(Xây dựng) – Gần 10 năm khởi động và triển khai thi công, nhưng đến nay, vẫn còn hàng loạt công trình trạm y tế thuộc Dự án nâng cấp cơ sở vật chất ngành Y tế tỉnh Quảng Trị trên địa bàn huyện Hải Lăng ngổn ngang, thậm chí nhiều công trình bị nhà thầu bỏ ngỏ.
Công trình Trạm y tế xã Hải Chánh sau khi hoàn thành phần thô thì phải tạm dừng trong nhiều tháng nay, để chờ đợi nhà tài trợ vốn đồng ý gia hạn thời gian thi công tiếp. |
Dự án nâng cấp cơ sở vật chất ngành Y tế tỉnh Quảng Trị gồm 2 hợp phần. Hợp phần xây lắp bao gồm: Xây mới nhà xét nghiệm thuộc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và 7 trạm y tế xã thuộc huyện Hải Lăng (thị trấn Hải Lăng, Hải Chánh, Hải Lâm, Hải Xuân, Hải Sơn, Hải Trường, Hải Quy). Hợp phần trang thiết bị bao gồm: Mua sắm trang thiết bị y tế cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Y tế Hải Lăng và 20 trạm y tế xã thuộc huyện Hải Lăng. Tổng mức đầu tư 73.707.000.000 đồng, trong đó vốn ODA do Chính phủ Italia tài trợ 2.000.000 EUR, tương đương 57.700.000.000 đồng; vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 16.007.000.000 đồng. Hợp phần xây lắp 695.000 EUR; hợp phần trang thiết bị 1.305.000 EUR. Thời gian ký Hiệp định vay 29/7/2013; thời gian có hiệu lực của Hiệp định vay ngày 02/10/2013; thời gian giải ngân vốn ODA do Italia tài trợ đến 31/12/2022. Dự án do Sở Y tế tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư.
Mặc dù dự án nói trên có hiệu lực gần một thập niên này, nhưng đến thời điểm hiện tại, khối lượng thực hiện của dự án đạt còn thấp. Điều đáng nói, 5/7 công trình trạm y tế xây dựng đang còn dở dang. Cụ thể, có 2 trạm xây dựng từ 65-85% mới cơ bản hoàn thành phần thô, 3 trạm chưa được triển khai thi công.
Công trình Trạm y tế xã Hải Chánh khối lượng thi công xây dựng công trình đạt khoảng 65% so với hợp đồng đã ký, Trạm y tế xã Hải Trường khối lượng thi công xây dựng công trình đạt 85% theo hợp đồng đã ký; 3 trạm y tế còn lại thuộc các xã Hải Lâm, Hải Sơn và thị trấn Hải Lăng, các nhà thầu đã trúng thầu từ chối, không thực hiện thi công công trình theo hợp đồng đã ký kết nên đến nay chưa triển khai thực hiện.
Theo chủ đầu tư (Sở Y tế tỉnh Quảng Trị), nguyên nhân dẫn đến việc thi công chậm trễ của các công trình trạm y tế nói trên là: Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục đầu tư vào năm 2013, nhưng qua hơn 6 năm kể từ ngày danh mục dự án được thống nhất, dự án mới triển khai thực hiện nên tỷ giá giữa đồng EUR và VNĐ thay đổi, lạm phát và tăng giá, chi phí nhân công, chi phí nguyên vật liệu tăng, dẫn đến giá trị các hợp phần không còn phù hợp so với giá trị phê duyệt ban đầu.
Đối với 2 gói thầu xây dựng Trạm y tế xã Hải Chánh và Hải Trường, do thủ tục giải ngân chủ đầu tư không trực tiếp thanh toán cho nhà cung cấp mà phải thông qua Cục Quản lý nợ - Bộ Tài chính để nhà tài trợ trực tiếp thanh toán cho nhà cung cấp nên việc thanh toán phải qua nhiều bước (xác nhận tại Kho bạc Nhà nước, trình Bộ Tài chính, Bộ Tài chính gửi văn bản cho phía nhà tài trợ, nhà tài trợ xem xét hồ sơ nếu đảm bảo thì mới thanh toán cho đơn vị cung cấp…) nên nhà thầu rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn thực hiện.
Bên cạnh đó, dự toán công trình đã được phê duyệt từ năm 2016 nên mức giá không còn phù hợp với giai đoạn hiện nay nên nhà thầu đã ký kết hợp đồng không còn “mặn mà” để thực hiện các hạng mục tiếp theo của hợp đồng. Nhà thầu thi công 2 công trình trên khi thực hiện dự án, đã được chủ đầu tư nhiều lần mời họp và trao đổi để thống nhất phương án cụ thể để hoàn thành theo kế hoạch đề ra, nhưng đơn vị thi công không tiếp tục thực hiện do thủ tục thanh toán qua nhiều công đoạn, thủ tục thẩm định lại hồ sơ Anti-Mafia phía nhà tài trợ chậm và thay đổi mẫu nhiều lần. Vì vậy, hiện nay 2 đơn vị thi công của 2 công trình đã ngừng thi công lại, đồng thời hiện nay thời gian thực hiện gia hạn dự án đã hết, đợi dự án được gia hạn để thực hiện thi công trở lại.
Riêng 3 trạm y tế: Hải Lâm, Hải Sơn và thị trấn Hải Lăng chưa thi công do các nhà thầu từ chối, không thực hiện thi công công trình theo hợp đồng đã ký kết (từ chối thực hiện hợp đồng do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, như: Biểu mẫu bảo lãnh tạm ứng theo quy định của nhà tài trợ có sự khác biệt so với quy định của Chính phủ Việt Nam nên mất nhiều thời gian điều chỉnh, mỗi lần thay đổi phải mất nhiều tháng mới có ý kiến. Một số ngân hàng phát hành thư bảo lãnh không chấp thuận điều chỉnh; dự toán công trình tăng cao so với thời điểm phê duyệt năm 2016 nên không thể thực hiện...Vì vậy, chủ đầu tư đã thực hiện các thủ tục chấm dứt hợp đồng với các nhà thầu thi công xây dựng công trình theo quy định hiện hành.
Một vị lãnh đạo huyện Hải Lăng cho hay: Việc tiếp tục hoàn thiện 2 công trình trạm y tế đang xây dựng dở dang và triển khai thi công hoàn thành 3 trạm y tế chưa được thi công là vấn đề không những cấp bách nhằm phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân, mà còn hoàn thành tiêu chí về đích nông thôn mới và tiêu chí Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hải Lăng lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Sự sốt sắng đó phản ánh một cách thực tế, khi chúng tôi có mặt tại công trường Trạm y tế của xã Hải Chánh. Bởi, trong lúc công trình trạm tạm dừng thi công chỉ mới hoàn thành phần thô và phải chờ nhà tài trợ gia hạn thời gian thực hiện đến năm 2024, nhưng UBND huyện Hải Lăng đã bố trí ngân sách địa phương đầu tư xây dựng các hạng mục như hàng rào bao quanh, san lấp để hoàn thiện sân vườn quanh trạm.
Ông Bùi Văn Sinh - Chủ tịch UBND xã Hải Chánh chia sẻ: Từ lúc triển khai xây dựng công trình trạm y tế mới, nhân dân trong xã rất phấn khởi, bởi lẽ trạm y tế cũ của xã được xây dựng từ năm 1980, không những chật hẹp mà đã xuống cấp nghiêm trọng, nên công tác khám, chữa bệnh của trạm y tế xã gặp rất nhiều khó khăn, người dân nơi đây rất mong chờ trạm mới sớm được hoàn thành.
Về phía tỉnh Quảng Trị, từ năm 2021-2022, UBND tỉnh này đã có các văn bản gửi báo cáo Chính phủ và các Bộ liên quan đề nghị cho phép dừng sử dụng vốn ODA của Chính phủ Italia để đầu tư 3 công trình trạm y tế chưa triển khai thi công, giao UBND tỉnh Quảng Trị chủ động cân đối, bố trí các nguồn vốn khác thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương để đầu tư hoàn thành 3 công trình nói trên, nhưng đến nay chưa được xem xét, giải quyết cụ thể. Vậy là các công trình trạm y tế của 5 xã nói trên vẫn còn ngổn ngang, người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa tiếp tục chờ đợi về một cơ sở y tế mới khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Hữu Tiến
Theo