(Xây dựng) – Ranh giới thửa đất giúp xác định các quyền của người sử dụng đất đối với đơn vị diện tích đất nhất định. Ranh giới thửa đất là đường vẽ trên bản đồ địa chính hoặc mốc giới trên thực địa nhằm phân định các mảnh đất liền kề.
Ảnh minh họa (nguồn: TL). |
Theo Khoản 1, Điều 175, Bộ luật Dân sự 2015 ranh giới giữa các thửa đất được xác định như sau:
Ranh giới giữa các thửa đất liền kề được xác định theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp.
Không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng. Mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung.
Bên cạnh quy định chung nêu trên thì khi xác định ranh giới thửa đất, cần phải căn cứ theo quy định của pháp luật đất đai. Cụ thể, theo Điểm 1.2, Khoản 1, Điều 11, Thông tư 25/2014/TT-BTNMT:
Khi không có tranh chấp ranh giới, ranh giới thửa đất được xác định theo hiện trạng đang sử dụng, quản lý và chỉnh lý theo kết quả cấp Giấy chứng nhận (sổ đỏ, sổ hồng), bản án của Tòa án, kết quả giải quyết tranh chấp của cấp có thẩm quyền, các quyết định hành chính của cấp có thẩm quyền có liên quan đến ranh giới.
Trường hợp đang có tranh chấp về ranh giới, đơn vị đo đạc có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân (UBND) xã, phường, thị trấn nơi có thửa đất để giải quyết.
Nếu tranh chấp chưa giải quyết xong trong thời gian đo đạc ở địa phương mà xác định được ranh giới thực tế đang sử dụng, quản lý thì đo đạc theo ranh giới thực tế đang sử dụng, quản lý đó; nếu không thể xác định được ranh giới thực tế đang sử dụng, quản lý thì được phép đo vẽ khoanh bao các thửa đất tranh chấp.
Theo đó, đơn vị đo đạc có trách nhiệm lập bản mô tả thực trạng phần đất đang tranh chấp thành 2 bản, 1 bản lưu hồ sơ đo đạc, 1 bản gửi UBND xã, phường, thị trấn để thực hiện các bước giải quyết tranh chấp tiếp theo theo thẩm quyền.
Thảo Phương
Theo