(Xây dựng) - Nhiều năm qua, mỗi khi cần di chuyển qua cửa khẩu quốc tế Lay La (Quảng Trị) những chiếc xe tải phải nhờ cậy đến xe ủi để đẩy kéo qua con đường lầy lội đầy ổ trâu, ổ voi này.
Xe ủi “hì hục” đẩy tưng chiếc xe tải vượt qua đoạn đường lên cửa khẩu quốc tế La Lay. |
Những ngày trung tuần tháng tư, cửa khẩu quốc tế La Lay trong tiết trời mưa, khi xe chúng tôi đến tại trạm Biên phòng Lay Lay (Biên phòng tỉnh Quảng Trị) thì không thể đi tiếp được. Đoạn đường đến cửa khẩu tuy chỉ còn chưa đầy một cây số, nhưng cả đoàn xe tải phía trước đang bị mắc kẹt bởi lầy lội, ổ voi. Một chiếc máy ủi đang thi công cận đó “hì hục” đẩy từng xe một vượt qua đoạn đường này. Anh Trần Khánh, lái xe tải của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoàng Dũng (có trụ sở tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) thốt lên: “Ôi thật là khổ ải khi lái xe qua đường cửa khẩu La Lay”.
Ông Đỗ Minh Hoàng - Giám đốc Công ty Hoàng Dũng cho biết, doanh nghiệp ông có gần 20 xe ôtô vận tải hàng hóa có đầu kéo, vừa vận chuyển hàng hóa cho đơn vị vừa vận chuyển hợp đồng hàng hóa cho các doanh nghiệp khác, bình quân mỗi xe qua về cửa khẩu Quốc tế La lay từ 2-4 chuyến/tháng. Các xe qua lại cửa khẩu ngoài việc thực hiện các nghĩa vụ thuế, thì doanh nghiệp còn nộp thêm một khoản phí do Trung tâm quản lý cửa khẩu (Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Trị) thu, đây được xem như là khoản phí dịch vụ sử dụng giao thông, bến bãi khi qua cửa khẩu. Doanh nghiệp phải tốn tiền phí qua cửa khẩu, nhưng sử dụng sản phẩm kém chất lượng. Oái oăm hơn, doanh nghiệp phải còn mất thêm một khoản thuê xe ủi để kéo, đẩy mỗi khi xe bị mắc lầy.
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế La Lay (Cục Hải quan Quảng Trị), mỗi ngày, tại cửa khẩu này có khoảng từ 60-100 lượt phương tiện vận chuyển hàng hóa qua lại cửa khẩu, các xe chủ yếu vận chuyển hàng từ Lào về như than đá, gỗ, sắn… Đoạn đường vào cửa khẩu La Lay (phía Việt Nam) bị lầy lội, gây ách tắc giao thông. Có những lần kẹt xe nhiều ngày, không những làm chậm trễ dòng hàng vận chuyển, mà những chuyến hàng nông sản bị hư hỏng, gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp.
Từ cửa khẩu quốc gia La Lay, được Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào nâng cấp thành cửa cửa khẩu quốc tế La Lay vào tháng 5/2014. Mang tầm là cửa khẩu quốc tế, nhưng việc đầu tư hạ tầng hết sức “nhỏ giọt”. Cụ thể, từ năm 2017, dự án sân, nền, đường và trung tâm kiểm soát liên hợp, cửa khẩu quốc tế La Lay được đầu tư và triển khai thi công gồm có hai chủ đầu tư. Trong đó, công trình phần sân, nền đường do Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư, bằng nguồn kinh phí Trung ương; Công trình trung tâm kiểm soát liên hợp do Tổng cục hải quan làm chủ đầu tư, bằng nguồn vốn của Tổng cục Hải quan, nhưng do bố trí vốn “nhỏ giọt” theo từng năm một, nên dự án đã kéo dài trong nhiều năm mà vẫn chưa hoàn thành.
Điều đáng quan tâm, từ khi triển khai dự án đến nay, đoạn đường vào cửa khẩu khoảng gần 1km (phía Việt Nam) được làm bằng đường tạm, nguyên vật liệu chủ yếu là đất, đá. Về mùa mưa, đoạn đường tạm này bị lầy lội, nhão nhoét, xuất hiện nhiều ổ trâu, ổ voi, nhiều tảng đá lớn bật lên trên mặt đường… Từ thực tế này, Chi cục Hải quan La Lay phản ánh với Trung tâm quản lý cửa khẩu, nhưng việc khắc phục chậm và chưa hợp lý, cụ thể là cho rải đá khi chưa dọn sạch bùn đất, điểm gây tắc xe tại khúc cua của tuyến đường không được giải quyết triệt để. Ngoài ra không có phương tiện san gạt, lu…hơn nữa việc khắc phục trong khi trời đang có mưa nên càng làm cho các điểm tắc, kẹt xe càng tồi tệ hơn.
Do quá “khổ ải” mỗi lần qua cửa khẩu Quốc tế La Lay về mùa mưa, nên các doanh nghiệp đã bức xúc, làm đơn đề nghị chính quyền địa phương cũng như các ban ngành liên quan tìm cách khắc phục. Trong đơn gửi UBND tỉnh Quảng Trị và các ban ngành liên quan, Công ty Cổ phần Logistics PTS Việt Nam nhấn mạnh: “Năm 2022, Tổng Công ty PTS Việt Nam thực hiện một hợp đồng vận chuyển khoảng 3 triệu tấn hàng với đối tác từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu La Lay, nhưng việc ách tắc giao thông tại đoạn đường vào cửa khẩu vô hình chung đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện hợp đồng, gây ra thiệt hại kinh tế vô cùng lớn đối với đơn vị chúng tôi nói riêng và các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới, trong khi hàng năm các doanh nghiệp luôn tuân thủ việc đóng các khoản phí xây dựng cơ sở hạ tầng, phí môi trường và các loại thuế”.
Đường vào cửa khẩu La Lay, tính từ Quốc lộ 9 có chiều dài hơn 60km. Đây là một còn đường vốn dĩ chật hẹp, ngoằn ngoèo, dốc đồi hiểm trở, lại gặp thêm đoạn đường tạm vào đến trung tâm kiểm soát liên hợp cửa khẩu lầy lội, khó đi tạo thêm áp lực lớn cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vận tải và các đơn vị có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu Quốc tế La Lay đang khẩn nghị chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan sớm khắc phục tình trạng tắc, kẹt xe nói trên, giải tỏa những áp lực, khó khăn mà doanh nghiệp phải “gánh gồng” trong nhiều năm nay.
Hữu Tiến
Theo