(Xây dựng) - Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV vừa họp trong 3 ngày (7-9/7), vấn đề nhà ở cho công nhân, người lao động mang tính an sinh xã hội lại “nóng” lên trong phiên chất vấn tại kỳ họp này và được cử tri hưởng ứng, theo dõi sát sao.
Ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì Kỳ họp. |
Ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Vân Hà - Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại thành phố Hạ Long chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng. Nội dung: “Tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2021, HĐND tỉnh đã thảo luận, ban hành Nghị quyết số 68/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trong đó đã đề ra những giải pháp đột phá về phát triển nhà ở, thiết chế xã hội cho công nhân lao động nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng, thúc đẩy sản xuất gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số, tạo động lực để phát huy hiệu quả khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn, đóng góp cho GRDP của địa phương.
Tuy nhiên đến nay, sau khi kiểm đếm cho thấy việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra còn nhiều hạn chế, yếu kém. UBND tỉnh vẫn chưa hoàn thành việc phê duyệt Đề án phát triển nhà ở công nhân, lao động ngành than, khu công nghiệp; chưa hoàn thành việc rà soát các quỹ đất xen kẹp tại các địa phương để bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội; tiến độ triển khai một số dự án nhà ở công nhân tại KCN Đông Mai, KCN Sông Khoai còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng báo cáo làm rõ về kết quả thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp về phát triển nhà ở, thiết chế xã hội cho công nhân lao động trong các KCN đã đề ra trong Nghị quyết của HĐND tỉnh; những tồn tại, hạn chế; trách nhiệm của ngành Xây dựng trong công tác tham mưu thực hiện và những giải pháp cụ thể để kiểm soát, đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới”.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng trả lời nội dung về nhà ở công nhân, nhà ở xã hội. |
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng trả lời: “Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, các Nghị quyết, Chương trình hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xác định “Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số...”. Để thực hiện mục tiêu đó, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã chỉ đạo việc lập “Đề án phát triển nhà ở cho công nhân, lao động ngành than, khu công nghiệp, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh” (gọi tắt là Đề án).
Sở Xây dựng đã chủ trì phối hợp với các ngành, Tập đoàn Than, Tổng công ty Đông Bắc và đơn vị tư vấn xây dựng Đề án; đã báo cáo UBND tỉnh, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến (tổng số 6 lần); Hiện nay, Sở Xây dựng và đơn vị tư vấn đã hoàn thiện Đề án theo ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, đã gửi xin ý kiến các Sở ngành, địa phương để làm cơ sở trình UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 7/2022. Đề án đã: Đánh giá thực trạng, nhu cầu nhà ở cho các nhóm đối tượng: Công nhân, lao động ngành than; công nhân khu công nghiệp; nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh; rà soát, đánh giá hiện trạng đất đai cho phát triển nhà ở; đưa ra mục tiêu phấn đấu (đến năm 2025 đáp ứng 50% nhu cầu nhà ở, nhu cầu còn lại thực hiện trong giai đoạn 2025-2030); đưa ra các giải pháp thực hiện (8 giải pháp), trong đó đã chỉ ra được những quỹ đất, dự án cụ thể và lộ trình triển khai thực hiện; trách nhiệm các ngành và địa phương.
Về kết quả rà soát quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân, nhà ở xã hội. Đối với nhà ở công nhân KCN: Tỉnh đã quy hoạch 7 khu nhà ở công nhân của 7 KCN, với tổng diện tích đất khoảng 55,5ha (Hạ Long 2 khu với tổng 13,2ha, Quảng Yên 2 khu với tổng 10,2ha, Đông Triều 1 khu 3,3ha, Hải Hà 1 khu 18,8ha, Móng Cái 1 khu 10ha).
Đối với quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng tại Điều 49, Luật Nhà ở: Tổng quỹ đất 20% đã được quy hoạch, bố trí khoảng 663ha (Hạ Long: 184ha, Cẩm Phả 18ha, Uông Bí 28ha, Móng Cái 21ha, Quảng Yên 383ha, Đông Triều 14ha, Vân Đồn 13ha). Trong đó, 20 địa điểm quỹ đất 20% với tổng diện tích 35,2ha có thể kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội ngay trong năm 2022 (Hạ Long 17ha, Cẩm Phả 7,9ha, Uông Bí 9,8ha, Quảng Yên 0,5ha).
Đối với quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân ngành Than: Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh có Văn bản số 4848/UBND-QH1 ngày 28/7/2021 giới thiệu 12 quỹ đất để ngành Than nghiên cứu quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng nhà ở công nhân lao động ngành Than. Sở Xây dựng đã hướng dẫn Tổng công ty Đông Bắc nghiên cứu, lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở công nhân tại 5 địa điểm do Tổng công ty đề xuất; đồng thời có văn bản đề nghị UBND các địa phương Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Đông Triều giới thiệu các quỹ đất phù hợp cho Tập đoàn Than nghiên cứu lập quy hoạch, dự án nhà ở công nhân (7 địa điểm tổng diện tích khoảng 112,6ha: Uông Bí 2 địa điểm, khoảng 23,9ha; Hạ Long 2 địa điểm, khoảng 55,2ha; Cẩm Phả 3 địa điểm, khoảng 33,5ha). Ngoài ra, hiện nay ngành Than có khoảng 10 quỹ đất thuộc quyền quản lý (tổng diện tích khoảng 5ha) dành để xây dựng nhà ở cho công nhân độc thân.
Đối với các quỹ đất xen kẹt, hiện nay, tỉnh đang lập các Đồ án quy hoạch chung (QHC), quy hoạch phân khu (QHPK), trong quá trình thực hiện, Sở Xây dựng đều hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với các địa phương rà soát các quỹ đất, đề xuất chức năng, mục đích sử dụng đất phù hợp QHC, QHPK, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, đảm bảo thống nhất các lớp quy hoạch đã được duyệt làm cơ sở triển khai đảm bảo quy định; các địa phương đang rà soát, triển khai, trong đó ưu tiên tối đa cho cải tạo, chỉnh trang, vườn hoa, cây xanh, không gian cộng đồng... đối với các quỹ đất có thể hình thành khu ở, nhóm nhà ở thì thực hiện theo đúng chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Thông báo số 605-TB/TU ngày 6/6/2022.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại có thể khẳng định tỉnh Quảng Ninh đã bố trí đủ diện tích đất để xây dựng nhà ở công nhân, nhà ở xã hội cho các đối tượng.
Một số tồn tại, hạn chế: “Đề án phát triển nhà ở cho công nhân, lao động ngành Than, khu công nghiệp, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh” là Đề án khó, phức tạp, nội hàm chứa nhiều quy định, cơ chế, chính sách mà pháp luật còn đang bất cập, không phù hợp với thực tiễn. Do đó, trong quá trình xây dựng Đề án phải xin ý kiến của các cấp có thẩm quyền, Bộ Xây dựng để hoàn thiện; đơn vị tư vấn tại Hà Nội, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 quá trình thu thập hồ sơ, số liệu bị gián đoạn... nên chưa đảm bảo tiến độ.
Khó khăn, hạn chế: Theo quy định của Luật Nhà ở thì quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội chỉ dành cho việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; một số quỹ đất 20% đã bàn giao cho địa phương nhưng chưa có cơ chế để sử dụng vào mục đích khác (xây dựng nhà tái định cư, công vụ…), chưa phát huy hiệu quả sử dụng đất; cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển nhà ở đã được quy định, tuy nhiên địa phương chưa có các chính sách ưu đãi, khuyến khích thêm; Pháp luật chưa có quy định về cơ chế chính sách cho việc phát triển nhà ở cho đối tượng người lao động có mức thu nhập trung bình (không thuộc diện được hỗ trợ nhà ở xã hội do vẫn phải đóng thuế TNCN); Chưa có hướng dẫn cụ thể việc hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án cho chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội.
Việc mua bán nhà ở xã hội còn bất cập, chưa phù hợp với điều kiện thực tế; đơn thuần chỉ là để ở, không thực sự hình thành tài sản, kém hấp dẫn các đối tượng mua; việc huy động vốn để thực hiện việc phát triển nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ; qua khảo sát có thể nhận thấy nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh tương đối lớn (đặc biệt là công nhân ngành Than, công nhân KCN); tuy nhiên, số lượng có thể đáp ứng điều kiện hưởng chính sách nhà ở xã hội lại không lớn. Các nhà đầu tư chưa mặn mà trong việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế: Mặc dù nhu cầu nhà ở xã hội lớn, tuy nhiên đối tượng đủ điều kiện hưởng chính sách (không phải đóng thuế TNCN) lại không nhiều, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai thu hút đầu tư; Quỹ đất ở riêng lẻ trên địa bàn tỉnh còn nhiều, có mức giá đa dạng, phù hợp với thu nhập của người dân nên người dân có nhiều sự lựa chọn; chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội chưa tạo được sự khác biệt lớn giữa nhà ở xã hội với đất nền thương mại, chưa hình thành tài sản cho người mua nhà.
Các doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư nhà ở xã hội do nhiều thủ tục, nội dung phức tạp, lợi nhuận không cao; điều kiện đặc thù của công nhân, lao động có thời hạn và không ổn định, chưa có chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng này nên khó khăn việc thu hút được công nhân, người lao động gắn bó lâu dài tại địa phương; Một số nhà đầu tư các dự án trong KCN thời gian qua mới tập trung đầu tư hạ tầng KCN, chưa quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân; Công tác chỉ đạo điều hành tại một số cấp chính quyền còn hạn chế, chưa quyết liệt, dẫn đến việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội chưa đạt mục tiêu.
Việc các chủ đầu tư chưa mặn mà tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội do các nguyên nhân: Một là, dự án nhà ở xã hội có nhiều khó khăn, vướng mắc, thủ tục phức tạp như đã nêu trên (đối tượng, điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục...); hai là lợi nhuận định mức bị hạn chế (tối đa 10%); Ba là dự án chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý.
Về các giải pháp thực hiện: Đề án đã đưa ra 8 nhóm giải pháp gồm: Tập trung triển khai các dự án cụ thể; Giải pháp về đất đai, quy hoạch; Giải pháp về vốn và tài chính để phát triển nhà ở; Giải pháp tạo quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước; Giải pháp thu hút đầu tư; Giải pháp về khoa học công nghệ; Giải pháp về hoàn thiện chính sách, pháp luật về nhà ở xã hội; Giải pháp cải cách thủ tục hành chính, tuyên truyền, vận động.
Trong các nhóm giải pháp này thì sẽ tập trung triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có danh mục, địa chỉ cụ thể: Năm 2022, ngoài dự án nhà ở cho công nhân và chuyên gia KCN Đông Mai đã khởi công ngày 24/3/2022, phấn đấu khởi công thêm 3 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân KCN và 01 khu nhà ở cho công nhân ngành Than tại khu vực Cẩm Phả (mô hình làng công nhân ngành Than). Giai đoạn 2023-2025 tiếp tục khởi công 3 dự án.
Trách nhiệm của ngành Xây dựng gồm: Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ lập, điều chỉnh QHC, QHPK của các địa phương để làm cơ sở quy hoạch, rà soát, bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội; Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh việc rà soát, quản lý, sử dụng quỹ đất 20%; thực hiện các thủ tục liên quan đến lĩnh vực xây dựng: quy hoạch, thẩm định thiết kế, cấp phép xây dựng, cơ chế chính sách hỗ trợ…; Hoàn thiện và trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển nhà ở cho công nhân, lao động ngành Than, khu công nghiệp, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh trong tháng 7/2022 làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện; Tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030; Tham mưu UBND tỉnh xây dựng, phê duyệt cụ thể kế hoạch thực hiện từng dự án, chủ trì theo dõi, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn.
Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV có 25 ý kiến chất vấn và trả lời chất vấn. |
Các giải pháp cụ thể đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội gồm ba nội dung lớn: Một là, đối với các dự án đang triển khai thực hiện thì thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ, đôn đốc chủ đầu tư triển khai; các Sở ngành đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính của dự án; kịp thời đề xuất chính sách hỗ trợ và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc (nếu có); yêu cầu chủ đầu tư xây dựng tiến độ chi tiết để làm cơ sở theo dõi, đôn đốc.
Hai là, đối với các dự án đang thu hút đầu tư, thì công bố công khai các vị trí, quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội để các nhà đầu tư biết, nghiên cứu đầu tư; các Sở ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng, đất đai: quy hoạch, chấp thuận đầu tư, thông qua danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư… Gắn trách nhiệm của ngành Than trong việc xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động ngành Than, trách nhiệm của các chủ đầu tư hạ tầng KCN đối với việc phát triển nhà ở công nhân, lao động trong KCN; gắn trách nhiệm của các địa phương trong việc thu hút, triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn.
Vũ Phong Cầm
Theo