(Xây dựng) – Ông Nguyễn Hoàng Nam - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Sơn Tịnh (Ban Sơn Tịnh) quyết định hủy thầu vì cho rằng các nhà thầu tham gia dự thầu không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Việc làm này đã để lại nhiều khúc mắc, cần được làm rõ.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Sơn Tịnh đã quyết định hủy thầu. |
Tiếp nhận thông tin của bạn đọc về việc hủy thầu tại Ban Sơn Tịnh, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã tham gia tìm hiểu sự việc. Theo đó, gói thầu bị hủy là gói số 8: Thi công xây dựng công trình kè chống sạt lở bờ sông Trà Khúc đoạn qua thôn Hà Tây, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi).
Gói thầu có giá dự toán hơn 15,7 tỷ đồng, do Ban Sơn Tịnh mời thầu lần đầu ngày 14/07/2022, mời thầu loại công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp IV. Gói thầu trên được chủ đầu tư tổ chức lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu qua mạng, theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, hình thức hợp đồng trọn gói.
Sau đó, ngày 19/07/2022 bên mời thầu điều chỉnh hồ sơ mời thầu, gói thầu được đóng lúc 11h ngày 24/7/2022. Theo biên bản mở thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, thì gói thầu này có 2 nhà thầu tham gia, gồm: Công ty TNHH Lộc Thiên; liên danh Công ty Cổ phần Phú Hưng Gia – Công ty TNHH Một thành viên Thành Phú.
Cụ thể, giá dự thầu sau giảm giá được Công ty TNHH Lộc Thiên đưa ra là 14.346.800.711 đồng (Thấp hơn giá gói thầu khoảng 1,4 tỷ đồng, tương đương 9%). Còn liên danh Công ty Cổ phần Phú Hưng Gia – Công ty TNHH Một thành viên Thành Phú đưa ra giá 15.718.465.618 đồng (Chỉ giảm hơn 47 triệu đồng so với giá gói thầu).
Sau khi gói thầu được đóng, bên mời thầu tiến hành mở thầu để giải mã và đánh giá hồ sơ dự thầu của các nhà thầu tham gia. Đến ngày 12/09/2022, trên cơ sở Báo cáo đánh giá E-HSDT số 25/BC-TP ngày 31/8/2022 của Công ty TNHH MTV tư vấn xây dựng Tân Phát và Báo cáo thẩm định số 84/BCTĐ-BQL ngày 05/9/2022 của Tổ thẩm định về việc Báo cáo thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu này, ông Nguyễn Hoàng Nam – Giám đốc Ban Sơn Tịnh đã ký Quyết định số 195/QĐ-BQL phê duyệt hủy thầu.
Lý do hủy thầu được ông Nam đưa ra là “Vì E–HSDT của các nhà thầu tham gia dự thầu không đáp ứng yêu cầu của E–HSMT (Theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013)”.
“Mở thầu không đảm bảo tiêu chí, không đạt thì đấu lại thôi”, ông Nguyễn Hoàng Nam – Giám đốc Ban Sơn Tịnh nói với Phóng viên Báo điện tử Xây dựng.
Dự án được đầu tư xây dựng để kè bờ phía Bắc sông Trà Khúc. |
Nhằm tìm hiểu lý do cụ thể dẫn đến phải hủy thầu, phóng viên xin được tiếp cận báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu (Không được Ban Sơn Tịnh đăng tải kèm theo quyết định hủy thầu), thì ông Nam nói “Anh đi Sài Gòn nên không cung cấp được”. Cùng với đó, ông Nam yêu cầu phóng viên liên lạc với ông Trương Quang Tòa – Phó Giám đốc Ban Sơn Tịnh để được cung cấp. Tuy nhiên, sau khi chúng tôi nhắn tin câu hỏi cụ thể, nhờ cung cấp tài liệu thì vị Phó Giám đốc Ban này “đã xem nhưng không trả lời”.
Theo danh sách người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ, đồng thời gửi nội dung câu hỏi cụ thể cho Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh Nguyễn Mạnh Cường - Người phê duyệt dự án nói trên, nhưng không nhận được hồi âm.
Đến ngày 15/9/2022, gói thầu được Ban Sơn Tịnh đăng tải thông báo mời thầu lần thứ 2. Sau khi hủy thầu đợt 1, chủ đầu tư tiến hành điều chỉnh giảm giá gói thầu gần 390 triệu đồng, xuống còn 15.376.347.000 đồng, cùng với đó là sửa hồ sơ mời thầu. Cụ thể, tiêu chí kinh nghiệm thực hiện hợp đồng xây lắp tương tự đã được “cài” thêm yêu cầu “công trình kè chống sạt lở; Quyết định phê duyệt thiết kế BVTC-DT để chứng minh quy mô công trình tương tự; có xác nhận của chủ đầu tư để chứng minh”.
Một trong hai nhà thầu tham gia dự thầu tỏ ra ngơ ngác trước quyết định hủy thầu của Ban Sơn Tịnh. “Rõ ràng bên mời thầu ra đề là công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp IV, chúng tôi đạt yêu cầu. Sau đó chúng tôi cũng đã giải trình cụ thể hai lần theo yêu cầu của chủ đầu tư, nhưng vẫn bị cho là không đạt” đại diện nhà thầu nói. Bên cạnh đó, đến thời điểm này doanh nghiệp cũng không được biết lý do cụ thể mà mình bị “đánh rớt” là gì.
Theo biên bản mở thầu lần 2 ngày 25/9/2022, tiếp tục có hai nhà thầu tham gia, gồm: Liên danh Công ty Cổ phần Phú Hưng Gia và Công ty TNHH Xây dựng Đồng Khánh; liên danh Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Phùng Hưng và Công ty TNHH Xây dựng Tổng hợp Phú Kim.
Cụ thể, giá dự thầu sau giảm giá được liên danh Công ty Cổ phần Phú Hưng Gia và Công ty TNHH Xây dựng Đồng Khánh đưa ra là 15.356.408.000 đồng (giảm chưa tới 20 triệu đồng); còn liên danh Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Phùng Hưng và Công ty TNHH Xây dựng Tổng hợp Phú Kim đưa ra giá 15.039.512.000 đồng (giảm gần 337 triệu đồng). Hiện tại, Ban Sơn Tịnh đang tổ chức chấm thầu, liên danh đáp ứng yêu cầu sẽ được thương thảo để ký hợp đồng trong thời gian tới.
Sau khi theo dõi diễn biến, đồng thời nghiên cứu hồ sơ về việc hủy thầu tại Ban Sơn Tịnh, một chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu dự án đầu tư công cho rằng, có rất nhiều chi tiết “bất thường” đã xuất hiện.
Hủy thầu là việc bất đắc dĩ, gây thiệt hại nên thường không được lựa chọn. |
Theo vị này, khoản 3 Điều 57 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư; khoản 5 Điều 20 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết về thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, đều quy định việc phải nêu rõ bằng văn bản lý do hủy thầu và trách nhiệm của các bên liên quan theo quy định của pháp luật khi hủy thầu, sau khi đã xác định được nguyên nhân.
Áp dụng đối với trường hợp hủy thầu theo quy định tại Điều 17 của Luật Đấu thầu 2013, khi mà tất cả hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Người có thẩm quyền ra quyết định hủy thầu, chủ đầu tư phải thông báo tới các bên tham gia dự thầu và nêu rõ lý do hủy thầu theo quy định của pháp luật
Đồng thời, phải thực hiện đăng tải thông tin thông báo hủy thầu nêu rõ lý do hủy thầu trên 3 số báo liên tiếp của một tờ báo, 3 tin liên tiếp trên một phương tiện thông tin đại chúng khác hoặc trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu dẫn đến hủy thầu, phải đền bù chi phí cho các bên liên quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Các cơ quan có thẩm quyền của huyện Sơn Tịnh và tỉnh Quảng Ngãi cần xác minh, làm rõ những khúc mắc về việc hủy thầu tại Ban Sơn Tịnh. |
“Không rõ là Ban Sơn Tịnh có tìm ra được chủ thể đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án sau khi hủy thầu rồi đấu lại hay không? Nhưng trước mắt là với kết quả mở thầu lần 2, nếu hợp đồng thi công được ký kết thì ngân sách Nhà nước sẽ thất thoát hơn 1 tỷ đồng (lần 1 giảm hơn 1,4 tỷ đồng nhưng bị hủy, lần 2 giá giảm cao nhất chỉ gần 390 triệu). Gói thầu bị chậm trễ, hiệu quả nguồn vốn mà tỉnh Quảng Ngãi phân bổ cho huyện Sơn Tịnh bị giảm, dự án chậm được triển khai. Đó là chưa kể trong hồ sơ mời thầu có rất nhiều chi tiết “lạ”, không cần thiết. Quy trình hủy thầu, sửa hồ sơ mời thầu cần được xem lại, bên dự thầu hoàn toàn có quyền khởi kiện đòi bồi thường bên mời thầu trong trường hợp này” - Chuyên gia này nói.
Rõ ràng, việc hủy thầu tại Ban Sơn Tịnh dường như đã đi ngược lại với yêu cầu bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu, để lại nhiều dấu hỏi lớn, tạo dư luận không tốt. Rất cần các cơ quan có thẩm quyền của huyện Sơn Tịnh và tỉnh Quảng Ngãi vào cuộc xác minh, làm rõ.
Lê Danh
Theo