(Xây dựng) - Tại vùng ven bờ Vịnh của TP. Hạ Long, mặc dù biết dưới đáy Công trình là túi bùn khổng lồ nhưng người ta vẫn cho xây ngay một Quảng trường 30/10 vào năm 2010 thật hoành tráng. Với diện tích 35.700m2; giá trị đầu tư khoảng 60 tỷ đồng; Công trình do Ban Quản lý dự án Công trình Văn hoá Thể thao tỉnh làm chủ đầu tư. Sau một thời gian thi công khẩn trương, Công trình được khánh thành vào cuối năm 2012, nhưng mặt nền đã bắt đầu sụt lún gây hư hại và rất thiếu mỹ quan. Sự lún dần của mặt nền Quảng trường có thể kéo dài cả chục năm và sự phí tổn, khó khăn trong công tác khắc phục đang là sự thách đố đối với các ngành chức năng tại Quảng Ninh.
Một buổi lễ hội tại Quảng trường 30/10.
Mặt dù đã được sửa chữa nhiều lần, nhưng “đan đi không tày dặm lại”, Quảng trường 30/10 ngày càng bộc lộ rõ công trình xây dựng kém chất lượng. Hiện, bề mặt Quảng trường biến dạng, nhiều điểm lún thụt, vỡ nứt, trũng, đọng nước sau mưa. Thảm hại hơn, những hạng mục lát đá liền phiến, một loại vật liệu đắt tiền mà nhiều ô bị lún, nứt, do mặt đất lồi lõm, cong vênh. Đoạn vỉa hè không liền khối, ít xô lệch, cũng bị bẻ gẫy nhiều đoạn.
Mặt sân lát đá hoa đang lún và bị bong lên từng mảng.
Công trình xây dựng này là một trong những công trình trọng điểm quy mô của tỉnh, nằm trong quần thể công trình Bảo tàng, Thư viện tỉnh - Cung qui hoạch, hội chợ và triển lãm.
Quảng trường 30/4 hư hỏng, lún thụt không những gây mất mỹ quan thành phố Hạ Long, nơi vừa được nâng cấp lên đô thị loại I, mà còn gây mất an toàn cho các hoạt động văn hóa thể thao, đặc biệt là sói mòn lòng tin của dân vào cán bộ nhà nước tiều ngân sách, đang “ném tiền qua cửa sổ”. Bởi còn liên quan đến cả quần thể công trình, Quảng trường 30/4 là điểm “lộ sáng”. Cung qui hoạch, hội chợ và triển lãm rộng 62.363m2, diện tích xây dựng 20.678m2, giá trị thân vỏ 622 tỷ đồng. Bảo tàng, Thư viện Tỉnh trên ngàn tỷ đồng...không “bình chân” được.
Tại sao công trình đầu tư trọng điểm mà kém chất lượng như vậy? Chủ đầu tư tiết lộ, do quá trình đổ đất lấn biển, tạo nên lớp bùn không được xử lý triệt để. Còn những kỹ sư lành nghề xây dựng- kiến trúc ở địa phương và những người dân sinh sống liền kề công trình thì bảo, khi đổ đất lấn biển nhà đầu tư không nạo vét lớp bùn đáy nước, mà đóng cọc cừ quây biển, rồi ào ào đổ đất xuống, nên phần trên thì cứng, phía dưới vẫn bùng nhùng lớp bùn lỏng…
Khi “khai tử” bãi triều, Ban Quản lý dự án Công trình Văn hoá - Thể thao Tỉnh có mời các vị cán bộ lão thành của địa phương đến tham quan và khoe công nghệ lấn biển mới, phía ngoài đóng bê tông, bên trong đóng cọc cát. Chân công trình, khi triều rút, đáy nước vẫn còn độ sâu 0,5m. San đồi, lấp vịnh Hạ Long tạo quĩ đất chỉ để xây dựng công trình phúc lợi công cộng. Ai nghe cũng hài lòng. Nay xây dựng xong, chân công trình không còn được như hôm “dân vận”, một bãi triều cạn trơ trườn ra biển hàng trăm mét.
Bờ kè được thiết kế khá tốn kém để tàu xuồng có thể neo đậu, nhưng khi thủy triều rút thì bãi biển đã nhô lên thế này.
Một vị lãnh đạo của Ban Quản lý dự án Công trình Văn hoá - Thể thao cho biết, khi xây dựng Quảng trường Ban đã lường trước được dưới lòng Dự án chủ đầu tư trước đó đã san lấp trùm lên khoảng hơn chục mét bùn. Số lượng bùn lên tới hàng chục ngàn m3, nếu nạo vét chở đi sẽ tốn khoảng 60 – 70 tỉ đồng. Lúc đó một lãnh đạo Tỉnh chỉ đạo phải thi công thật nhanh vì “ nhiệm vụ chính trị”?! Vì vậy chúng tôi không còn lựa chọn nào khác là phải thi công dù biết rằng lượng bùn sẽ co ngót trong khoảng từ 10 – 15 năm mới có thể ổn định.
Sau cơn mưa, nước đọng từng vũng bởi mặt nền bị lún không đồng đều.
Được biết, trước đó đơn vị thi công xây dựng Quảng trường là Công ty TNHH Thành Thắng đã phải “ cắn răng” bỏ thêm tiền túi ra bảo hành công trình vì sụt lún ngay sau khi thi công xong.
Ban QLDA cho rằng sự lún nhanh kéo theo mặt nền bong tróc có thêm nguyên nhân từ những thiết bị được đưa vào mặt nền không dành cho ô tô như thế này.
Mặc dù công trình xây dựng Quảng trường 30/10 hiện nay đã hết thời hạ bảo hành, nhưng vì trách nhiệm của mình, Ban Quản lý dự án Công trình Văn hoá - Thể thao đã có những văn bản gửi đến các cơ quan chức năng của địa phương đề nghị xin kinh phí bảo trì. Đặc biệt là đề nghị khi tổ chức các lễ hội địa phương cần tuân thủ các nguyên tắc như cấm không cho xe ô tô chở các thiết bị trèo lên mặt bằng Quảng trường, không cho đóng các cọc thép, bốc dỡ vật liệu làm sứt mẻ, nứt vỡ mặt đá…Một trong những nguyên nhân đã xảy ra làm gia tăng sự xuống cấp của Quảng trường.
Văn Nguyễn – Phong Cầm
Theo