(Xây dựng) - Mới đây, tại Hội thảo khoa học “Giải pháp tăng cường khả năng thoát nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho khu vực Hà Nam” do thị xã Quảng Yên phối hợp với Viện Kỹ thuật công trình (Trường Đại học Thủy lợi) tổ chức, thị xã Quảng Yên đã đề ra những giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu ngập úng và ô nhiễm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Hiện trạng 1 kênh thoát nước trên địa bàn thị xã Quảng Yên đang bị ô nhiễm. |
Theo đó, những năm gần đây, khu vực Hà Nam với 8 xã, phường có quy mô dân số trên 52.000 người thường xuyên phải đối mặt với tình trạng ngập úng cục bộ và ô nhiễm môi trường. Đây là khu vực có địa hình bằng phẳng nhưng lại trũng, thấp với hầu hết diện tích tự nhiên đều nằm dưới mực nước biển trung bình khoảng 0,5m, được bao bởi 34km đê biển là tuyến đê cấp III trọng yếu duy nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Qua rà soát đánh giá của thị xã Quảng Yên, hiện nay khu vực Hà Nam đang sử dụng hệ thống thoát nước chung giữa nước thải và nước mưa do khu vực này hầu như chưa có hệ thống thoát nước mưa. Nước thải sinh hoạt từ hệ thống bể tự hoại của các hộ dân và nước thải chăn nuôi chưa qua xử lý đều chảy trực tiếp vào hệ thống thoát nước chung và thoát trực tiếp ra các sông ra biển là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Thực tế tại một số tuyến sông, ao, hồ tại các phường: Phong Cốc, Phong Hải, xã Liên Vị… đang bị ô nhiễm nghiêm trọng gây ra tình trạng bồi lắng lòng kênh, giảm khả năng tiêu thoát lũ, gây ngập lụt cục bộ. Trong khi đó hệ thống 9 cống tiêu dưới đê Hà Nam đảm nhận tiêu thoát nước chính cho toàn bộ khu vực Hà Nam chưa đáp ứng được yêu cầu, mỗi khi có mưa lớn gặp thủy triều dâng gây ngập lụt nghiêm trọng, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, thời gian qua tại khu vực các xã đảo Hà Nam triển khai nhiều dự án hạ tầng như: Tuyến đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; tuyến đường Phong Hải đến Nam Tiền Phong; tuyến đường ven sông từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến Tỉnh lộ 338; tuyến đường Chợ Rộc - Phong Hải; xây dựng các khu công nghiệp Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong. Theo ý kiến của các chuyên gia, việc triển khai những dự án này gây nhiều biến động đến địa hình tự nhiên khu vực Hà Nam, tác động tới hệ thống tiêu thoát nước hiện có. Bởi việc thay đổi địa hình san lấp khi xây dựng các dự án sẽ làm thay đổi chế độ dòng chảy, thu hẹp không gian đồng hóa chất thải, từ đó làm giảm khả năng chịu tải của hệ thống tiếp nhận nước thải hiện tại, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.
Từ thực trạng trên, cùng với sự tham vấn của các chuyên gia thủy lợi, thị xã Quảng Yên đã đưa ra các giải pháp tiêu thoát nước và giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại khu vực Hà Nam. Đó là ưu tiên nguồn vốn đầu tư các dự án thủy lợi và công trình phụ trợ môi trường thông qua việc cải tạo, nâng cấp một số cống lưu vực, kênh, cống thoát nước chính, cống qua đường, hồ điều hòa; xây dựng thêm cống tiêu số 1 và số 2 để tăng cường thoát nước ra sông Chanh cho khu vực Bắc Tiền Phong; đầu tư xây dựng 5 trạm bơm tại các phường Yên Hải, Phong Cốc, Phong Hải và các xã Liên Vị, Liên Hòa để đảm bảo tiêu thoát nước khi mực nước sông Chanh và sông Rút cao hơn mực nước trong hệ thống thoát nước; đầu tư xây dựng thêm các tuyến cống thu gom nước thải riêng hoàn toàn tại các khu vực đô thị mới… Những giải pháp này nếu được triển khai sớm sẽ giúp khu vực Hà Nam giảm thiểu ngập úng và ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nơi đây.
Hoàng My
Theo