(Xây dựng) - “Ngày miền mỏ bất khuất” phát tích từ thắng lợi của cuộc bãi công trên 3 vạn thợ mỏ than vùng, dưới ách đô hộ của thực dân Pháp vào ngày 12/11/1936. Sau này gọi là ngày truyền thống của công nhân vùng mỏ - ngày truyền thống ngành Than. “Ngày miền mỏ bất khuất” tráng ca đã đi vào lịch sử vùng than Quảng Ninh.
Sơ đồ cuộc tổng bãi công tháng 11/1936 của công nhân mỏ Quảng Ninh, trưng bày tại nhà lưu niệm truyền thống của trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam. |
Mỏ than bị bán cho Pháp
Theo các tài liệu tiếng Pháp lưu trữ tại Bảo tàng Quảng Ninh, thời Nhà Nguyễn năm 1865, người Hoa đã khai thác than lộ vỉa ở khu vực Quảng Ninh ngày nay. Năm 1881, viên Công sứ Pháp Fuche Saladin đã thực địa nghiên cứu về các mỏ than ở khu vực này.
Năm 1883, được tin triều đình nhà Nguyễn đang có ý định nhượng quyền khai thác khu mỏ than cho một công ty người Hoa ở Quảng Đông; ngày 12/3/1883, sau khi đánh chiếm được Bắc Kỳ, viên trung tá hải quân Pháp Henri Rivière (1827-1883) liền đem quân đánh chiếm Quảng Yên (tỉnh Quảng Yên thời ấy cương vực dài từ xã Cộng Hòa, Cẩm Phả đến Chí Linh, Hải Dương), chiếm luôn các mỏ than ở đây và đặt 1 đồn binh canh giữ gồm có 25 binh sỹ.
Ngày 6/6/1884, Chính phủ Pháp ký kết một hiệp ước với triều đình nhà Nguyễn, trong đó có điều khoản số 18 nghiêm cấm tuyệt đối việc khai thác bất kỳ một mỏ than nào ở Bắc Kỳ trước khi thỏa thuận khai thác được chấp nhận. Đại diện Chính phủ Pháp là Tổng công sứ Victor Gabriel Lemaire và đại diện triều đình nhà Nguyễn là quan Tổng quản triều đình Phạm Thận Duật đã ký hiệp ước trên.
Ngày 26/7/1884, Phạm Thận Duật thay mặt triều đình Huế ký nhượng bán mỏ than cho đại diện tư bản Pháp là Bavie Chauffour với sự chứng thực của các quan đại thần trong triều gồm Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Gia Hưng Quận Vương và một linh mục là Cha Thơ.
Văn tự bán mỏ gồm 10 điều. Chỉ với 40.000 Mễ Tây Cơ (đồng bạc Mexico - một trong các loại tiền lưu hành tại Việt Nam thế kỷ 19), triều đình Huế đã nhượng cho tư bản Pháp phần lãnh thổ từ kinh tuyến 104o37, đến 104o43, và khoảng từ vĩ tuyến 20o57, đến 21o02, cơ bản là mua hết ranh giới các vỉa than dưới lòng đất cùng với tất cả rừng núi, sông ngòi trên mặt đất. Thời hạn chuyển nhượng là 100 năm tính từ ngày ký.
Quảng trường 12/11 rộng 5,9ha ở phường Cẩm Tây, thành phố Cẩm Phả. |
Có bóc lột thì có đấu tranh
Ngày 28/4/1888, một công ty khai thác than đá lớn nhất nước Pháp được thành lập mang tên Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (Société Francaise des charbonnages du Tonkin, viết tắt là S.F.C.T). S.F.C.T được quyền quản lý, khai thác vùng đất “nhượng địa” rộng lớn của tỉnh Quảng Yên kéo dài từ Mông Dương qua Cẩm Phả, Hồng Gai đến Vàng Danh, Mạo Khê, Đông Triều. Trong đó có 6 mỏ lớn, nhiều mỏ nhỏ, 2 bến cảng đảm bảo cho tàu trọng tải 3.000 - 10.000 tấn vào ra, một nhà máy điện có công suất 1.000KW, 2 nhà máy cơ khí và nhiều trạm cơ khí nhỏ. Đây là cơ sở công nghiệp có quy mô lớn ra đời đầu tiên ở Việt Nam và Đông Dương.
Ở trong vùng đất “nhượng địa”, bọn chủ mỏ thực dân Pháp không đầu tư an sinh xã hội mà sử dụng tổng hợp các phương thức bóc lột kiểu tư bản, phong kiến và chủ nô với những thủ đoạn cưỡng bức kinh tế và siêu kinh tế hết sức tàn nhẫn nhằm mục đích thu lợi tối đa. Người lao động bị bần cùng hóa và kiệt sức lao động.
“Kỷ luật - đồng tâm” là truyền thống quý báu của công nhân vùng mỏ Quảng Ninh. |
Ngày 12/11/1936, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đặc khu Ủy, Đảng ta với phương châm “kỷ luật - đồng tâm” đã chỉ đạo, tổ chức, tập hợp trên 3 vạn thợ mỏ và các tầng lớp nhân dân khu vực Cẩm Phả làm nên thắng lợi của cuộc đình công - bãi thị đòi chủ mỏ phải tăng lương, giảm giờ làm, không dùng bạo lực điều hành sản xuất.
Thắng lợi của cuộc bãi công của công nhân mỏ Cẩm Phả đã cổ vũ công nhân toàn khu mỏ đồng loạt bãi công. Ngày 23/11/1936, công nhân nhà máy cơ khí Hồng Gai, nhà máy sàng - luyện than Hồng Gai, nhà máy điện Cột 5, các mỏ than Hà Tu, Hà Lầm đồng loạt bãi công. Ngày 24/11/1936, công nhân mỏ than Mông Dương kéo đến gặp chủ mỏ đòi tăng lương. Ngày 25/11/1936, công nhân nhà sàng Cửa Ông và cảng Cửa Ông, các mỏ than Kế Bào, Cái Đá, Đồng Đăng cũng cấp tập bãi công đòi quyền lợi chính đáng của người lao động. Ngày 27/11/1936, công nhân khu vực Hà Tu, Hà Lầm, Cai Đá… hàng nghìn người tập trung tại sân bóng đá Hồng Gai biến thành cuộc biểu tình, biểu dương lực lượng.
Chiều 28/11/1936, giới chủ mỏ toàn vùng than từ mỏ than Mông Dương, Kế Bào, Cẩm Phả, Hà Tu, Hà Lầm, Cai Đá, Đồng Đăng, Uông Bí, Vàng Danh, Mạo Khê, Đông Triều… đã phải nhượng bộ tăng 10% lương cho tất cả công nhân mỏ.
Tượng đài chiến thắng cuộc bãi công ngày 12/11/1936 của 3 vạn thợ mỏ Cẩm Phả xây dựng tại chân dốc đường lên mỏ Đèo Nai, thuộc phường Cẩm Tây, thành phố Cẩm Phả. |
Vậy là sau 17 ngày đêm (từ đêm 12/11 đến chiều 28/11/1936), cuộc tổng bãi công của thợ mỏ vùng than Đông Bắc (Quảng Ninh) đã giành được thắng lợi. Đây là cuộc bãi công lớn nhất, tiêu biểu cho phong trào cách mạng nước ta thời kỳ 1936-1939. Thắng lợi của cuộc tổng bãi công đã để lại bài học sâu sắc về ý thức “kỷ luật - đồng tâm”, “kỷ luật và đồng tâm” là truyền thống và niềm tự hào của các thế hệ thợ mỏ. Chính vì thế, ngày 12/11/1936 “Ngày miền mỏ bất khuất” đã đi vào lịch sử và trở thành tráng ca của công nhân vùng mỏ Quảng Ninh.
Vũ Phong Cầm
Theo