sử dụng mã QRCode cho cơ quan, đơn vị mình tại địa chỉ //tokhaiyte.vn. Đồng thời thực hiện kiểm soát vào và ra cơ quan, đơn vị hằng ngày đối với khách đến và đi thông qua mã QR Code, sử dụng một trong các phần mềm: Tờ khai y tế; NCOVI; Bluezone; cập nhật mức độ an toàn Covid-19 các khu vực lên trang antoancovid.vn. b) Các cơ sở cách ly tập trung và các đơn vị quản lý người cách ly tại nhà hướng dẫn người cách ly cập nhật tình trạng sức khỏe hằng ngày vào Tờ khai y tế (//tokhaiyte.vn). c) Các địa phương có dịch bệnh, phải chỉ đạo người dân ở khu vực cách ly (Tổ dân phố, xóm, thôn, bản, phường, quận, huyện,...) cập nhật tình trạng sức khỏe hằng ngày vào Tờ khai y tế (//tokhaiyte.vn). 3. Khi các Bộ, Ngành và các địa phương có nhu cầu khai thác dữ liệu khai báo y tế, đề nghị liên hệ với cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế theo địa chỉ email: [email protected]. Ban Chỉ đạo đề nghị các Bộ, Ngành và các địa phương quán triệt và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý nghiêm túc triển khai, thực hiện và chịu trách nhiệm tập thể, cá nhân trước Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. |
Bài: Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Hà Khánh
Theo