(Xây dựng) - Sau 9 tháng, nợ xấu của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã ở mức 10.388 tỷ đồng, tăng 142% so ngày đầu năm và hiện đang chiếm 2,2% dư nợ cho vay khách hàng. Như vậy, mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 2% trong năm 2023 của ngân hàng ngày càng khó…
Nợ xấu Sacombank tăng đến 142% trong 9 tháng và đã chiếm đến 50,4% vốn chủ sở hữu của ngân hàng này (ảnh minh họa). |
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (mã chứng khoán: STB) cho thấy, chất lượng nợ của ngân hàng này tiếp tục chuyển biến xấu.
Cụ thể, tại ngày 30/9, Sacombank ghi nhận nguồn vốn đã được tăng từ 38.627 tỷ đồng lên mức 43.710 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 13,2% so với ngày đầu năm. Trong đó, đóng góp cho việc tăng này chủ yếu từ lợi nhuận chưa phân phối và quỹ các tổ chức tín dụng.
Trong khi đó, tổng nợ phải trả của Sacombank cũng tăng từ mức 553.281 tỷ đồng lên mức 607.578 tỷ đồng (tăng 9,8%) so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền gửi khách hàng tại ngân hàng này tăng đến hơn 53.000 tỷ đồng (11,7%) trong 9 tháng và đang ở mức 507.833 tỷ đồng.
Ngoài những khoản nợ nội bảng trên, Sacombank cũng đang có trách nhiệm với 77.306 tỷ đồng là các cam kết và bảo lãnh ngoài bảng cân đối kế toán.
Xét về tài sản, tổng tài sản của Sacombank cũng ghi nhận mức tăng đáng kể trong 9 tháng, tương ứng với nguồn vốn và tài sản, cụ thể đã tăng từ mức 591.908 tỷ đồng lên mức 651.288 tỷ đồng (10%). Trong đó, lượng tiền mặt, vàng bạc, đá quý đã dư thêm 2.442 tỷ đồng và đang ở mức 10.292 tỷ đồng.
Cho vay khách hàng tại Sacombank cũng ghi nhận tăng từ mức 432.998 tỷ đồng vào ngày đầu năm lên mức 465.403 tỷ đồng sau 9 tháng (tăng 7,5%). Việc lượng tiền gửi lớn trong khi đó cho vay khách hàng tăng trưởng yếu hơn, dẫn tới Sacombank phải tăng 83% tiền, vàng, đá quý đi gửi và cho các tổ chức tín dụng khác vay.
Xét về chất lượng các khoản cho vay của Sacombank, ghi nhận những chuyển biến không mấy tích cực khi nợ xấu của ngân hàng này tăng đến 142% chỉ trong 9 tháng, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu vượt kế hoạch đặt ra cho cả năm 2023 và buộc ngân hàng này tăng lượng trích lập dự phòng rủi ro thêm hơn 1.000 tỷ đồng.
Cụ thể, tại ngày 30/9, nợ xấu của Sacombank đang ở mức 10.388 tỷ đồng, tăng 142% so với đầu năm và tăng 26% so với quý II/2023. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tại Sacombank ghi nhận ở mức 2.962 tỷ đồng, tăng đến 530% so với ngày đầu năm và đây cũng là nhóm nợ có mức tăng cao nhất của nợ xấu.
Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) cũng tăng với mức khó kiểm soát khi ghi nhận từ mức 731 tỷ đồng (ngày đầu năm) lên mức 3.199 tỷ đồng sau 9 tháng, tương ứng mức tăng 438%.
Đối với nhóm nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) của Sacombank, tại ngày 30/9 ghi nhận đang ở mức 4.227 tỷ đồng, trong khi đó ngày đầu năm là 3.007 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 41%.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên được tổ chức vào tháng 4/2023, một trong những mục tiêu quan trọng của Sacombank là kiểm soát nợ xấu cả năm dưới ngưỡng 2%. Với mức nợ xấu 10.388 tỷ đồng, trong khi đó, tổng cho vay khách hàng của Sacombank là 465.403 tỷ đồng như đã nói trên, khiến lượng nợ xấu của ngân hàng này đã ở mức hơn 2,2% chỉ trong 3 quý, vượt qua mục tiêu của Ban lãnh đạo Sacombank.
Không chỉ thế, vốn chủ sở hữu của Sacombank tại ngày 30/9 đang ở mức 20.602 tỷ đồng. Với lượng nợ xấu này đã chiếm đến 50,4% vốn chủ sở hữu tại ngân hàng này.
Tại Kết luận Thanh tra Chính phủ công bố vào hồi tháng 6/2023, về việc thực hiện đề án tái cơ cấu, xử lý nợ xấu ngân hàng giai đoạn 2013-2017 cho thấy nhiều bất cập xảy ra tại Sacombank. Trong đó cho thấy, tại thời điểm 31/12/2017, nợ xấu ngân hàng này chiếm tỷ lệ 4,28%, tuy nhiên, nếu tính cả nợ bán cho VAMC chưa xử lý thì tỷ lệ nợ xấu là 19,71%. Hay, tính đến 30/6/2018, nợ xấu Sacombank với tỷ lệ 3,3%, nếu tính cả nợ bán cho VAMC chưa xử lý là 17,19%. |
Hà Gia
Theo