(Xây dựng) - Một ngày cuối tháng 5 trời nắng như đổ lửa, chúng tôi có chuyến vi hành đến các cụm công nghiệp trên quê lúa Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Dây chuyền sản xuất ván ghép thanh của Công ty TNHH MTV gỗ Nguyên Phong tại cụm công nghiệp Ái Tử. |
Từ Quốc lộ 1A, ngược lên phía Tây đi khoảng chừng hai cây số, trước mắt chúng tôi là cả một cụm nhà máy sản xuất chế biến sản phẩm từ gỗ. Tiếng máy in ỏi, từng tốp công nhân đang miệt mài công việc dường như quên đi cái nóng rát bỏng giữa ngày đầu hè.
Đang trực tiếp chỉ đạo sản xuất, thấy chúng tôi, ông Lê Văn Hưởng - Giám đốc Công ty TNHH MTV gỗ Nguyên Phong vui mừng tiếp chuyện. Ông Hưởng chia sẻ, Công ty TNHH MTV gỗ Nguyên Phong ra đời cách đây hơn 20 năm, có ngành nghề chính là sản xuất, chế biến các sản phẩm từ gỗ rừng trồng. Đến năm 2010, Công ty đã chuyển đến hoạt động tại cụm công nghiệp Ái Tử, huyện Triệu Phong. 10 năm qua, Công ty TNHH MTV gỗ Nguyên Phong trải qua bao khó khăn, thách thức, nhưng với sự quyết tâm cao, luôn năng động, dám nghĩ biết làm, cùng với sự giúp sức của huyện Triệu Phong bằng các chính sách thu hút đầu tư, nên Công ty TNHH MTV gỗ Nguyên Phong có những bước tiến vừng chắc.
Nếu như những năm đầu hoạt động tại cụm công nghiệp Ái Tử sản xuất chỉ xấp xỉ 1.000 – 1.700m3 gỗ sản phẩm/năm với vài chục lao động, thì những năm trở lại đây, công suất của Công ty đạt trên 5.000m3 sản phẩm/năm (bao gồm gỗ phôi và ván ghép thanh), tạo việc làm ổn định cho gần 200 lao động, với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng và luôn hoàn thành tốt nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Không chỉ Công ty TNHH MTV gỗ Nguyên Phong, tại cụm công nghiệp Ái Tử còn có nhiều doanh nghiệp sản xuất chế biến từ gỗ rừng trồng hoạt động có hiệu quả, như: Công TNHH MTV Thông Phát, Công ty TNHH MTV Mạnh Triều, Công ty TNHH chế biến lâm sản Huy Phong…
Ông Đoàn Quang Luận - Giám đốc Trung tâm phát triển cụm công nghiệp và khuyến công huyện Triệu Phong phấn khởi cho biết: Cụm công nghiệp Ái Tử có diện tích tuy không lớn (11ha), nhưng các dự án đầu tư vào đây phần lớn làm ăn có hiệu quả. Hiện tại có 10 dự án đang hoạt động, nộp ngân sách Nhà nước 5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho hơn 500 lao động với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Điều đáng quan tâm là trong 10 dự án thì có đến 8 dự án sản xuất chế biến từ gỗ rừng trồng, có nguyên liệu đầu vào và có thị trường đầu ra rất ổn định. Các doanh nghiệp đã đầu tư vào diện tích rừng trồng và luôn chủ động khoảng 40% nguyên liệu đầu vào, chính vì thế nên các nhà máy luôn chủ động nguyên liệu để hoạt động…
Rời cụm công nghiệp Ái Tử, chúng tôi đến cụm công nghiệp Đông Ái Tử. Cách Quốc lộ 1A khoảng chừng chưa đến 200m về hướng Đông. Cụm công nghiệp Đông Ái Tử tọa lạc trên diện tích một phần của sân bay quân sự (cũ), với tổng diện tích trên 35ha. Mới đưa vào hoạt động từ năm 2018, nhưng đến nay, số dự án đã đăng ký và lấp đầy khoảng 95% diện tích của 16 nhà đầu tư, tổng số vốn đăng ký gần 790 tỷ đồng, số lao động dự kiến thu hút gần 6.000 người.
Cho đến thời điểm hiện tại có 16 dự án được UBND tỉnh Quảng Trị cấp chủ trương đầu tư, 14 dự án hoàn thiện thủ tục giao đất. Các dự án có mức vốn đầu tư lớn như: Nhà máy sản xuất và gia công may mặc PI VINA thuộc Công ty Poogin Vina, có tổng mức vốn đầu tư trên 463 tỷ đồng; Nhà máy may xuất khẩu Triệu Phong thuộc Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ, có tổng mức vốn đầu tư gần 110 tỷ đồng; Nhà máy khi công nghiệp Quảng Trị thuộc Công ty Cổ phần Khí công nghiệp Nghệ An, có mức vốn đầu tư 14,5 tỷ đồng…
Nhà máy may xuất khẩu Triệu Phong thuộc Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ đang hiện hữu trên cụm công nghiệp Đông Ái Tử. |
Đến thời điểm hiện tại, cụm công nghiệp Đông Ái Tử đã có 2 dự án được khởi công, đó là nhà máy may xuất khẩu Triệu Phong, thuộc Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ và nhà máy sản xuất gia công & may mặc PI VINA Quảng Trị thuộc Công ty Poogin Vina. Mặc dù thi công trong giai đoạn bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhưng đến nay dự án nhà máy may xuất khẩu Triệu Phong đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1, nhà xưởng, tường rào… đã hiện hữu.
Ông Đoàn Quang Luận cho biết thêm: Tháng 8/2020, Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ sẽ đưa nhà máy may Triệu Phong giai đoạn 1 vào hoạt động, trước mắt sẽ tuyển gần 600 lao động. Nhà máy sản xuất gia công và may mặc PI VINA Quảng Trị thuộc Công ty Poogin Vina khởi công vào tháng 3/2020, vì dịch bệnh Covid-19 nên đến nay vẫn chưa triển khai thi công, do đại diện chủ đầu tư là người Hàn Quốc, hiện ông đang ở Hàn Quốc chưa về Việt Nam, sau khi dịch bệnh Covid-19 lắng xuống sẽ triển khai thi công.
Triệu Phong được mệnh danh là vựa lúa của tỉnh Quảng Trị, bởi nơi đây có những cánh đồng lúa bao la, thổ nhưỡng màu mỡ, có hệ thống thủy lợi Nam Thạch Hãn mang một dòng nước dồi dào tưới tiêu cho cây trồng, nên năng suất và sản lượng luôn đứng top đầu của tỉnh Quảng Trị. Cùng với đó, trên vùng quê lúa này có những cụm công nghiệp đã và đang phát triển, mang thêm những kỳ vọng mới cho nền kinh tế ở một huyện vốn thuần nông này.
Hữu Tiến
Theo