(Xây dựng) – 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế tỉnh Quảng Ninh tiếp tục duy trì tăng trưởng, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh ước tăng 9,02% so với cùng kỳ 2023, xếp thứ 4 vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 8 các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh cuối tháng 6/2024, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết, toàn tỉnh cần nỗ lực hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024 đã đặt ra, làm nền tảng phát triển cho năm 2025. |
6 tháng đầu năm 2024, kinh tế tỉnh Quảng Ninh tiếp tục duy trì tăng trưởng, GRDP Quảng Ninh ước đạt 9,02%, xếp thứ 4 vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 8 các tỉnh, thành phố trong cả nước. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh ước tăng 9,02%, vượt cận trên kịch bản tăng trưởng (kịch bản là 9,0%), đứng thứ 4 trong vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 8 cả nước (GDP cả nước 6 tháng tăng 6,42%).
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm ước đạt 30.774 tỷ đồng, đạt 55% dự toán năm, tăng 6% so với cùng kỳ. Trong đó thu nội địa đạt 21.324 tỷ đồng; thu từ xuất nhập khẩu đạt 9.450 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 10.769 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ.
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 1,55 tỷ USD, đạt xấp xỉ 52% kế hoạch năm, tăng 118% so với cùng kỳ, đứng thứ 3 cả nước, chiếm 10% tổng thu hút vốn FDI cả nước là 15,2 tỷ USD.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2024, Quảng Ninh đã đón 10,4 triệu lượt khách, tăng 18% so với cùng kỳ, với tổng doanh thu đạt 22.285 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ.
Song song với tăng trưởng kinh tế, tỉnh Quảng Ninh cũng đặc biệt quan tâm các vấn đề về an sinh xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường. Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn toàn tỉnh đã giảm 81/246 hộ nghèo theo tiêu chí mới của tỉnh; tạo việc làm tăng thêm khoảng trên 17,4 nghìn lượt lao động, tăng 7,8 nghìn lượt so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội là trên 293.000 người, tăng trên 15.000 người so với cùng kỳ năm 2023.
Năm 2024, ngân sách tỉnh Quảng Ninh đã bố trí 981,9 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.
Đến ngày 30/6, giải ngân của Quảng Ninh đạt 358 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 36,5%. Tỉnh đã hoàn thành sớm hơn 2 năm chương trình xây dựng nông thôn mới ở cả 3 cấp từ tỉnh đến xã, trong đó, Bình Liêu là huyện dân tộc, miền núi, biên giới đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; Tiên Yên, Đầm Hà là 2 huyện đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo tiêu chí của giai đoạn 2021 - 2025.
Trên cơ sở kết quả sơ bộ quý II, 6 tháng và dự báo cả năm, UBND tỉnh Quảng Ninh điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng bám sát các chỉ tiêu đề ra tại Kết luận số 1156-KL/TU ngày 26/6/2024 của Tỉnh ủy để hoàn thành các chỉ tiêu: Tốc độ tăng trưởng cả năm đạt 10,9%; thu ngân sách Nhà nước không thấp hơn 55.600 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm là thu hút vốn FDI cả năm đạt ít nhất 3 tỷ USD; tổng khách du lịch đạt từ 17-18 triệu lượt khách...
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Tập đoàn Foxconn, ngày 3/7/2024, nâng tổng số vốn đầu tư của tập đoàn này vào Quảng Ninh lên gần 1 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2024, tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt khoảng 1.549 triệu USD, bằng 141% kế hoạch 6 tháng và bằng 51% kế hoạch cả năm 2024. (Ảnh: QMG) |
Tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh cuối tháng 6/2024 để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác các tháng tiếp theo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy nhấn mạnh: Để hoàn thành những mục tiêu trên, toàn tỉnh cần phải tập trung cao độ cho những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2024. Trong đó, xác định 3 trụ cột bảo đảm giữ vững tăng trưởng kinh tế hai con số năm 2024 đó là: Công nghiệp chế biến, chế tạo; đầu tư công, đầu tư xây dựng cơ bản vốn ngoài ngân sách; du lịch, dịch vụ, kinh tế biển và kinh tế số. Xác định yếu tố bảo đảm sự ổn định phát triển kinh tế - xã hội là giữ vững sự ổn định và phát triển bền vững ngành than, điện.
Đồng thời, Quảng Ninh cũng xác định các động lực cơ bản thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là các khu công nghiệp, khu kinh tế, còn dư địa tăng trưởng lớn; phát triển kinh tế di sản, kinh tế đô thị, kinh tế số, kinh tế cửa khẩu; phát huy tối đa hiệu quả từ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể để thúc đẩy hội nhập, hợp tác, kết nối, liên kết; sự năng động, đổi mới sáng tạo, hiệu lực, hiệu quả của khu vực công; niềm tin của nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp.
Cùng với các mục tiêu trên, Quảng Ninh chủ trương gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, xây dựng văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; đảm bảo an sinh, phúc lợi, công bằng xã hội; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực; chuẩn bị tốt đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng...
Để đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như: Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, các nguồn lực của nền kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành thu - chi ngân sách, khắc phục hạn chế trong công tác chuẩn bị thủ tục đầu tư công; tập trung giải ngân vốn đầu tư công gắn với nâng cao chất lượng dự án, công trình; đẩy mạnh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; sớm hoàn thành dứt điểm các dự án hạ tầng giao thông chiến lược…
Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Theo đó, 6 tháng cuối năm 2024, tỉnh Quảng Ninh xác định trọng tâm là hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 20-NQ/TU, Nghị quyết số 176/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh gắn với chủ đề công tác năm “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”.
Hoàng My
Theo